Cách điều trị sỏi mật hiệu quả và dứt điểm nhất được áp dụng hiện nay là phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Tuy nhiên, sỏi mật có nhất thiết cần điều trị cắt bỏ, ngoài ra còn có cách điều trị như thế nào. Theo dõi trong bài viết sau.
Menu xem nhanh:
1. Sỏi mật khi nào cần điều trị?
Sỏi mật cần điều trị khi xuất hiện các dấu hiệu như đau đớn ở mạn sườn phải không dứt, sỏi gây viêm túi mật cấp tính và các biến chứng nguy hiểm khác. Cụ thể, sỏi mật khi gây các biến chứng sau thì cần có phương pháp điều trị dứt điểm để không ảnh hưởng đến sức khỏe:
– Sỏi mật bị kẹt ở cổ hoặc ống túi mật gây viêm túi mật cấp, trường hợp này cần đến bệnh viện ngay và thường có chỉ định phẫu thuật ngay sau đó.
– Sỏi túi mật rơi xuống ống mật chủ, đường mật bị tắc nghẽn dẫn đến viêm đường mật. Biến chứng này cũng cần can thiệp cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
– Sỏi túi mật rớt xuống ống mật chủ, kẹt ở đoạn cuối không chỉ gây tắc nghẽn ống mật mà còn tắc cả ống tụy. Trường hợp này cũng cần can thiệp lấy sỏi ngay.
– Sỏi túi mật kích thước lớn làm gia tăng nguy cơ ung thư, đi kèm polyp túi mật. Thường thì trường hợp này khi phát hiện sẽ có chỉ định cắt bỏ để tránh nguy hiểm vì bệnh diễn tiến âm thầm không triệu chứng.
2. Cách điều trị sỏi mật hiệu quả
Điều trị sỏi túi mật phải dựa vào triệu chứng, kích thước và các biến chứng cụ thể để có chỉ định thích hợp. Hiện nay, 2 phương pháp phổ biến được áp dụng là điều trị bảo tồn và phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
2.1. Sỏi mật còn nhỏ, chưa gây biến chứng
Bệnh nhân có thể được dùng thuốc tan sỏi, thuốc giảm đau… nhằm loại bỏ sỏi ra khỏi túi mật. Đặc điểm chung của những phương pháp này là sỏi tạm thời không xuất hiện trong túi mật nữa nhưng có thể nhanh chóng tái phát. Do đó việc điều trị không có được hiệu quả lâu dài.
Lưu ý: thông tin về cách điều trị đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
2.2. Sỏi mật gây biến chứng cấp tính cần điều trị gấp
Khi đó, bác sĩ thường nhanh chóng có chỉ định phẫu thuật sau khi xét nghiệm và kiểm tra thấy cơ thể người bệnh đáp ứng được cuộc phẫu thuật. 2 phương pháp phẫu thuật được ứng dụng hiện nay là mổ mở và mổ nội soi. Trong đó, mổ nội soi được ưu tiên áp dụng bởi ít đau đớn, sẹo rất bé gần như không nhìn thấy, ít biến chứng sau mổ và hồi phục nhanh.
Phẫu thuật được cho là biện pháp dứt điểm để tránh những biến chứng nguy hiểm do sỏi. Bệnh nhân khi không có túi mật thì vẫn sinh hoạt và ăn uống bình thường, không có ảnh hưởng nghiêm trọng nào đến sức khỏe.
3. Phòng ngừa sỏi mật hiệu quả
3.1. Phòng ngừa bằng chế độ ăn uống
Một số lưu ý sau về thực đơn hằng ngày được cho là hữu ích để phòng ngừa sỏi mật hình thành và phát triển, cụ thể:
– Hạn chế sử dụng chất béo bão hòa:
Việc bổ sung quá nhiều chất béo bão hòa làm tăng mức cholesterol xấu trong máu – một trong những thành phần quan trọng nhất hình thành sỏi mật. Do đó, chúng ta nên bổ sung ít hơn các loại thực phẩm như thịt đỏ, thịt xông khói, đồ chiên rán…
– Tăng cường nguồn chất béo tốt:
Nguồn chất béo tốt là thực phẩm cần có để cơ thể khỏe mạnh, cụ thể những thực phẩm như dầu ô liu, bơ, các loại quả hạch, cá… bổ sung nguồn chất béo tự nhiên, làm giảm cholesterol và các chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể.
– Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ ngăn ngừa sỏi mật:
Không chỉ tốt cho tiêu hóa, thực phẩm nhiều chất xơ cũng giúp ngăn ngừa sỏi mật. Cụ thể nên bổ sung những loại thực phẩm như: trái cây tươi, rau có màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt vừa chứa nhiều chất xơ vừa có tác dụng làm giảm mức cholesterol. Có thể thay thế tinh bột thông thường bằng gạo lứt cực kỳ tốt cho cơ thể.
– Đừng quên uống nhiều nước:
Cơ thể con người đến 70% là nước, do vậy nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cơ thể con người. Nước giúp loại bỏ chất cặn bã, làm lưu thông hoạt động của túi mật hạn chế tình trạng hình thành sỏi.
– Tránh dùng các chất kích thích:
Không nên sử dụng những chất kích thích không có lợi cho sức khỏe gan mật trong chế độ hằng ngày. Tốt nhất bạn nên tránh xa và hạn chế sử dụng ở mức thấp nhất.
3.2. Thực hành lối sống khoa học
Một lối sống khoa học thúc đẩy quá trình trao đổi chất hiệu quả, hạn chế lắng đọng và kết tinh tạo thành sỏi. Do đó, khuyến khích lối sống lành mạnh từ những hoạt động đơn giản như sau:
– Tập thể dục đều đặn: Các bài tập vận động đều đặn hằng ngày giúp bạn duy trì cơ thể khỏe mạnh và cân nặng trong hạn mức cho phép, giúp ngăn ngừa sỏi mật và các bệnh lý khác. Nên duy trì luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày.
– Giảm cân vừa phải: Cần duy trì chế độ ăn uống đủ chất, không nên kiêng cữ quá mức trong quá trình giảm cân vì sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi mật.
– Không nên bỏ bữa sáng: Việc ăn bữa sáng là vô cùng quan trọng vì nếu bỏ bữa sáng, túi mật không thực hiện co bóp để đẩy dịch mất xuống đường tiêu hóa. Việc lắng đọng dịch mật sẽ khiến sỏi nhanh chóng hình thành và phát triển. Buổi sáng, dịch mật tích tụ cả đêm dài rất cần được đẩy xuống do đó, ăn bữa sáng là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa sỏi mật.
4. Kết luận
Điều trị sỏi mật hiệu quả và an toàn phụ thuộc rất lớn vào chuyên môn, kinh nghiệm của bác sĩ cũng như những đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Do đó bệnh nhân mắc sỏi mật cần cân nhắc lựa chọn cơ sở y tế phù hợp và uy tín để an tâm điều trị bệnh. Sau điều trị sỏi mật bệnh nhân cũng nên hình thành thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để phục hồi và giữ gìn sức khỏe.