Những sai lầm dễ mắc phải khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà không khó khăn nếu ba mẹ thực hiện đúng cách, bé sẽ tự khỏi và không gặp phải nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không hiểu đúng và chăm sóc sai cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ. Bài viết sau đây xin liệt kê những SAI LẦM dễ mắc phải khi điều trị tay chân miệng cho bé tại nhà để ba mẹ cùng loại bỏ, tránh gây nguy hiểm cho con.

Sai lầm dễ mắc phải khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

sai lầm khi trị tay chân miệng cho bé tại nhà

Trẻ bị tay chân miệng cần được chăm sóc đúng cách nếu không bé dễ gặp phải các biến chứng gây nguy hiểm. (ảnh minh họa)

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ ra từ người bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch, nhất là đối với trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non, tiểu học.

Nhiều bậc phụ huynh thường lựa chọn tự điều trị và chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà. Có nhiều cha mẹ lo lắng khi thấy trẻ có dấu hiệu bị tay chân miệng nhưng lại không đưa con đến cơ sở y tế để điều trị mà áp dụng các phương pháp chữa trị tại nhà do một số người mách bảo và chăm sóc sai cách, khiến rất nhiều trường hợp trẻ phải nhập viện vì biến chứng nặng do bệnh tay chân miệng gây ra.

Sự kém hiểu biết của người lớn khi chăm sóc trẻ tay chân miệng tại nhà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, ba mẹ cần từ bỏ ngay.

Kiêng tắm cho bé

trẻ bị tay chân miệng cần được tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ tránh gây bội nhiễm và khiến bệnh nặng hơn. (ảnh minh họa)

Trẻ bị tay chân miệng cần được tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ tránh gây bội nhiễm và giúp bệnh mau khỏi hơn. (ảnh minh họa)

Trẻ bị tay chân miệng cần được tắm rửa và vệ sinh thân thể sạch sẽ để vi khuẩn không tích tụ trên da bé, giúp vết thương mau lành, tránh mắc các bệnh viêm nhiễm ngoài da như nấm da, viêm da,….

Hiện tại cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc trẻ bị tay chân miệng không tắm sẽ giúp bé mau khỏi bệnh. Trái lại, kiêng tắm sẽ làm cho bệnh của con trở nên trầm trọng hơn.

Ủ ấm con quá mức

Trẻ bị tay chân miệng có thể sốt. Khi sốt nhiệt độ cơ thể bé sẽ tăng cao cần giải phóng nhiệt ra khỏi cơ thể, do đó ba mẹ không nên ủ ấm trẻ quá mức. Việc ủ ấm quá mức không chỉ khiến trẻ sốt cao hơn mà khiến bé ra nhiều mồ hôi, sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Do đó ba mẹ cần cho bé mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, chỉ nên cho bé uống hạ sốt nếu con sốt từ 38,5 độ C trở lên.

Vệ sinh răng miệng sai cách

trẻ bị tay chân miệng cần vệ sinh răng miệng đúng cách

Trẻ bị tay chân miệng cần vệ sinh răng miệng đúng cách tránh vỡ các vết bỏng ở miệng nhưng cũng không được kiêng không vệ sinh răng miệng cho bé. (ảnh minh họa)

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà đúng cách là không phải vì sợ con đau ở miệng (các bọng nước, vết loét ở miệng thường làm bé đau) mà không cho trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách. Nếu trẻ không được vệ sinh răng miệng hay vệ sinh sai cách (dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng cho bé,…) có thể làm xước, vỡ các nốt phỏng dẫn đến nguy cơ bị bội nhiễm, viêm nha chu, nấm miệng, …điều này khiến bệnh của bé nặng hơn.

Thay vào đó ba mẹ nên vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, súc miệng nước muối đặc biệt là sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Khuyến khích bé uống nhiều nước.

Tự ý truyền dịch

không tự ý truyền dịch khi trẻ bị tay chân miệng

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch khi trẻ bị tay chân miệng. (ảnh minh họa)

Dường như thói quen cứ ốm là truyền dịch (truyền nước, truyền đạm, truyền hoa quả,…) đã ngấm vào suy nghĩ của nhiều người từ khi nào không hay. Việc tự ý truyền dịch khi chưa thăm khám và có chỉ định của bác sĩ là vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn tới rối loạn điện giải, sốc, vô tình làm bệnh nặng và thâm chí là tử vong. Các biện pháp truyền dịch thường chỉ được chỉ định khi trẻ có những dấu hiệu mất nước nặng như nôn ói, tiêu chảy (đi ngoài khó kiểm soát), sốt cao,… và phải có chỉ định từ bác sĩ mới được truyền.

Trẻ bị tay chân miệng mẹ tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch cho con, việc truyền dịch phải được thăm khám và chỉ định từ bác sĩ trong trường hợp thực sự cần thiết.

Không cách ly trẻ

Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus gây ra, loại virus này có khả năng lây lan rất nhanh từ người sang người qua hoạt động chạm, hít phải dịch tiết nước bọt, nước mũi, dịch từ vết bỏng nước vỡ ra,… Việc ba mẹ không cách ly trẻ vẫn cho bé tiếp xúc với trẻ khác, cho con đến lớp, sinh hoạt chung cùng các bạn sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng, bùng phát dịch tay chân miệng ở trường học, rất khó kiểm soát.

Tắm nước lá

Một số mẹ còn cho bé tắm các loại nước lá được nhiều người “mách” như: như nước chè tươi, nước rau ngải cứu và một số loại lá khác. Tuy nhiên trong thời kỳ bị tay chân miệng da của bé cần được làm sạch, loại bỏ vi khuẩn trên da, việc tắm nước lá có thể khiến gây bội nhiễm, khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn.

Nhiều trẻ đến viện trong tình trạng bội nhiễm và viêm da toàn thân do tắm nước lá khi trị bệnh tay chân miệng tại nhà. Vì vậy, ba mẹ tuyệt đối không nên áp dụng biện pháp này cho con.

Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

– Đối với trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ, ba mẹ có thể chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà bằng cách cho con uống nhiều nước, nên cho bé uống nhiều nước trái cây như cam, bưởi,… để bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng, bên cạnh đó cũng nên bổ sung vitamin A, Kẽm,.. để giúp vết thương mau lành hơn.

– Trẻ cần được tắm gội vệ sinh cơ thể, răng miệng sạch sẽ và thường xuyên. Lưu ý nên chọn phòng kín gió. Mẹ nên chọn loại xà bông diệt khuẩn dành cho làn da nhạy cảm của bé. Và không nên tắm nước lá cho bé vì dễ gây bội nhiễm.

– Tránh để bé gãi, chạm vào các nốt bỏng dễ khiến chúng bị vỡ khiến bệnh lâu khỏi.

– Cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn những đồ ăn mềm, dễ nuốt, tránh đồ ăn cứng gây đau miệng bé.

– Không tự ý truyền dịch hay sử dụng thuốc bôi da cho bé khi không có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

điều trị tay chân miệng cho trẻ

Trẻ bị tay chân miệng nên đưa con đi thăm khám sớm với bác sĩ để có biện pháp xử trí tốt nhất và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. (ảnh minh họa)

Khi nào cần đưa bé đến viện ngay

Ngoài việc chăm sóc tốt cho trẻ bị tay chân miệng tại nhà, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ để phát hiện kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường.

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: sốt cao 39 độ C trở lên hoặc sốt cao kéo dài; quấy khóc, bứt rứt, nôn nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh, thở khó/ thở nhanh, da nổi vằn… cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa để con được kiểm tra và có biện pháp xử trí kịp thời tránh gây biến chứng nguy hiểm.

Nếu có thắc mắc cần giải đáp hay muốn đặt lịch thăm khám cho bé tại Thu Cúc, ba mẹ vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital