Bệnh nấm miệng không quá nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ nhưng nếu không được điều trị đúng cách thì có thể khiến bệnh chuyển biến nặng và tái phát nhiều lần. Do đó, các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức hữu ích trong việc tìm hiểu cách chữa nấm miệng cho trẻ, phòng ngừa bệnh tái nhiễm.
Menu xem nhanh:
1. Nấm miệng ở trẻ nhỏ là gì?
Nấm miệng là một trong những bệnh lý thường mắc ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Đây là một loại bệnh do nấm Candida albicans phát triển quá mức gây nên. Khi bị bệnh, trẻ thường có các chấm trắng, đỏ xuất hiện ở lưỡi. Các chấm trắng hình thành ở đầu lưỡi, sau đó lan rộng thành mảng trắng khắp mặt lưỡi. Nếu không điều trị kịp thời, nấm sẽ loang ra khắp lưỡi khiến trẻ mất vị giác, bỏ ăn và quấy khóc. Nghiêm trọng hơn, nấm mọc dày lan vào đường thở có thể gây viêm phổi, hoặc gây rối loạn tiêu hóa…
Nấm Candida albicans là tác nhân chính khiến trẻ bị nấm ở miệng. Về cơ bản, loại nấm này tồn tại trong cơ thể người, chung sống hòa bình với các vi sinh vật khác tạo nên hệ vi sinh vật cân bằng. Tuy nhiên có thể vì nhiều yếu tố khiến loại nấm có điều kiện phát triển mạnh mẽ và gây bệnh:
– Lạm dụng kháng sinh làm rối loạn hệ khuẩn chí trong cơ thể trẻ.
– Bé bị hăm ben, nấm bẹn lan ra các vùng khác trên cơ thể do tiếp xúc, vệ sinh kém gây bệnh nấm miệng.
– Mẹ bị nhiễm nấm tại đầu vú, phần phụ ngoài lây cho trẻ khi tiếp xúc, cho trẻ bú…
Trẻ sơ sinh sức đề kháng kém nên là đối tượng rất dễ nhiễm nấm và mắc bệnh. Bệnh nấm miệng ở trẻ không có thuốc điều trị đặc hiệu và không thể khỏi hoàn toàn mà sẽ tái nhiễm nhiều lần trong suốt quãng đời của trẻ. Do đó, việc chăm sóc và điều trị cho trẻ đúng cách sẽ đẩy lùi bệnh và ngăn ngừa tái nhiễm.
2. Cách chữa nấm miệng cho trẻ
2.1. Điều trị bằng thuốc
Việc điều trị bệnh bằng thuốc cho trẻ cần có hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để tránh lạm dụng cũng như gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Trong trường hợp tình trạng nhiễm nấm của trẻ nặng, bác sĩ có thể sẽ kê một số loại thuốc kháng nấm như Nystatin hay Miconazole. Bố mẹ cần vệ sinh tay thật sạch, sau đó quấn gạc quanh ngón tay và nhúng vào nước sôi để nguội để làm mềm bông gạc. Chấm gạc vào thuốc chống nấm với liều lượng vừa đủ theo chỉ định của bác sĩ và đánh tưa theo thứ tự từ hai bên má, vòm miệng, lười từ ngoài vào trong để tránh làm trẻ nôn trớ.
Ngoài ra, một số thuốc kháng nấm dạng gel cũng thường được kê cho trẻ bị nấm miệng. Tuy nhiên việc dùng thuốc dạng gel cần cẩn trọng để không làm tắc nghẽn cổ họng đối với trẻ sơ sinh.
Các thuốc kháng nấm chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và hạn chế tối đa khi có thể để không làm ảnh hưởng tới sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong cơ thể trẻ.
2.2. Điều trị tại nhà
Nấm miệng là bệnh thường gặp ở trẻ và có thể thuyên giảm nếu ba mẹ biết cách điều trị tại nhà cho trẻ. Nguyên tắc điều trị nấm miệng cho trẻ tại nhà chính là vệ sinh răng miệng một cách khoa học.
– Nên đánh tưa miệng cho trẻ trước khi ăn, khi trẻ đang đói để giảm kích thích gây nôn trớ.
– Bố mẹ nên vệ sinh tay, dụng cụ cho trẻ ăn, đồ dùng cá nhân của trẻ sạch sẽ.
– Không nên cạy các chấm trắng trên lưỡi trẻ vì có thể sẽ gây chảy máu và nhiễm trùng.
– Không nên lấy mật ong, rau ngót hay cỏ mực để rơ lưỡi cho bé vì trong các thứ này có thể tồn tại bào tử nấm gây bệnh lý khác cho trẻ. Bên cạnh đó, chúng còn có thể gây xước, làm vết loét lan rộng ra.
3. Phòng ngừa nấm miệng tái phát ở trẻ
Sau khi đã khỏi bệnh, các vết loét dần biến mất và miệng lưỡi trẻ trở về bình thường. Tuy nhiên, bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, các lưu ý sau đây sẽ giúp bố mẹ có thể phòng và ngừa bệnh tái phát cho trẻ:
– Cho trẻ uống đủ nước theo độ tuổi và thể trạng để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh và hỗ trợ tăng cường đề kháng.
– Vệ sinh khoang miệng hằng ngày cho trẻ ít nhất là 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
– Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người để phòng ngừa nấm miệng và các bệnh lý đường hô hấp khác.
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đa dạng các nhóm chất thiết yếu.
– Tăng cường bồ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi cho trẻ trước, trong và sau khi bị bệnh.
– Tránh để trẻ ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản hoặc thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, đường, đồ ăn nhanh, thức uống có gas…
– Sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn để chế biến đồ ăn hoặc vệ sinh cá nhân cho trẻ và các thành viên khác trong gia đình
– Giữ gìn vệ sinh không gian sống luôn sạch sẽ, thoáng đãng, sát khuẩn đồ chơi của trẻ thường xuyên.
– Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, kháng sinh và tự ý điều trị tại nhà cho con bằng các mẹo dân gian.
– Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ để nâng cao đề kháng, tạo hàng rào miễn dịch tối ưu để phòng bệnh hiệu quả.
– Nên đưa con tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám sức khỏe định kỳ và kịp thời ngay khi có các dấu hiệu bất thường hoặc phát hiện bệnh không thuyên giảm.
Việc điều trị đúng cách và kịp thời giúp bệnh có thể nhanh khỏi chỉ từ một đến vài tuần. Do vậy, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn cách chữa nấm miệng cho trẻ hiệu quả.