Cách điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 1

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Ung thư buồng trứng có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh ung thư phụ khoa do người bệnh thường phát hiện bệnh ở các giai đoạn muộn gây khó khăn trong điều trị. Chỉ có khoảng 15-20% trường hợp mắc ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn 1. Việc phát hiện sớm bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 1 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều trị và cơ hội sống cho bệnh nhân.

1. Diễn biến của bệnh ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu tiên

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng là khi một hoặc cả hai buồng trứng xuất hiện các tế bào bất thường, theo thời gian tiến triển thành những khối u ác tính xâm lấn và tấn công phá hủy các mô, cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư buồng trứng phát triển qua 4 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 được gọi là ung thư buồng trứng giai đoạn sớm. Ở giai đoạn này bệnh chỉ diễn biến giới hạn trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng mà không lan ra các bộ phận khác. Cụ thể là:

– Giai đoạn 1A: Tế bào ung thư bắt đầu hình thành, phát triển ở bên trong một buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.

– Giai đoạn 1B: Khối u vẫn chưa vượt ra bề mặt bên ngoài buồng trứng nhưng có xuất hiện khối u ở cả hai buồng trứng.

– Giai đoạn 1C: Các khối u vẫn ở bên trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng nhưng đã phá vỡ bề mặt của buồng trứng lộ diện ra bên ngoài, hoặc các nang trứng đã bị vỡ hoặc tế bào ác tính được tìm thấy trong dịch cổ trướng, dịch ổ bụng.

Cách điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu

Giai đoạn 1 ở bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng có cơ hội điều trị thành công cao, có thể bảo tồn được chức năng sinh sản.

2. Điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 1 như thế nào?

2.1 Tầm quan trọng của điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn 1

Cũng giống như đại đa số các bệnh ung thư ác tính khác nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời từ giai đoạn 1 cơ hội sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư buồng trứng lên đến 95%. Tỷ lệ này cũng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, tiền sử bệnh tật, khả năng đáp ứng… Tuy nhiên vẫn là một con số cao mang đến nhiều hy vọng cho người bệnh.

Ngược lại nếu phát hiện bệnh ở các giai đoạn muộn hơn thì tiên lượng tỷ lệ sống càng thấp. Cụ thể là chỉ khoảng 70% khi ung thư buồng trứng ở giai đoạn 2, khoảng 39% ở giai đoạn 3. Và đặc biệt ung thư buồng trứng ở giai đoạn cuối khi khối u đã di căn thì tỷ lệ sống rất thấp, khả năng điều trị khó và hiệu quả thấp.

Do đó có thể thấy phát hiện và điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn sớm của bệnh hay cụ thể là giai đoạn một sẽ mang lại hiệu quả và cơ hội sống cao cho chị em phụ nữ. Vậy nên khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bạn nên nhanh chóng đi thăm khám và đồng thời chủ động tầm soát ung thư sớm, xây dựng kế hoạch bảo vệ sức khỏe chủ động định kỳ đặc biệt với chị em phụ nữ trên 40 tuổi.

Cách điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn 1

Tuân thủ triệt để phác đồ điều trị đúng hướng, toàn diện sẽ giúp bệnh nhân đạt kết quả tích cực.

2.2 Phác đồ điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn 1

Đối với bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc ung thư buồng trứng cụ thể là giai đoạn 1 – giai đoạn đầu của bệnh thì phẫu thuật luôn là liệu pháp điều trị được lựa chọn hàng đầu.

Quá trình thực hiện phẫu thuật sẽ được bác sĩ loại bỏ tối đa tổ chức ung thư. Có thể sẽ thực hiện cắt buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, hạch bạch huyết gần đó… thông qua hình thức phẫu thuật mở hoặc nội soi. Ở giai đoạn 1 khả năng chỉ cắt bỏ một bên buồng trứng và ống dẫn trứng rất cao, vẫn bảo toàn được khả năng sinh sản cho chị em phụ nữ có mong muốn có con trong tương lai.

Để chắc chắn hình thức phẫu thuật, các tổ chức ung thư được loại bỏ thì bác sĩ cần xem xét một số yếu tố trước khi đưa ra chỉ định điều trị đó là: Mức độ xâm lấn cụ thể, loại giải phẫu bệnh, độ biệt hóa của tế bào ung thư, tuổi tác, sức khỏe, mong muốn của bệnh nhân…

Ngoài ra cũng tùy thuộc vào sức khỏe của người bệnh sau phẫu thuật, kết quả sinh thiết các mô lân cận hay vị trí nghi ngờ khác để kiểm tra dấu hiệu của ung thư sẽ giúp bác sĩ quyết định hướng điều trị tiếp theo, loại bỏ triệt để tế bào ung thư.

Hóa trị bổ trợ sẽ là một phương pháp được kết hợp sau phẫu thuật ung thư buồng trứng giai đoạn 1 để tiêu diệt các tế bào ác tính phẫu thuật không loại bỏ được hết, giảm nguy cơ tái phát bệnh sau điều trị.

2.3 Bệnh nhân nên làm gì sau điều trị ung thư buồng trứng

Điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn 1 mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho người bệnh, tuy nhiên sau điều trị bạn cần tiến hành kiểm tra, theo dõi dưới hướng dẫn của bác sĩ để phòng nguy cơ tái phát bệnh. Bởi ung thư là một bệnh có khả năng tái phát.

Sau điều trị chị em phụ nữ nên thăm khám phụ khoa 2-4 tháng một lần trong 2-3 năm đầu tiên và 6 tháng một lần cho những năm tiếp theo. Thời gian này sẽ được xác định cụ thể bởi bác sĩ điều trị trực tiếp cho bạn. Trong quá trình thăm khám bệnh nhân sẽ được chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán từ đó giúp phát hiện kịp thời sự trở lại của ung thư để có phương hướng xử lý hiệu quả.

Bên cạnh chế độ tái khám, tuân thủ đúng lịch trình thì bệnh nhân cũng nên duy trì các thói quen sống lành mạnh, sử dụng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, vận động thể thao, hoạt động thể chất hàng ngày để có thể duy trì sức khỏe tốt.

Cách điều trị ung thư buồng trứng ở giai đoạn 1

Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người bệnh nhanh phục hồi, đảm bảo sức khỏe xuyên suốt quá trình thực hiện điều trị.

Xác định phác đồ điều trị ung thư buồng trứng phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh, đây cũng là yếu tố quyết định tiên lượng sống cho người mắc bệnh. Vậy nên bác sĩ khuyến cáo chị em phụ nữ nên khám định kỳ, sàng lọc ung thư 6 tháng/lần để kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital