“Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có bị sốt không?” là thắc mắc của rất nhiều chị em phụ nữ vì lo ngại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể kiểm soát được nhờ nắm vững kiến thức tiêm phòng khi mang bầu, từ đó giúp chị em chủ động phòng ngừa và xử lý kịp thời với các phản ứng phụ của vắc xin. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những lưu ý và cách xử lý sốt sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván cho bà bầu.
Menu xem nhanh:
1. Những thông tin cơ bản cần biết khi tiêm phòng uốn ván dành cho mẹ bầu
1.1. Bệnh uốn ván là gì? Bệnh uốn ván có nguy hiểm cho mẹ bầu không?
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng do ngoại độc tố của trực khuẩn Clostridium Tetani xâm nhập qua các vết thương hở. Khi bị nhiễm khuẩn, độc tố của vi khuẩn tiết ra khiến tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến co cứng cơ và có thể gây tử vong nhanh.
Đối với các mẹ bầu, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể trong lúc sinh nở theo đường sinh dục, gây uốn ván tử cung. Còn đối với trẻ nhỏ, vi khuẩn uốn ván sẽ xâm nhập vào nơi cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng rốn sơ sinh. Không những vậy, bệnh còn khiến trẻ mắc suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và nguy hiểm nhất là dẫn đến tim ngừng đập.
1.2. Vì sao mẹ bầu nên tiêm vắc xin phòng uốn ván?
Tiêm vắc xin phòng uốn ván chính là giải pháp tốt nhất để bảo vệ mẹ và bé khỏi bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập trong quá trình sinh đẻ. Không những vậy, việc tiêm phòng uốn ván giúp bảo vệ mẹ bầu khi cơ thể xuất hiện vết thương hở trong quá trình mang thai và tăng cường hệ miễn dịch của trẻ sau khi ra đời.
1.3. Thời điểm tiêm vắc xin phòng uốn ván dành cho mẹ bầu
Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều cần được tiêm vắc xin phòng uốn ván. Với phụ nữ đang trong thai kỳ có thể tiêm vắc xin phòng bệnh trong giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, mũi tiêm cuối cùng nên hoàn thành trước khi sinh 1 tháng.
Đối với từng loại vắc xin sẽ có lịch tiêm phòng khác nhau. Cụ thể:
Với mẹ bầu mang thai lần đầu
– Với mẹ bầu chưa từng tiêm các mũi vắc xin phòng uốn ván cơ bản hoặc chưa tiêm nhắc lại, cần tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 4 tuần. Mũi tiêm thứ 2 cần tiêm xong trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
– Với mẹ bầu đã tiêm các mũi vắc xin phòng uốn ván hoặc đã tiêm mũi nhắc lại, chỉ cần tiêm 1 mũi trước khi sinh 1 tháng.
Với mẹ bầu đã từng mang thai
Đối với những mẹ bầu đã từng mang thai và tiêm phòng uốn ván, mẹ chỉ cần thực hiện tiêm 1 mũi phòng uốn ván trước khi sinh 1 tháng.
2. Bị sốt sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván, bà bầu cần lưu ý những gì?
2.1. Lý giải nguyên nhân bị sốt sau khi tiêm vắc xin uốn ván
Để trả lời cho câu hỏi: “Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có bị sốt không?”, các bác sĩ chuyên khoa đã khẳng định sốt là một trong những phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm các loại vắc xin phòng bệnh trong đó bao gồm cả vắc xin uốn ván. Điều này cũng có thấy rằng cơ thể của mẹ bầu đang tạo ra kháng thể nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn uốn ván.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bầu cũng trở nên yếu và nhạy cảm hơn nên tiêm uốn ván cho bà bầu có bị sốt không còn phụ thuộc vào thể trạng của từng mẹ bầu. Vậy nên, mẹ bầu không nên quá lo lắng mà bỏ quả việc tiêm phòng uốn ván trước khi sinh.
2.2. Mẹ bầu nên làm gì nếu bị sốt sau khi tiêm vắc xin uốn ván?
Sau khi tiêm phòng uốn ván, khi về nhà mẹ bầu có thể bị mệt và khiến nhiều mẹ bầu cảm thấy vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ tự động hết sau 3 đến 4 ngày. Vì vậy, các mẹ không cần quá lo lắng tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Để hạ sốt một cách hiệu quả, mẹ bầu có thể áp dụng một số phương pháp điều trị đơn giản sau:
– Tốt nhất, mẹ nên mặc quần áo rộng rãi và có chất liệu thoáng mát để hạ bớt thân nhiệt.
– Có thể sử dụng khăn ấm để lau người hoặc chườm vào trán, nách, nếp gấp chân tay,… trong 20 đến 30 phút để hạ sốt.
– Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe sau khi tiêm.
– Nếu bị sổ mũi hay hắt hơi, mẹ bầu nên xì mũi sạch. Đồng thời, sử dụng nước muối sinh lý để rửa thường xuyên giúp giảm bớt triệu chứng.
– Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng sau khi tiêm. Mẹ bầu nên ăn các đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, bù đắp được năng lượng bị thiếu hụt trong cơ thể. Ngoài ra nên bổ sung thêm các loại vitamin, sắt, canxi và DHA để tăng sức đề kháng cho mẹ bầu.
– Lưu ý tránh dùng các biện pháp dân gian để hạ sốt vì nó có thể gây hại cho sức khỏe của cả bé và mẹ.
– Không tùy tiện sử dụng các loại thuốc hạ sốt khi mang thai nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là những lưu ý và cách hạ sốt đúng cách dành cho mẹ bầu sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván. Mong rằng với những thông tin trên, mẹ bầu đã hiểu rõ cách chăm sóc và xử trí sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván, tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra sau khi tiêm. Nếu các mẹ còn thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất nhé!