Chào bác sĩ. Vừa rồi tôi có đau phần bụng phải, ngay phía dưới xương sườn, đi khám – xét nghiệm máu thì thấy chỉ số ALT và AST cao hơn bình thường. Tôi rất lo lắng không biết chỉ số chỉ số ALT và AST cao là bệnh gì? Mức độ nguy hiểm như thế nào và cách chữa trị ra sao?
Đăng Khoa (Xuân Thủy, Cầu Giấy, HN)
Trả lời
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về địa chỉ hòm thư của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Với thắc mắc của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:
AST và ALT thường liên quan đến viêm và/hoặc tổn thương tế bào gan, một tình trạng được coi là tổn thương tế bào gan. Tổn thương gan điển hình dẫn đến tình trạng rò gỉ men AST và ALT vào dòng máu. Vì thế, chỉ số ALT và AST cao có thể bạn đã mắc bệnh gan.
Tuy nhiên, do AST được tìm thấy trong nhiều cơ quan khác ngoài gan bao gồm thận, cơ và tim nên việc tăng mức AST không phải luôn luôn cho thấy có vấn đề về gan. Khi hoạt động thể lực mạnh cũng làm tăng nồng độ AST. Mặt khác, do ALT chủ yếu có ở gan nên nồng độ ALT cao hầu như luôn phản ánh tình trạng gan có vấn đề (tuy nhiên thì mức ALT bình thường không nhất thiết có nghĩa rằng gan bình thường.
Các loại men gan AST và ALT do gan tạo ra thường có một hàm lượng cố định trong máu, trị số bình thường ALT < 40 U/L ,AST < 40 U/l. Khi gan bị tổn thương, hàm lượng men gan này sẽ tăng cao, mức tăng thông thường gấp 5 – 8 lần bình thường, thậm chí còn cao hơn nữa.
Trong thời gian viêm gan cấp các men này sẽ tăng cao sau đó giảm dần và trở lại bình thường trong khoảng 1-4 tháng. Nếu các men này tăng cao liên tục trong thời hơn 6 tháng thì có thể là biểu hiện của một viêm gan mạn tính.
Chính vì thế, khi kết quả xét nghiệm của bạn cho thấy chỉ số ALT và AST cao thì bạn cần theo dõi định kỳ, kiểm tra men gan này 6 tháng một lần. Nguyên nhân dẫn đến tăng các men gan không chỉ do viêm gan B mà còn do viêm gan A, viêm gan C, viêm gan hay xơ gan do rượu…
Trường hợp của bạn không cụ thể chỉ số men gan tăng cao là bao nhiêu nên chúng tôi chưa thể đưa ra biện pháp chữa trị phù hợp. Bạn nên đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân, đồng thời áp dụng chế độ nghỉ ngơi phù hợp, tránh vận động nặng, có chế độ ăn uống hợp lý nhằm tránh tăng gánh nặng cho gan, tuyệt đối không dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá và định kỳ 6 tháng kiểm tra lại để đánh giá chức năng gan.