Mang thai luôn khiến mọi phụ nữ hạnh phúc nhưng cũng không tránh khỏi những lo lắng. Một trong những nỗi lo đó chính là chửa ngoài dạ con. Vậy, chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không, có điều trị được không? Bài viết sau của chúng tôi sẽ giúp các bạn trả lời những thắc mắc trên.
Menu xem nhanh:
1. Chửa ngoài dạ con là gì?
Thông thường, trong 24 giờ sau khi trứng rụng, nếu có quan hệ tình dục, trứng được gặp tinh trùng thì sẽ xảy ra quá trình thụ tinh. Sau đó trứng thụ tinh sẽ di chuyển về tử cung và làm tổ tại đây, dần hình thành và phát triển thành bào thai.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì lí do nào đó mà thai làm tổ ở vòi trứng, ổ bụng, cổ tử cung… thay vì trong buồng tử cung. Hiện tượng này được gọi là chửa ngoài dạ con, hoặc chửa ngoài tử cung, thai ngoài tử cung.
2. Nguyên nhân gây chửa ngoài dạ con
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chửa ngoài dạ con, là do bẩm sinh hoặc tác động từ tình trạng sức khỏe của người mẹ, bao gồm:
– Phụ nữ lần đầu mang thai khi đã ngoài 35 tuổi.
– Phụ nữ đã và đang mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm tiểu khung, viêm vùng chậu, viêm vòi trứng, nấm…
– Phụ nữ có u nang ở buồng trứng.
– Phụ nữ đã và đang mắc bệnh lạc nội mạc tử cung.
– Phụ nữ có ống dẫn trứng bị các vấn đề bẩm sinh như có dị tật bất thường hoặc kích thước nhỏ hẹp…
– Phụ nữ có tiền sử đặt vòng tránh thai, phá thai hoặc chửa ngoài tử cung.
– Phụ nữ đã từng thực hiện các thủ thuật ở vùng bụng, đặc biệt là vùng chậụ và vòi trứng.
– Phụ nữ nghiện thuốc lá.
3. Những dấu hiệu giúp nhận biết chửa ngoài dạ con
Sau khi quan hệ tình dục vào ngày rụng trứng được 1 – 2 tuần cũng là lúc trứng đã được thụ tinh và dần đi xuống buồng tử cung làm tổ. “Mẹ bầu” bắt đầu cảm nhận được những dấu hiệu mang thai nhưng lại không thấy túi thai trong buồng tử cung khi đi siêu âm. Lúc đó, khả năng rất cao là thai đã làm tổ ở một vị trí khác, không phải trong buồng tử cung.
Một số dấu hiệu sau sẽ giúp các chị em phụ nữ nhận biết được hiện tượng chửa ngoài dạ con:
– Ra máu bất thường: Do vẫn có hiện tượng thụ tinh nên sau khi trứng gặp tinh trùng, buồng trứng không phóng noãn nữa, gây ra hiện tượng chậm kinh. Trong trường hợp, kinh nguyệt đến sớm hoặc đúng ngày nhưng máu kinh có màu đen thẫm, ra ít, kéo dài… thì đây là hiện tượng xuất huyết tử cung do chửa ngoài dạ con, chứ không phải máu kinh nguyệt.
– Đau bụng: Tùy vào cơ địa và mức độ phát triển của bào thai mà các cơn đau bụng có những mức độ khác nhau, lúc dữ dội, đột ngột, lúc âm ỉ kéo dài.
– Xuất huyết âm đạo: Đây là một trong những dấu hiệu khiến các chị em phụ nữ dễ nhầm lẫn nhất. Phần lớn mọi người đều nhầm lẫn chảy máu âm đạo với chảy máu kinh nguyệt. Tuy nhiên, chảy máu âm đạo xuất hiện ngay sau khi hết kinh, màu máu đỏ thẫm hoặc đen, kéo theo những cơn đau thắt ở vùng hố chậu hoặc bụng dưới. Nếu để tình trạng chảy máu âm đạo kéo dài sẽ khiến “người bệnh” tụt huyết áp, mệt mỏi, thiếu máu.
– Nồng độ HCG có tăng nhưng không tương ứng với tuổi thai: HCG là hormon được tiết ra bởi nhau thai. Thai càng phát triển thì nồng độ HCG càng tăng và tăng cao. Tuy nhiên, nếu phát hiện nồng độ HCG không tương xứng với tuổi thai thì mẹ bầu cần thực hiện siêu âm và thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết để xác định xem thai có trong buồng tử cung không.
4. Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không?
Có thể nói, đây là thắc mắc của tất cả các chị em phụ nữ. Câu trả lời chắc chắn là có. Theo các bác sĩ và chuyên gia sản khoa, chửa ngoài tử cung được coi là một trong những biến chứng thai sản nguy hiểm hàng đầu.
Nếu chửa ngoài tử cung không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nó còn đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người phụ nữ. Cụ thể:
– Xuất huyết trong ổ bụng gây nguy hiểm tính mạng
– Nguy cơ tái phát chửa ngoài dạ con trong lần mang thai sau
– Nguy cơ vô sinh về sau do phẫu thuật lấy khối thai ở vòi trứng, hoặc phải cắt vòi trứng do vỡ khối thai
5. Những biến chứng của chửa ngoài tử cung
– Xuất huyết ổ bụng do thai ngoài tử cung vỡ:
Cấu tạo sinh học của buồng tử cung là nơi lí tưởng nhất để thai làm tổ. Do đó, khi thai làm tổ bên ngoài buồng tử cung, đồng nghĩa với việc thai làm tổ tại vị trí không thuận lợi. Để phát triển, các gai nhau bắt buộc phải phá hủy cấu trúc của nơi mà thai đang làm tổ để lấy chất dinh dưỡng nuôi bào thai phát triển.
Các ca mang thai ngoài tử cung phần lớn đều làm tổ ở ống dẫn trứng – bộ phận có cấu trúc vô cùng mỏng manh và yếu ớt. Do đó, tình trạng rong huyết xảy ra và nguy cơ vỡ thai có thể đến bất cứ lúc nào. Khi thai vỡ, máu chảy ồ ạt vào ổ bụng, gây đau bụng dữ dội, chị em sẽ gặp tình trạng da tái xanh, mạch đập nhanh, huyết áp không ổn định, dẫn đến ngất xỉu. Nếu không được cấp cứu và truyền máu kịp thời, mẹ bầu có thể bị trụy mạch, thậm chí là tử vong. Trong trường hợp được truyền máu kịp thời thì mẹ bầu còn có nguy cơ bị sốc phản vệ, nhiễm trùng, dị ứng…
– Tăng nguy cơ tái phát:
Như đã chia sẻ, một trong những nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung chính là tiền sử đã từng chửa ngoài tử cung. Trên thực tế, phụ nữ mắc phải hiện tượng này có nguy cơ tái phát cao gấp 13 lần so với phụ nữ chưa chửa ngoài tử cung bao giờ. Lý giải cho hiện tượng dễ tái phát này là do thai ngoài tử cung rất khó giải quyết triệt để. Quá trình điều trị, phẫu thuật mổ lấy thai… đều là tác nhân gây viêm nhiễm, u xơ, sẹo tử cung… và dẫn đến thai ngoài dạ con ở những lần mang thai sau.
– Nguy cơ vô sinh cao:
Từ khi bào thai bắt đầu hình thành, phát triển, đến khi vỡ đi đã khiến toàn bộ cấu trúc của bộ phận mà thai làm tổ bị phá hủy. Đồng thời, khi thai vỡ còn gây ảnh hưởng tới các bộ phận lân cận. Do đó, dù được phát hiện sớm thì khả năng sinh sản của mẹ bầu cũng đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Còn nếu bị phát hiện muộn thì khả năng sinh sản gần như không thể hồi phục. Đặc biệt, khi thai làm tổ ở vòi trứng, quá trình mổ nội soi lấy thai cũng sẽ để lại sẹo, gây cản trở quá trình trứng gặp tinh trùng và tiếp tục trở thành nguyên nhân gây tái phát chửa ngoài tử cung.
– Các biến chứng khi thai thoái triển, chết lưu
Khi thai ngoài dạ con thoái triển, có thể sẽ không chèn ép, gây áp lực lên các bộ phận nhưng lại gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Thai thoái triển, chết lưu sẽ phân hủy ngay bên trong ổ bụng của mẹ, gây nhiễm trùng nặng nề đường sinh dục. Lâu dài, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào sâu, gây nhiễm trùng các bộ phận trong ổ bụng, đặc biệt là nhiễm trùng máu, đe dọa trực tiếp tính mạng người mẹ.
6. Chửa ngoài dạ con có điều trị được không?
Thai ngoài tử cung có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ nhưng nếu được phát hiện sớm thì hoàn toàn có cơ hội bảo toàn khả năng làm mẹ. Có hai phương thức điều trị, bao gồm nội khoa và ngoại khoa.
– Điều trị nội khoa:
Với các trường hợp nhẹ, được phát hiện sớm, bác sĩ sẽ kê thuốc để ngăn chặn sự phát triển của bào thai, làm chết phôi thai. Từ đó, cơ thể sẽ tự động đào thải bào thai chết ra ngoài. Các mẹ có thể yên tâm vì thuốc không tác động hay làm tổn thương vòi trứng mà chỉ ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt một thời gian ngắn.
– Điều trị ngoại khoa:
Trong trường hợp bào thai đã lớn, chưa bị vỡ hoặc mới rỉ máu thì bác sĩ sẽ thực hiện mổ nội soi. Còn nếu bào thai đã vỡ hoặc xuất huyết nhẹ vào ổ bụng thì các bác sĩ bắt buộc mổ mở.
Có thể nói, chửa ngoài dạ con là một trong những biến chứng nguy hiểm hàng đầu nhưng nếu được phát hiện sớm thì sẽ giảm thiểu được rủi ro tới sức khỏe. Đừng quên khám thai sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu có thai để được phát hiện và điều trị kịp thời các chị em nhé. Hy vọng bài viết này đã giúp các chị em có được những thông tin cần thiết!