Đau đầu là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Theo WHO, khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần bị đau đầu trong năm, trong đó nhiều trường hợp bị đau đầu dài ngày với những triệu chứng rất khó chịu. Cùng tìm hiểu về chứng đau đầu và cách khắc phục trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây đau đầu dài ngày
Có 2 loại đau đầu thường gặp là đau đầu cấp tính và đau đầu mạn tính. Theo đó, đau đầu cấp tính diễn ra trong thời gian ngắn, dưới 1 tháng hoặc dưới 3 lần/tuần. Trong khi đó đau đầu mạn tính kéo dài trong nhiều ngày, liên tục trên 1 tháng hoặc trên 3 lần/tuần.
Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng đau đầu nói chung và tình trạng đau đầu kéo dài.
1.1 Nguyên nhân đau đầu dài ngày không do bệnh lý
Thường liên quan đến chế độ sinh hoạt không lành mạnh, thay đổi tâm sinh lý như:
– Căng thẳng kéo dài, lo âu, stress thường xuyên
– Thiếu nước, mất nước gây thiếu máu, thiếu oxy lên não
– Thay đổi nội tiết, đặc biệt ở phụ nữ sau sinh, tiền mãn kinh hay trong thời kỳ kinh nguyệt
– Tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh lý
– Sử dụng quá mức các chất kích thích như bia rượu, cà phê,…
– Hay thức khuya, thường xuyên di chuyển giữa các nước
1.2 Đau đầu dài ngày do bệnh lý
Cơn đau nhức đầu kéo dài có thể do những bệnh lý như:
– Viêm xoang
Thống kê cho thấy khoảng 90% các trường hợp viêm xoang đều có triệu chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu thường xuyên.
– Đau nửa đầu Migraine
Nguyên nhân gây đau đầu khá phổ biến, thường gọi là rối loạn vận mạch não hoặc đau đầu vận mạch. Trong trường hợp này người bệnh thường bị đau nửa đầu không cố định, mạch giật từng cơn, mức độ đau từ vừa tới dữ dội.
– Tăng nhãn áp
Bệnh lý ở hệ thần kinh mắt này cũng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu dữ dội kèm theo giảm thị lực, đỏ mắt,…
– Thiếu máu
Thiếu máu lên não cũng có thể gây ra những cơn đau nhức đầu nghiêm trọng. Bên cạnh đó là triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt,…
– Bệnh lý mạn tính
Các bệnh mạn tính thường gặp như đái tháo đường, lupus ban đỏ, tăng huyết áp,… có thể gây đau đầu liên tục.
– Tai biến mạch máu não
Trước cơn tai biến, bệnh nhân thường bị đau nhức đầu liên tục, kèm theo tình trạng giảm thị lực, nôn, thay đổi ý thức, khó nói, mất thăng bằng, tê bì vùng mặt,…
– Khối u não
Khoảng 50% người bệnh bị u não thường xuyên thấy đau đầu không rõ nguyên nhân, đau nhiều hơn về đêm và sáng. Cơn đau đầu ngày càng dữ dội theo thời gian.
– Nhiễm trùng não
Gây cơn đau đầu liên tục, sốt, sợ ánh sáng và tiếng động, gây cứng vùng gáy,…
– Chấn thương
Các chấn thương gây va đập vùng đầu từ nặng tới nhẹ có thể gây tổn thương máu tụ mạn tính, gây đau đầu thường xuyên.
2. Cần làm gì khi bị đau đầu dài ngày?
Tùy vào nguyên nhân gây đau đầu sẽ có những biện pháp điều trị và cải thiện khác nhau, bao gồm:
2.1 Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng
Việc cố gắng chịu đựng cơn đau đầu và tiếp tục công việc không chỉ khiến công việc không đạt hiệu quả mà còn làm cơn đau trở nên mạnh hơn. Khi bị đau đầu, nên tạm dừng công việc và nghỉ ngơi, thư giãn, không suy nghĩ bất cứ điều gì.
Nếu công việc không thể bỏ dở, nên tranh thủ nghỉ ngơi giữa giờ. Tốt nhất hãy ngủ một giấc để đầu óc được nghỉ ngơi, thư thái.
2.2 Uống nhiều nước
Nên kết hợp nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Bệnh cạnh nước lọc, bạn có thể uống nước trái cây vừa giúp cơ thể trở lại trạng thái cân bằng, thoải mái, vừa cung cấp nguồn vitamin dồi dào.
2.3 Chườm lạnh
Khi cơn đau đầu xảy ra, phương pháp chườm lạnh có thể giải quyết vấn đề tạm thời. Do nhiệt độ thấp có thể “đánh lạc hướng” hệ thần kinh, giảm sự chú ý về cảm giác đau.
2.4 Tắm nước nóng
Khi bị đau đầu, người bệnh nên tắm nước nóng. Việc này giúp giải tỏa cơn đau, đặc biệt là đau đầu do thời tiết hoặc bệnh xoang. Hãy uống một cốc nước ấm, 1 ly cà phê hoặc dùng bữa nhẹ sau khi tắm, bạn sẽ thấy cảm giác đau buốt, nặng đầu, khó chịu giảm rõ rệt.
2.5 Tập thể dục
Tập thể dục có thể hạn chế các cơn đau đầu. Mỗi người nên tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút/ ngày, 5 ngày/tuần để nâng cao sức khỏe, giảm đau đầu.
2.6 Bấm huyệt, massage
Các phương pháp này có thể giúp làm giảm đau đầu. Nếu tự bấm huyệt được, người bệnh có thể dùng tay massage các vùng như đầu, trán, cổ, vai, gáy để giúp giảm đau tạm thời.
2.7 Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn, ánh sáng
Ánh sáng, gió và tiếng ồn là các tác nhân khiến cơn đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Khi bị đau đầu nên tránh ra nắng, tránh ánh sáng gắt và những nơi ồn ào, ầm ĩ. Thay vào đó hãy nghỉ ngơi tại một nơi yên tĩnh, thoáng đãng.
2.8 Chế độ ăn uống hợp lý
Những người thường bị đau đầu nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn nhiều các thực phẩm giàu magie như đậu phụ, hạt bí, hạt hướng dương, dầu ô liu… để giảm đau đầu hiệu quả. Đồng thời tránh các thực phẩm có thể gây đau đầu mạnh hơn như đường hóa học, bia, rượu, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…
Nếu đã áp dụng các biện pháp kể trên mà tình trạng vẫn không thuyên giảm, bạn nên đến chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tại đây, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và thực hiện các chẩn đoán như điện não đồ, đo lưu huyết não, chụp CT, chụp MRI,… qua đó đưa ra kết luận chính xác và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Như vậy, tình trạng đau đầu kéo dài liên tục, tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng lớn đến công việc và là dấu hiệu cảnh báo cho nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Các biện pháp khắc phục được nêu ra trong bài viết chỉ là phương án tạm thời và mang tính tham khảo. Tốt nhất bạn nên đi khám khi các triệu chứng còn nhẹ để điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến triển gây nguy hiểm.