Tai biến mạch máu não là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh với các triệu chứng nguy hiểm như hôn mê đột ngột, liệt nửa người, nói ngọng… thậm chí là tử vong. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não một cách khoa học và hợp lý là vô cùng quan trọng giúp người bệnh tránh nguy cơ tai biến nặng, đồng thời nhanh hồi phục và giảm bớt sự tiến triển của bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Chế độ dinh dưỡng quan trọng với bệnh nhân tai biến ra sao?
Trải qua cơn tai biến mạch máu não, cơ thể người bệnh phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng và đối mặt với những tổn thương nặng nề khiến các hoạt động bị trì trệ, rối loạn. Chính vì vậy, dinh dưỡng với khả năng cung cấp dưỡng chất từ bên trong sẽ giúp cơ thể bổ sung đầy đủ nguyên liệu để kích thích, sản sinh và phục hồi phần nào các thương tổn.
Bên cạnh đó, tai biến mạch máu não thường xuất phát từ các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rung nhĩ… Những bệnh lý này đều có liên quan chặt chẽ tới chế độ dinh dưỡng hàng ngày của người bệnh. Do đó, thay đổi dinh dưỡng khoa học luôn là phương pháp được bác sĩ khuyến cáo hàng đầu nhằm phục hồi sức khỏe và hạn chế tối đa nguy cơ tai biến tái phát.
2. Nhu cầu dinh dưỡng đối với bệnh nhân tai biến mạch máu não
Với những bệnh nhân tai biến, chế độ dinh dưỡng cùng các biện pháp chăm sóc đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh sớm hồi phục. Một số loại thực phẩm cần thiết cần bổ sung cho người bị tai biến đó là:
2.1 Đạm (protein)
Protein là dưỡng chất cần thiết nhất để tạo năng lượng cho cơ thể. Khi thiếu protein, cơ thể sẽ thiếu những “nguyên liệu” để vận hành các hoạt động trong một ngày. Vì vậy, cần gia tăng các loại protein có lợi từ thực vật và động vật cho bệnh nhân tai biến mạch máu não. Một số loại thực phẩm giàu protein dễ tìm kiếm và chế biến đó là thịt bò, thịt gà, cá biển, các loại cây họ đậu…
Tuy nhiên, khi lựa chọn cần tránh những loại thực phẩm có chứa hàm lượng LDL-cholesterol cao. Bởi đây là thành phần chất béo xấu, dễ có nguy cơ gây xơ vữa động mạch và là căn nguyên của tai biến mạch máu não đối với người trẻ tuổi.
2.2 Bổ sung chất béo trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não
Chất béo có vai trò cung cấp năng lượng và hấp thu vận chuyển các loại vitamin tan trong dầu. Do vậy, muốn cơ thể hoạt động và phát triển tốt cần cung cấp một lượng chất béo ở mức độ phù hợp. Không nên sử dụng quá ít nhưng cũng không sử dụng quá nhiều, bởi dư thừa chất béo sẽ khiến cơ thể tạo ra các phản ứng chuyển hóa và tích tụ, tạo nên những mảng xơ vữa.
Các bệnh nhân tai biến được khuyến cáo nên duy trì lượng chất béo ở mức 25 – 30g mỗi ngày. Tốt nhất nên sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc từ thực vật như lạc, vừng, dầu oliu… Đặc biệt, acid béo từ các loại cá như cá ngừ, cá hồi đều là những acid không no rất tốt cho hệ thống tim mạch, đồng thời hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch.
2.3 Vitamin và các chất khoáng
Không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển của cơ thể, vitamin và chất khoáng còn là những dưỡng chất cần thiết để phòng tránh tăng huyết áp, thúc đẩy nhanh sự hồi phục của não bộ. Vitamin là chất dinh dưỡng có nhiều trong các loại hoa quả tươi như cam, quýt, dâu tây, kiwi, mâm xôi… Theo nhiều nguyên cứu, trong quả mâm xôi có chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa, giúp chống lại hoạt động của gốc tự do, vì thế rất tốt cho sức khỏe bệnh nhân sau tai biến.
Bên cạnh đó, trái cây còn là món ăn tráng miệng ngon, dễ ăn và hấp thụ rất tốt. Ngoài cách ăn trực tiếp, người có sử dụng làm nước ép hoặc sinh tố tùy vào sở thích của mỗi bệnh nhân.
2.4 Bổ sung chất xơ trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não
Chất xơ là thành phần dễ bị bỏ qua và không nhiều người biết tới sự quan trọng của nó. Mặc dù là chất cơ thể không hấp thụ trực tiếp nhưng lại cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Đặc biệt, đối với các bệnh nhân tai biến mạch máu não thì việc hạn chế hoạt động, ăn uống kém sẽ rất dễ sinh ra tình trạng táo bón. Về lâu dài, các chất độc tích tụ trong cơ thể không thể thoát ra ngoài có thể làm nặng thêm các tổn thương vốn có.
Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý rối loạn đường ruột, khiến sự hấp thu dinh dưỡng giảm sút nghiêm trọng. Chính vì vậy, cần bổ sung chất xơ qua các loại rau củ quả như cải thảo, bó xôi, súp lơ… trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho bệnh nhân tai biến.
3. Nguyên tắc trong chế biến thức ăn cho bệnh nhân tai biến
Trong chế biến thức ăn hàng ngày cho bệnh nhân tai biến mạch máu não, cần chú ý một số nguyên tắc sau đây:
– Sử dụng các loại thức ăn dễ tiêu hóa, hấp thu ở dạng lỏng, mềm như cháo, súp, sữa.
– Phân bổ đều bữa ăn từ 3 – 4 bữa mỗi ngày và không nên cho bệnh nhân ăn quá no.
– Tránh sử dụng các loại thức ăn lên men, gây kích thích như gia vị cay, nóng…
– Giảm lượng muối và nước ở khẩu phần ăn để ổn định chức năng thận.
– Tránh các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như hành muối, dưa, bánh mỳ, thịt hun khói, pate, xúc xích…
4. Lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa
Tai biến mạch máu não được xem là biến chứng nguy hiểm, dù được xử lý kịp thời vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề về sau. Vì vậy, các chuyên gia Nội thần kinh khuyến cáo bệnh nhân cần điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh tiểu đường…
Bên cạnh đó nên chú ý giảm cân nếu thừa cân, tránh căng thẳng thần kinh (không nên giận dữ, lo lắng, kích động), ăn uống hợp lý, tập luyện đều đặn không quá sức, không uống rượu bia… Cần đến khám tại các cơ sở y tế khi thấy các triệu chứng khó thở, đau đầu, chóng mặt, mệt không rõ nguyên nhân để được phát hiện và điều trị từ sớm.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tai biến một cách hợp lý và khoa học luôn là điều cần thiết được bác sĩ khuyến cáo. Điều này không chỉ giúp hỗ trợ cơ thể phục hồi mà còn ngăn ngừa nguy cơ tai biến tái phát. Hi vọng qua những kiến thức tham khảo trên đây, bạn đã có thêm hiểu biết về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não, từ đó chăm sóc tốt hơn cho người bệnh, giúp họ sớm hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường.