Viêm túi mật là bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến. Viêm túi mật cấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể gây biến chứng nguy hiểm. Vậy cách điều trị viêm túi mật như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Chẩn đoán viêm túi mật như thế nào?
1.1. Xét nghiệm máu
– Bạch cầu tăng cao: 10.000 – 20.000, bạch cầu đa nhân trung tính cao.
– Amylaza bình thường (nếu cao phải nghĩ đến viêm tụy cấp kết hợp)
1.2. Siêu âm
Siêu âm túi mật giúp phát hiện có sỏi túi mật không, ống mật, tình trạng thành đường mật, túi mật.
1.3. X – quang
– Chụp bụng không chuẩn bị (1 phim thẳng, 1 phim nghiêng phải) nếu có sỏi mật sẽ thấy hình cản quang bên phải, phía trước cột sống.
– Chụp đường mật bằng tiêm thuốc cản quang:
+ Túi mật bị viêm: ống mật chủ ngấm thuốc, còn túi mật không thấy.
+ Không nghĩ tới viêm túi mật cấp nếu hình ảnh túi mật rõ.
1.4. Soi ổ bụng cấp cứu
Là phương pháp giúp nhìn thấy túi mật to và căng xung huyết mạnh, phù nề, túi mật có thể dính với gan, mạc nối. Vùng gan gần túi mật cũng có phản ứng viêm màu đỏ tươi.
2. Cách điều trị viêm túi mật
Nếu bị đau quặn bụng với các biểu hiện nghi ngờ viêm túi mật cấp tính, bạn cần đến gặp bác sỹ ngay lập tức.
– Điều trị nội khoa: được chỉ định ngay từ ban đầu để làm dịu cơn đau cấp tính, bao gồm:
+ Nghỉ ngơi, không ăn hoặc uống gì để hạn chế co thắt túi mật.
+ Truyền dịch để ngăn ngừa mất nước.
+ Dùng thuốc giảm đau chống co thắt để làm giảm triệu chứng.
+ Dùng thuốc kháng sinh nếu nghi ngờ có nhiễm khuẩn.
Người bệnh viêm túi mật cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa kết hợp chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh.
– Điều trị ngoại khoa: đối với các trường hợp nặng đã có biến chứng như viêm phúc mạc, thủng túi mật, hoại tử túi mật… thì các bác sỹ bắt buộc phải tiến hành mổ cấp cứu để cắt bỏ túi mật .
3. Chủ động phòng ngừa viêm túi mật cấp
Viêm túi mật có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe vì vậy cần chủ động phòng ngừa viêm túi mật thể bằng những biện pháp đơn giản sau:
– Cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt giảm các thức ăn chứa nhiều cholesterol vì dư thừa cholesterol có thể gây hình thành sỏi mật.
– Kiểm soát cân nặng nhờ chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
– Không áp dụng chế độ giảm cân quá khắt khe và nhanh chóng, bởi có bằng chứng cho thấy việc này có thể làm thay đổi đột ngột quá trình sinh lý mật, làm tăng nguy cơ sỏi mật.
Chủ động khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để được thăm khám phát hiện sớm yếu tố nguy cơ viêm túi mật và điều trị kịp thời hiệu quả.