Chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ hàm răng nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung. Trong đó có cạo vôi răng. Vậy cạo vôi răng là gì và chăm sóc răng sau khi cạo vôi răng như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm vôi răng và cạo vôi răng
Vôi răng (cao răng) là các mảng bám lâu ngày, nó tích tụ và bị vôi hóa trở nên cứng hơn và bám chặt vào răng, mép lợi. Thức ăn thừa, cặn mềm, mảnh vụn thức ăn là một phần tạo nên vôi răng. Vì vậy có thể nói, vôi răng là hậu quả của quá trình vệ sinh răng miệng không đúng cách và răng miệng không được quan tâm đủ. Khi vôi răng không được loại bỏ kịp thời sẽ tiến triển thành dạng vôi răng huyết thanh, tức là có dịch viêm, gây chảy máu trong quá trình lấy vôi răng. Vôi răng bình thường khi được lấy đi sẽ không gây đau đớn hay chảy máu.
Cạo vôi răng là quá trình loại bỏ các mảng bám đó bằng các dụng cụ chuyên dụng tạo sóng siêu âm. Việc cạo vôi răng được tiến hành ở cả mặt trước và sau của răng, đảm bảo loại bỏ hoàn toàn đưa răng về trạng thái bình thường. Vôi răng không tự tróc và bạn cần đến gặp bác sĩ nha khoa 6 tháng / lần để cạo vôi răng hoặc 3 tháng / lần với bệnh nhân bị viêm nha chu nặng. Quá trình cạo vôi răng sẽ không gây đau nhức, nếu lấy lần đầu có thể sẽ có cảm giác ê buốt, nhưng sau đó thì không còn.
2. Tác dụng của cạo vôi răng
– Cạo vôi răng định kỳ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng, loại bỏ các vi khuẩn gây hại và giúp ngăn ngừa đến 80% các bệnh viêm nướu, viêm nha chu, bảo tồn răng và đảm bảo giữ gìn chức năng ăn nhai.
– Việc cạo vôi răng sẽ giúp làm giảm bớt tình trạng hôi miệng. Tuy nhiên vẫn cần thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng khác giúp bảo vệ răng miệng toàn diện hơn. Bởi vôi răng chỉ là một trong những lý do gây ra hôi miệng.
– Cạo vôi răng và đánh bóng răng định kỳ giúp hàm răng của bạn chắc khỏe, trắng đẹp, gia tăng tự tin khi giao tiếp
Việc cạo vôi răng có thể gây ê buốt răng tạm thời nhưng đó là việc nên làm và cần làm định kỳ bởi những tác dụng tuyệt vời của nó đến việc chăm sóc răng miệng.
3. Hậu quả khi không cạo vôi răng định kỳ
Các mảng bám vôi răng có thể hình thành ở mọi độ tuổi. Không cạo vôi răng định kỳ sẽ khiến vi khuẩn tích tụ gây hại cho răng đem đến những hậu quả không ngờ tới như:
– Các mô bị phân hủy gây mủ
– Hôi miệng
– Răng yếu và lung lay, có nguy cơ mất răng
– Nướu sưng đỏ, chảy máu
– Viêm tủy
– Các bệnh răng miệng khác như: viêm niêm mạc miệng, lở miệng,…
– Ê buốt răng hơn
Ngoài ra, vôi răng thường có màu ngà vàng hoặc thậm chí nâu, gây mất thẩm mỹ, không tự tin khi giao tiếp.
4. Những chú ý chăm sóc sau khi cạo vôi răng
Dưới đây là một số chú ý khi chăm răng sau khi cạo vôi răng mà bạn cần biết:
– Không nên ăn uống ngay sau khi cạo vôi răng, vì lúc này răng đang nhạy cảm vì bị ảnh hưởng tới men răng. Tốt nhất nên để răng nghỉ ngơi sau khoảng 3 – 4 giờ đồng hồ.
– Khoảng 2 – 3 ngày sau khi cạo vôi răng, cần kiêng ăn các đồ quá lạnh, nóng. Bạn có thể cảm thấy không có vấn đề gì nhưng lâu dài răng sẽ bị nhạy cảm hơn và dễ ê buốt.
Điều quan trọng nhất là bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện cạo vôi răng. Đây dường như chỉ là một thủ thuật nha khoa thông thường, có thể thực hiện phổ biến nhưng nếu kỹ thuật không tốt, dụng cụ nha khoa không sạch sẽ, vô trùng thì ngược lại sẽ gây hại đến răng của bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể xin ý kiến bác sĩ về việc sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng và các biện pháp chăm sóc răng khác hiệu quả hơn để hạn chế vôi răng.
5. Làm thế nào để ít hoặc không bị cao răng?
Vôi răng chắc chắn sẽ quay trở lại bởi các hoạt động ăn uống vẫn còn. Vì vậy, bạn có thể chú ý chăm sóc răng để khiến cho lượng vôi răng ít hơn, giảm tần suất cần cạo vôi:
– Chải răng đúng cách, nên chải răng theo chiều dọc, xoay tròn thay vì chiều ngang như nhiều người lầm tưởng và quen thực hiện lâu nay. Chú ý chải cả mặt sau của răng bởi cao răng có xu hướng xuất hiện ở mặt trong của răng nhiều hơn.
– Sử dụng các loại kem đánh răng có chứa Flour bổ sung lớp bảo vệ cho răng
– Nước súc miệng hoặc nước muối pha loãng giúp làm mềm, làm sạch các mảng bám tốt hơn
– Mảnh vụn thức ăn có thể bám lâu hơn, chắc hơn tại các kẽ răng. Đây là vị trí khó vệ sinh hơn bề mặt răng. Vì vậy, ngoài bàn chải, bạn có thể sử dụng thêm tăm, chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước.
– Chú ý đến chế độ ăn hơn. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp ích rất lớn trong việc bảo vệ hàm răng và sức khỏe răng miệng. Đồ ăn, đồ uống nhiều đường, có gas, chua, lên men là “kẻ thù” khó chịu của hàm răng. Chúng tiết ra nhiều axit ăn mòn, gây hại cho men răng hơn. Vì vậy, không những hình thành nhiều mảng vôi răng mà còn khiến răng bạn ê buốt hơn.
– Khói thuốc có tác động không hề nhỏ đến quá trình hình thành vôi răng. Các bác sĩ khuyên nên bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Hút thuốc còn khiến vàng răng, các mảng bám vôi răng cũng bị chuyển màu đậm hơn, gây mất thẩm mỹ hơn.
– Đặc biệt chú ý thăm khám nha khoa định kỳ để loại bỏ cao răng và sớm phát hiện các bệnh về răng miệng
Hy vọng bài viết giúp bạn nắm được tác dụng tuyệt vời của cạo vôi răng và hậu quả khó lường khi không chú trọng làm sạch các mảng bám. Cạo vôi răng cần được thực hiện bởi các bác sĩ nha khoa, nha sĩ có chuyên môn, tại các cơ sở y tế uy tín, dụng cụ thực hiện đảm bảo vô trùng để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả cao nhất. Nha khoa Thu Cúc TCI là địa chỉ đáp ứng đủ các tiêu chí đó. Chọn Thu Cúc TCI gửi trọn niềm tin.