Chửa ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang là một bệnh lý hiếm gặp ở phụ nữ. Trong trường hợp này, chị em cần có phương pháp chủ động thăm khám và xin tư vấn, chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa, tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh lý thai ngoài tử cung huyết thụ thành nang và những điều cần biết?
1.1. Định nghĩa chửa ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang là gì?
Chửa ngoài tử cung là một dạng bệnh lý nguy hiểm đối với các mẹ bầu. Bệnh lý này nếu không được phát hiện và có biện pháp xử lý thì sẽ gây đe dọa tới tính mạng. Chửa ngoài tử cung cũng có rất nhiều vị trí thai làm tổ như: ổ bụng, ống dẫn trứng, vòi trứng,…Trong đó, thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang là một trong những dạng bệnh lý hiếm gặp. Ở trường hợp này, khối chửa ngoài dạ con đã bị vỡ ra. Máu huyết lúc này có hiện tượng rỉ, gây tụ lại ở cùng đồ sau. Khi đó, phần ruột mạc nối tới sẽ có nhiệm vụ bao bọc các khối máu cũng như vòi trứng, tạo nên những khối nang.
1.2. Thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang có dấu hiệu như thế nào?
Trên thực tế, chửa ngoài tử cung là một bệnh lý cấp cứu, do đó, dù có triệu chứng hay chưa có triệu chứng thì vẫn cần phải phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. bệnh lý thai ngoài tử cung huyết tụ thành nang thường sẽ có những dấu hiệu phổ biến như sau:
– Khi đi khám thai, siêu âm thai không quan sát thấy phôi thai làm tổ bên trong tử cung. Bên cạnh đó, ở phần ngoài tử cung sẽ quan sát thấy một số khối tụ huyết.
– Phụ nữ cảm thấy có hiện tượng đau bụng, có thể là dữ dội thành cơn liên tục hoặc ngắt quãng.
– Khu vực âm đạo có xuất hiện triệu chứng chảy máu. Máu tiết ra ở âm đạo có màu nâu sẫm hoặc màu đen.
– Thấy xuất hiện hiện tượng đau phần bụng dưới. Các cơn đau có thể âm ỉ dài ngày hoặc cảm giác bị chèn ép ở phần bụng.
– Cơ thể mệt mỏi, xanh xao, thiếu sức sống dài ngày.
– Có thể xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ hoặc sốt cao bất thường.
2. Chửa ngoài tử cung thể tụ huyết tạo thành nang có nguyên nhân do dâu?
Hiện tượng thai ngoài tử cung có thể xảy ra với bất cứ đối tượng phụ nữ nào. Tuy nhiên một số nguyên nhân chính sau đây thường sẽ là tác nhân gây ra việc phụ nữ bị chửa ngoài tử cung:
– Phụ nữ gặp vấn đề viêm nhiễm ở vùng phụ khoa: viêm âm đạo, viêm nhiễm vòi trứng, viêm phần vùng chậu,…Hiện tượng viêm nhiễm gây ra những tổn thương tại vùng kín, từ đó gây cản trở đến việc phôi thai di chuyển và làm tổ đúng vị trí.
– Phụ nữ có các bất thường trong cấu tạo tử cung, buồng trứng, có sẹo, hoặc có vết thương. Dị dạng bẩm sinh của tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng cũng có thể làm cản trở việc di chuyển của phôi thai, dẫn tới chửa ngoài tử cung.
– Một số bệnh lý phụ khoa nguy hiểm như: u nang tử cung, u xơ tử cung, nang lạc nội mạc tử cung,…cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng chửa ngoài ở phụ nữ.
– Phụ nữ mang bầu khi đã ở giai đoạn tuổi cao (từ 35 tuổi trở lên) cũng làm tăng nguy cơ dễ mắc bệnh lý chửa ngoài tử cung hơn những người trẻ.
– Nếu chị em phụ nữ thường xuyên có thói quen hút thuốc lá, sử dụng các loại rượu, bia, chất kích thích cũng làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai và thụ thai bình thường của cơ thể.
– Một số nguyên nhân khác có thể làm phụ nữ bị chửa ngoài đó là: mang thai bằng phương pháp IVF, lối sống chưa điều độ, quan hệ tình dục phóng túng, sử dụng các loại thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên,…
3. Chửa ngoài tử cung thể tụ huyết thành nang cần được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
3.1. Biện pháp theo dõi à chẩn đoán thai ngoài tử cung ra sao?
Như đã nói ở trên, hiện tượng thai ngoài tử cung là một trong những trường hợp cấp cứu đối với phụ nữ bởi chúng có thể dẫn tới khả năng tử vong rất cao. Do vậy, khi phụ nữ phát hiện ra mình bị thai ngoài tử cung thì cần có sự theo dõi và chẩn đoán kỹ càng tử bác sĩ chuyên khoa.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ có thai, chị em nên chủ động đi thăm khám bác sĩ để kiểm tra xem tình trạng phôi thai đã di chuyển vào tử cung hay chưa. Nếu trong trường hợp thai đã vào tử cung làm tổ thì chỉ cần định kỳ theo dõi thai như bình thường. Nếu trong trường hợp thai làm tổ ở bên ngoài tử cung thì cần sự tư vấn và chỉ định điều trị của bác sĩ.
Tùy vào mỗi trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các biện pháp chẩn đoán và theo dõi thai ngoài tử cung khác nhau. Một số các bước thường làm nếu trong trường hợp mới phát hiện thai ngoài tử cung và khối thai chưa có dấu hiệu bị vỡ như sau:
– Siêu âm thai để quan sát, nhận định xem phôi thai có ở bên trong tử cung hay không. Túi thai ở bên ngoài thì xác định xem thai đang nằm ở vị trí nào. Đo kích thước và ước lượng thời gian khối thai có thể vỡ ra.
– Chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ beta HCG trong máu. Nếu nồng độ beta HCG tăng cao thì chắc chắn đã có thai.
– Một phương pháp khác có thể được chỉ định là nội soi ổ bụng. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát được kỹ và rõ nhất các cơ quan bên trong vùng bụng cũng như vùng chậu.
– Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn cách theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như các dấu hiệu bất thường của mình như: theo dõi hiện tượng đau bụng, ra máu, huyết áp, mạch,…
3.2. Có các phương pháp điều trị nào đối với bệnh lý thai ngoài tử cung dạng huyết tụ thành nang?
Hiện nay có 3 phương pháp chính để điều trị bệnh lý thai ngoài tử cung đó là: điều trị nội khoa, phương pháp mổ nội soi và phương pháp mổ mở.
3.2.1. Phương pháp sử dụng thuốc điều trị nội khoa chửa ngoài tử cung
Sử dụng thuốc để điều trị bệnh lý thai ngoài tử cung là một trong những phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Thuốc sẽ có tác dụng làm ngăn cản sự phát triển của các tế bào, cũng như làm đình chỉ thai kỳ. Phương pháp điều trị này có tác dụng làm tiêu biến khối chửa ngoài tử cung mà không làm ảnh hưởng đến ống dẫn trứng hay vòi trứng. Tuy nhiên, phương pháp này lại cần nhiều thời gian theo dõi trong khi điều trị và sau khi điều trị lâu hơn các phương pháp khác.
3.2.2. Phương pháp mổ nội soi để điều trị bệnh lý chửa ngoài tử cung
Đối với những trường hợp khối chửa ngoài tử cung có huyết tụ nhỏ hơn 8cm thì bệnh nhân sẽ thường được bác sĩ chỉ định sử dụng phương pháp mổ nội soi để điều trị. Phương pháp này thường nhẹ nhàng và khả năng hồi phục nhanh chóng hơn phương pháp mổ mở.
3.2.3. Phương pháp mổ mở điều trị bệnh lý chửa ngoài tử cung
Đối với trường hợp khối chửa bị vỡ hoặc huyết tụ có kích thước lớn hơn 8cm, thì bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân mổ mở cấp cứu. Lúc này, việc mổ mở sẽ giúp bác sĩ thao tác được nhanh chóng và chính xác, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân, tránh mất máu ổ bụng quá nhiều.
Hi vọng với những kiến thức về bệnh lý thai ngoài tử cung huyết tụ thành nang trên đây sẽ giúp chị em phụ nữ có phương án thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. Liên hệ với Thu Cúc TCI theo số tổng đài để được đặt lịch thăm khám và hỗ trợ nhé.