Chăm sóc trẻ khi bị viêm đường hô hấp

Chăm sóc trẻ khi bị viêm đường hô hấp như thế nào là câu hỏi được nhiều cha mẹ quan tâm, tìm hiểu. Ngoài việc cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần có chế độ chăm sóc phù hợp nhằm cải thiện sớm tình trạng bệnh.
Theo nghiên cứu, trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Nguyên nhân là do:

  • Trẻ sinh non hoặc sinh nhẹ cân (cân nặng lúc sinh dưới 2.500g), trẻ suy dinh dưỡng nặng.
  • Trẻ không được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ.
  • Trẻ thường xuyên ăn lạnh, uống lạnh hoặc gia đình sử dụng máy điều hòa không hợp lý
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp do sức đề kháng yếu

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp do sức đề kháng yếu

  • Gia tăng tình trạng ô nhiễm với khói bụi trong nhà, khói thuốc lá cũng là nguồn ô nhiễm không khí rất nguy hiểm cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ.
  • Thời tiết lạnh, thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi gây bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.
  • Nhà cửa chật chội, thiếu vệ sinh, đời sống kinh tế thấp, thiếu vitamin A cũng là các yếu tố nguy cơ gây bệnh về đường hô hấp ở trẻ ở trẻ em.

Các bệnh về đường hô hấp thường gặp ở trẻ

Viêm mũi họng do virus: Sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh, trẻ bắt đầu với triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Ho xuất hiện sau 4 – 5 ngày do họng bị kích thích. Trẻ nhỏ có thể bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Bệnh sẽ khỏi trong khoảng 5 – 7 ngày.

Viêm mũi xoang cấp: Bé ngạt mũi, sổ mũi kéo dài, nước mũi thường chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng. Trẻ thường quấy khóc nhiều, nhức đầu, đau sau hốc mắt, nặng mặt, khô rát họng.
Viêm họng cấp: Vi khuẩn sẽ làm trẻ sốt, ho, nuốt đau không tự giới hạn hoặc trở nên nặng hơn sau 5 – 7 ngày.
Viêm amidan: Thường do vi khuẩn, bệnh thường gặp ở trẻ lớn 2 – 6 tuổi, bệnh thường gây sốt cao, amidan lớn quá thường gây khó khăn cho việc ăn uống và hô hấp của trẻ.
Viêm VA: Thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ nhỏ 2 tháng – 2 tuổi, chảy mũi nghẹt mũi kéo dài là dấu hiệu điển hình của bệnh.

Trẻ có thể mắc các bệnh như viêm mũi xoang cấp, viêm họng cấp, viêm VA, viêm amidan...

Trẻ có thể mắc các bệnh như viêm mũi xoang cấp, viêm họng cấp, viêm VA, viêm amidan…

Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp: Thường gặp ở trẻ từ 6 tháng – 6 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi. Bệnh khởi phát với những triệu chứng viêm mũi họng thông thường, trẻ bắt đầu khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít, co lõm hõm ức và lồng ngực. Trẻ ho rất nhiều, khó thở, thở nhanh, thở ồn ào, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tím tái, lơ mơ và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Viêm phổi: Bệnh biểu hiện sớm nhất với dấu hiệu thở nhanh bất thường, ho kèm khò khè nếu xuất tiết nhiều đàm nhớt ở đường hô hấp, một số trẻ có thể bị sốt cao, thở mệt, lừ đừ.

Chăm sóc trẻ khi bị viêm đường hô hấp

Khi thấy các biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để đánh giá mức độ bệnh. Hầu hết trẻ bị viêm đường hô hấp cấp thể nhẹ hoặc trung bình đều được bác sĩ chỉ định cho chăm sóc, theo dõi và điều trị tại nhà.

  • Tiếp tục cho trẻ ăn, bú: trẻ bệnh thường biếng ăn, biếng bú. Nếu trẻ bị tắc mũi hoặc nghẹt mũi, cha mẹ cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng nước muối loãng giúp trẻ nhỏ có thể bú mẹ hoặc ăn uống dễ dàng hơn.
Ngoài việc cho trẻ dùng thuốc, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách nhằm cải thiện sớm bệnh

Ngoài việc cho trẻ dùng thuốc, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách nhằm cải thiện sớm bệnh

  • Cho trẻ uống đủ nước: trẻ được bổ sung đầy đủ nguồn nước sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, trẻ sẽ mau “lướt qua” bệnh tật để sớm hồi phục.
  • Nếu trẻ ho nhiều khiến trẻ khó chịu quấy khóc hoặc nôn ói nhiều: nên cho trẻ uống những loại thuốc ho theo chỉ định của bác sĩ.

Cần theo dõi trẻ tại nhà để phát hiện các dấu hiệu nặng. Cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị tích cực khi thấy trẻ có một trong những biểu hiện sau:

  • Trẻ bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú.
  • Trẻ sốt cao liên tục 39 độ C không hạ sau khi đã cho trẻ hạ sốt tích cực.
  • Trẻ bị co giật, lừ đừ hoặc hôn mê.
  • Trẻ thở khác ngày thường: thở nhanh, thở mệt, thở co lõm ngực hoặc tím tái.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital