Siêu âm tử cung là một việc làm cần thiết với phụ nữ đang ở độ tuổi sinh sản, đặc biệt là những người đang phải đối mặt với các bệnh lý liên quan đến tử cung. Vì vậy, các chị em nên tìm hiểu thông tin về hình thức siêu âm này để tiến hành siêu âm an toàn, đảm bảo sức khỏe sinh sản cho bản thân.
Menu xem nhanh:
1. Siêu âm tử cung là gì?
Tử cung là cơ quan sinh sản của phụ nữ, nằm giữa bàng quang và trực tràng, được kết nối với ống dẫn trứng và buồng trứng, phần cổ tử cung dẫn ra âm đạo. Tử cung có vai trò vô cùng quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ và quá trình thụ tinh, sinh sản.
- Siêu âm tử cung là một phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh đặc biệt. Phương pháp này được thực hiện qua việc đưa dung dịch chất lỏng vào tử cung phụ nữ bằng ống nhựa y khoa. Sau đó bác sĩ kích hoạt sóng siêu âm để làm rõ hình ảnh của tử cung, từ đó đánh giá tình trạng hiện tại, phát hiện bệnh lý nếu có. Thời gian diễn ra cho một lần tiến hành khoảng 10-20 phút.
Nếu xảy ra những bất thường trong tử cung như viêm nhiễm hoặc các bệnh lý như: ung thư tử cung, buồng trứng thì sẽ ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ của phụ nữ. Chính vì thế, siêu âm là phương pháp hiệu quả để tầm soát các bệnh lý của tử cung, từ đó có hướng điều trị thích hợp.
2. Đối tượng nên thực hiện siêu âm
Phương thức siêu âm này thường được bác sĩ chỉ định dành cho những đối tượng sau:
- Phụ nữ gặp phải tình trạng khí hư và kinh nguyệt bất thường (không có kinh, kinh không đều, rong kinh,…)
- Các chị em mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, viêm cổ tử cung nên siêu âm để xác định tình trạng viêm nhiễm
- Nữ giới bị hiếm muộn hoặc sảy thai có thể tìm ra nguyên nhân qua việc tiến hành siêu âm này
- Chị em chuẩn bị mang thai nên đi siêu âm để đánh giá tình trạng sức khỏe
3. Siêu âm tử cung có tác dụng như thế nào?
Thông qua việc siêu âm này, các bệnh lý bất thường ở cơ quan sinh sản của phụ nữ sẽ được phát hiện từ đó bác sĩ có phương hướng điều trị kịp thời.
Thông qua quá trình siêu âm, chị em được cung cấp chi tiết các thông tin về tử cung từ kích thước, hình dạng đến độ dày niêm mạc tử cung. Đây là cơ sở để bác sĩ chuyên khoa đánh giá tình trạng tử cung và các phần phụ. Ngoài ra, các dị tật tử cung hay gặp ở phụ nữ cũng sẽ được kiểm tra và đánh giá như mô sẹo, u xơ, niêm mạc tử cung… Từ đây có thể chẩn đoán được các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vô sinh ở nữ giới và phát hiện mang thai ngoài tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.
Bên cạnh siêu âm, một số xét nghiệm còn được tiến hành với các chị em có nhu cầu kiểm tra khả năng sinh sản, sự phát triển của trứng hoặc đang trong tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
4. Những bước tiến hành siêu âm tử cung
4.1 Các bước thực hiện siêu âm tử cung
Trường hợp siêu âm bụng tổng quát: loại siêu âm này thường được chỉ định việc kiểm tra kích thước và độ dày của tử cung. Bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò di chuyển trên phần thành bụng của bệnh nhân để nhìn rõ cơ quan sinh sản ở bên trong. Các chị em chưa quan hệ tình dục lần nào nên thực hiện phương pháp này.
Trường hợp siêu âm đầu dò âm đạo: Siêu âm đầu dò âm đạo đòi hỏi nhiều kĩ thuật hơn siêu âm bụng tổng quát, gồm 3 bước:
- Kiểm tra lâm sàng ban đầu âm đạo
- Thực hiện bơm chất lỏng vào tử cung. Lúc này, hình ảnh siêu âm bên trong tử cung và niêm mạc tử cung hiện lên rõ ràng
- Bác sĩ tiến hành đưa đầu dò vào trong âm đạo để thu lại hình ảnh của các cơ quan vùng chậu
4.2 Những lưu ý khi siêu âm tử cung
Với những chị em muốn thực hiện siêu âm này, bác sĩ sẽ có những lưu ý riêng trước khi tiến hành để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
- Để đảm bảo việc siêu âm hiệu quả, cho những hình ảnh rõ ràng nhất thì các chị em nên thực hiện sau khi chu kỳ kinh nguyệt vừa kết thúc
- Đi tiểu trước khi siêu âm: Lúc này, bàng quang đang ở trạng thái rỗng, không chứa nước tiểu sẽ dễ phát hiện tình trạng nhiễm trùng nếu có ở bệnh nhân.
- Siêu âm tử cung không được chỉ định cho người có vùng chậu nhiễm trùng. Do vậy, khi có bệnh lý này cần báo cho bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện siêu âm để đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro sau khi thực hiện.
5. Những rủi ro sau khi siêu âm chị em nên biết
Loại siêu âm này được các chuyên gia y tế đánh giá là một phương pháp an toàn. Tỷ lệ chị em bị gặp biến chứng như nhiễm trùng vùng chậu sau khi thực hiện rất hiếm gặp. Tuy nhiên mỗi người có thể trạng cơ thể khác nhau do đó vẫn có thể xuất hiện một vài triệu chứng khác thường sau khi thực hiện siêu âm như chuột rút, thay đổi về lượng dịch tiết âm đạo, chảy máu nhẹ. Tuy nhiên nếu máu liên tục chảy trong những ngày tiếp theo, kèm theo biểu hiện đau quặn bụng dưới, sốt thì cần tới viện thăm khám ngay.
Hy vọng với những chia sẻ trên chị em đã hiểu hơn về siêu âm tử cung – một phương pháp chẩn đoán hình ảnh quan trọng. Với phương pháp này chị em nên thực hiện định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh lý và bảo vệ sức khỏe sinh sản bản thân.