Cách dùng thuốc và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Dù là bệnh truyền nhiễm cấp tính năm nào cũng xuất hiện nhưng sốt xuất huyết vẫn luôn là một mối đe dọa đối với tất cả chúng ta. Một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nặng nề nhất do sốt xuất huyết là trẻ em. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ cách dùng thuốc và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết chuẩn xác, đọc ngay bố mẹ nhé!

Tích lũy từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 87.719 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, chỉ riêng tuần 37/2023 đã có 5.616 trường hợp được ghi nhận. So với tuần trước, số trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 1,7%. Trong 5,616 trường hợp này, 4.219 trường hợp phải điều trị nội trú, tăng 2,1% so với tuần trước.

Tại Hà Nội, trong 1 tuần, thành phố ghi nhận thêm 2.400 bệnh nhân sốt xuất huyết với 95 ổ dịch. Trường hợp mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến nay của thủ đô là 12.776, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, trong các tuần tới, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết và diễn biến nặng, đặc biệt là trẻ em. Chính vì vậy, nắm được cách dùng thuốc và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết chuẩn xác là rất cần thiết đối với bố mẹ.

1. Ba mức độ sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết có triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, từ không triệu chứng, triệu chứng nhẹ cho đến triệu chứng nặng và nguy kich, thậm chí là tử vong.

Trong những ngày đầu, sốt xuất huyết thường biểu hiện tương đối giống các bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do virus khác, như Cúm A, Sars-Covid 2,… nên dễ nhầm lẫn, dẫn tới không điều trị kịp thời và diễn biến nặng.

– Sốt xuất huyết mức độ nhẹ, trẻ thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày. Trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi nhiều kèm đau đầu dữ dội vùng trán, đau hốc mắt, đau cơ xương khớp, nổi ban sẩn hoặc ban xuất huyết dưới da,… Sốt xuất huyết mức độ này có thể điều trị ngoại trú với các nội dung chính là: Tập trung hạ sốt bằng paracetamol và chườm mát, bù dịch và điện giải bằng dung dịch Oresol, nước hoa quả và nước lọc, bổ sung thực phẩm giàu đạm, Vitamin và khoáng chất, nghỉ ngơi.

Sốt xuất huyết mức độ nhẹ, trẻ thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày.

Trẻ sốt xuất huyết nhẹ thường sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày.

– Sốt xuất huyết mức độ vừa, trẻ có các dấu hiệu cảnh báo như vật vã, li bì, lơ mơ, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn nhiều, đau bụng dữ dội. Khi trẻ có những dấu hiệu này, bố mẹ không được chần chừ, cho trẻ nhập viện ngay.

– Sốt xuất huyết mức độ nặng, trẻ cần điều trị tại khoa đồi sức tích cực. Các dấu hiệu của sốt xuất huyết nặng bao gồm tụt huyết áp, tràn dịch đa màng như tràn dịch màng tim, màng phổi, màng bụng, rối loạn đông máu, xuất huyết toàn thân như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, suy giảm chức năng đa tạng như suy tim, suy gan, suy thận,…

2. Hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết mức độ nhẹ tại nhà

Theo chuyên gia, trẻ sốt xuất huyết mức độ nhẹ có thể điều trị ngoại trú với một số nội dung chính là: Hạ sốt, bù dịch và điện giải, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

2.1. Hạ sốt

Paracetamol là thuốc hạ sốt chỉ định trong điều trị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây độc trên gan, thận; đặc biệt là nếu dùng liều cao (15g/ngày với người trưởng thành) hoặc dùng liều đúng chỉ định nhưng kéo dài (từ 7 ngày). Cách sử dụng paracetamol đúng trong điều trị sốt xuất huyết là 15mg/kg thể trọng, dùng mỗi 4 – 6 giờ, không dùng quá 4 lần/ngày.

Bố mẹ không được dùng các thuốc sau cho trẻ sốt xuất huyết:

– Aspirin: Mặc dù cũng có tác dụng hạ sốt, được chỉ định cho bệnh nhân chống chỉ định với paracetamol, nhưng trong sốt xuất huyết, tuyệt đối không sử dụng Aspirin để hạ sốt. Bởi thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu, làm tiếp diễn tình trạng xuất huyết do sốt xuất huyết.

– Ibuprofen: Thuộc nhóm kháng viêm không Steroid, tuy không ngăn chặn sự tập kết tiểu cầu mạnh mẽ như Aspirin nhưng Ibuprofen cũng làm gia tăng tình trạng xuất huyết do sốt xuất huyết.

Hướng dẫn chi tiết cách dùng thuốc và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết mức độ nhẹ tại nhà/

Ibuprofen cũng làm gia tăng tình trạng xuất huyết do sốt xuất huyết.

Trong thời điểm sốt xuất huyết bùng phát, nếu trẻ sốt, để chắc chắn, bố mẹ nên tránh hai thuốc trên.

Để nâng cao hiệu quả hạ sốt, bố mẹ nên chườm mát trán, nách, bẹn cho trẻ bằng nước có nhiệt độ thấp hơn 2 độ C so với nhiệt độ cơ thể trẻ, đồng thời cho trẻ mặc quần áo thoáng, mát, thấm hút mồ hôi và nghỉ ngơi trong không gian lưu thông không khí tốt.

2.2. Bù dịch và điện giải

Trẻ sốt xuất huyết nhẹ ưu tiên bù dịch bằng đường uống. Khi trẻ sốt xuất huyết nặng, huyết tương thoát qua thành mạch nhiều, máu cô đặc, huyết áp tụt, tim nhanh dẫn đến trụy mạch, trẻ cần truyền dịch, dung dịch được truyền là Ringer Lactat. Tuy nhiên, bố mẹ không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà. Do khi sốt xuất huyết, cơ thể trẻ nhạy cảm và rất dễ sốc khi truyền dịch. Thêm nữa, nếu truyền thừa dịch sẽ rối loạn cân bằng muối – nước, gây ứ nước trong các mô và tổ chức, dễ dẫn đến tràn dịch màng phổi. Ngoài ra, trong dung dịch Ringer Lactat có Kali, Kali thừa sẽ gây hại cho tim.

Trẻ sốt xuất huyết nhẹ ưu tiên bù dịch bằng đường uống.

Bù dịch và điện giải bằng dung dịch Oresol, nước hoa quả và nước lọc.

2.3. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ

– Thực phẩm bố mẹ nên cho trẻ sốt xuất huyết ăn, bao gồm: Thực phẩm giàu tinh bột (gạo và các loại củ), thực phẩm giàu đạm (các loại thịt, trứng, sữa và chế phẩm từ sữa), thực phẩm giàu Vitamin và khoáng chất (các loại rau lá xanh, trái cây giàu Vitamin C, các loại hạt), thực phẩm chứa Probiotic (sữa chua, phomai kefir, kombucha và đậu nành,…)

– Thực phẩm bố mẹ không nên cho trẻ sốt xuất huyết ăn, bao gồm: Thực phẩm cứng, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu, mỡ và thực phẩm có màu sẫm như củ dền đỏ, thanh long đỏ,…

Phía trên là cách dùng thuốc và chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà. Hy vọng răng với chúng, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Để biết thêm thông tin chi tiết về vấn đề này, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital