Sâu răng là một trong những bệnh lý nha khoa phổ biến nhất hiện nay, ảnh hưởng đến người dân toàn cầu ở mọi lứa tuổi. Bệnh lý này có thể dẫn đến mất răng nếu không được điều trị kịp thời. Điều trị sâu răng càng tiến hành sớm, càng hiệu quả cao. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ 2 phương pháp phù hợp nhất để chữa răng sâu nhẹ, đọc ngay bạn nhé!
Sâu răng là bệnh lý nha khoa có thể gây đau đớn đáng kể cho người bệnh. Khi tổn thương đến tủy răng, sâu răng có thể dẫn đến tình trạng áp xe răng; đây là một tình trạng y tế khẩn cấp, cần được điều trị ngay lập tức. Nếu sâu răng không được điều trị, sự phá hủy răng có thể trở nên nghiêm trọng đến mức không thể cứu vãn, dẫn đến mất răng vĩnh viễn. Ngoài những tác động liên quan đến sức khỏe răng miệng, sâu răng còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới diện mạo của người bệnh, khiến người bệnh tự ti, ngại tương tác xã hội. Để tránh những nguy cơ này, chữa sâu răng từ khi sâu răng còn nhẹ là rất cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Đâu là dấu hiệu nhận biết răng sâu nhẹ?
Dấu hiệu nhận biết sâu răng nhẹ có thể không rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu bạn có thể lưu ý để nhận biết sớm tình trạng này:
– Răng xuất hiện vết ố: Một trong những dấu hiệu đầu tiên của sâu răng là sự xuất hiện của các vết ố trên răng. Ban đầu, những vết này là các đốm trắng do mất khoáng, sau đó, chúng chuyển sang màu nâu hoặc đen khi tình trạng sâu răng tiến triển.
– Ê buốt răng: Người bệnh có thể cảm thấy ê buốt khi tiếp xúc với đồ ăn thức uống ngọt, lạnh hoặc nóng. Ê buốt xuất hiện do men răng mất khoáng, khiến răng trở nên nhạy cảm với các kích thích.
– Đau răng: Người bệnh có thể đau khi ăn nhai, cũng do men răng mất khoáng nên răng trở nên nhạy cảm hơn.
– Dị cảm: Người bệnh có thể cảm thấy dị cảm ở răng bị ảnh hưởng. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi có sự xâm nhập của vi khuẩn và acid vào men răng.
– Lỗ nhỏ trên bề mặt răng: Khi sâu răng tiến triển, bề mặt răng có thể hình thành lỗ nhỏ. Ban đầu, lỗ này thường khó quan sát bằng mắt thường nhưng có thể cảm nhận bằng lưỡi.
2. Chữa răng sâu nhẹ như thế nào?
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trong những dấu hiệu trên, bạn nên thăm khám với nha sĩ sớm. Điều trị sớm sâu răng là rất cần thiết để ngăn chặn sâu răng tiến triển, hạn chế các thủ tục điều trị phức tạp hơn. Đối với răng sâu nhẹ, 2 phương pháp phù hợp nhất để điều trị là liệu pháp fluoride và trám răng.
2.1. Chữa răng sâu nhẹ bằng liệu pháp fluoride
Liệu pháp fluoride là một trong hai phương pháp chữa răng sâu nhẹ phù hợp nhất. Dưới đây là một số thông tin chi tiết về liệu pháp fluoride:
2.1.1. Cơ chế hoạt động của fluoride
Fluoride thúc đẩy quá trình tái khoáng hóa, quá trình mà các khoáng chất như canxi và phosphate được đưa trở lại cấu trúc men răng đã bị phá hủy bởi acid. Quá trình này giúp củng cố men răng, hạn chế tình trạng men răng bị ăn mòn tiếp diễn.
2.1.2. Các liệu pháp fluoride phổ biến
Có nhiều liệu pháp fluoride, phổ biến nhất có thể kể đến là:
– Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa fluoride: Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng chứa fluoride là cách đơn giản và hiệu quả nhất để đưa fluoride vào chế độ chăm sóc răng miệng hàng ngày.
– Sử dụng gel và miếng dán fluoride: Đây là các sản phẩm được bôi/dán trực tiếp lên răng, thường trong một phòng khám nha khoa. Chúng chứa nồng độ fluoride cao hơn.
– Varnish fluoride: Varnish fluoride là hình thức điều trị có nồng độ fluoride cao, thường được thực hiện cho trẻ em nhưng cũng rất hiệu quả với người lớn. Varnish được bôi trực tiếp lên răng và tạo thành một lớp màng bảo vệ mà fluoride từ từ giải phóng vào răng.
2.2. Chữa răng sâu nhẹ bằng phương pháp trám răng
Trám răng là phương pháp chữa răng sâu nhẹ phù hợp nhất còn lại. Dưới đây là một số thông tin về trám răng.
2.2.1. Quy trình trám răng
– Chuẩn bị: Nha sĩ gây tê vùng xung quanh răng cần trám, đảm bảo người bệnh không cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình điều trị.
– Loại bỏ phần răng sâu: Nha sĩ sử dụng các dụng cụ nha khoa để loại bỏ phần răng sâu. Sau đó, họ vệ sinh cẩn thận khu vực này để đảm bảo không còn thức ăn thừa, mảng bám hay cao răng.
– Vệ sinh khu vực trám: Sau khi loại bỏ phần răng sâu, nha sĩ vệ sinh khu vực trám để chuẩn bị đặt vật liệu trám.
– Trám răng: Vật liệu trám được đặt vào khoang răng đã được vệ sinh. Nha sĩ định hình vật liệu trám để khôi phục hình dáng tự nhiên của răng, đảm bảo khớp cắn phù hợp.
– Cứng hóa và hoàn thiện: Đối với hầu hết các loại vật liệu trám hiện đại, nha sĩ sẽ sử dụng đèn UV để làm cứng nhanh chóng. Sau khi vật liệu đã cứng, nha sĩ sẽ tinh chỉnh hình dạng của răng để đảm bảo vật liệu trám phù hợp với răng, cho cảm giác thoải mái khi ăn nhai.
2.2.2. Các loại vật liệu trám răng
– Amalgam (bạc): Đây là một trong những vật liệu trám răng lâu đời nhất, nổi tiếng với độ bền và chi phí thấp. Tuy nhiên, do màu sắc của nó không giống màu sắc tự nhiên của răng và lo ngại về hàm lượng thủy ngân, sự phổ biến của amalgam đã giảm dần.
– Composite: Vật liệu này có màu sắc tương tự như răng tự nhiên, cho giá trị thẩm mỹ cao. Composite cũng có khả năng bám dính tốt, nhưng có thể không bền bằng amalgam.
– Gốm sứ: Được sử dụng trong các trường hợp cần phục hồi thẩm mỹ cao, vật liệu gốm sứ có thể được chế tạo để phù hợp hoàn hảo với màu sắc của răng tự nhiên.
– Vàng: Mặc dù ít phổ biến hơn do chi phí cao và màu sắc không giống răng tự nhiên, vàng vẫn là một lựa chọn trám răng bền và không gây phản ứng phụ.
Lựa chọn vật liệu trám phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm vị trí của răng, mức độ hư hại của răng, yêu cầu thẩm mỹ và chi phí. Nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn lựa chọn vật liệu phù hợp nhất dựa trên các yếu tố này. Trám răng không chỉ giúp khôi phục chức năng răng mà còn cải thiện đáng kể diện mạo và sức khỏe tổng thể của răng.
Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của phát hiện sớm và điều trị kịp thời sâu răng sẽ giúp bạn tránh được nhiều biến chứng nghiêm trọng về sau. Hãy chủ động chăm sóc răng miệng của bạn ngay hôm nay để có một nụ cười rạng rỡ, bạn nhé!