Viêm họng do trào ngược là một biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease), thường xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới hoạt động không hiệu quả, dẫn đến sự trào ngược của axit dạ dày. Cùng tìm hiểu cơ chế viêm họng liên quan đến trào ngược và các phương pháp chẩn đoán, điều trị phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Viêm họng do trào ngược xảy ra như thế nào?
1.1 Cơ chế bệnh trào ngược gây viêm họng
Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease) là một tình trạng mà axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản và đôi khi là họng, thanh quản. Điều này có thể gây kích thích và viêm niêm mạc họng. Viêm họng là một biến chứng của GERD.
Bình thường cơ vòng thực quản dưới (LES – Lower Esophageal Sphincter) có nhiệm vụ ngăn chặn axit dạ dày trào ngược, không hoạt động bình thường. LES yếu hoặc rối loạn hoạt động (mở ra không đúng lúc) sẽ làm cho axit từ dạ dày dễ dàng đi ngược lên thực quản và có thể lên tới họng.
Một số nguyên nhân cụ thể gây trào ngược và viêm họng khác bao gồm:
– Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn cay, chua, dầu mỡ, cà phê, rượu bia, hoặc đồ uống có ga làm tăng khả năng axit trào ngược.
– Nằm ngay sau khi ăn, ăn quá no vào buổi tối, hút thuốc lá, thừa cân hoặc béo phì đều có thể là nguyên nhân gây trào ngược.
– Stress và căng thẳng: Tình trạng stress kéo dài ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và có thể làm tăng trào ngược dạ dày.
– Các bệnh lý về dạ dày: Những người bị loét dạ dày hoặc thoát vị hoành có nguy cơ cao bị trào ngược axit và viêm họng.
1.2 Các triệu chứng của viêm họng do trào ngược
Không giống như các nguyên nhân viêm họng do virus hay vi khuẩn, viêm họng do trào ngược thường kéo dài và gây ra cảm giác khó chịu liên tục với các triệu chứng:
– Khó chịu, ngứa rát, đau nhức và khô họng, nhất là vào buổi sáng khi thức dậy.
– Cảm giác như có vật lạ mắc kẹt trong họng gây khó nuốt.
– Ho kéo dài vào ban đêm hoặc sau khi ăn, thường là ho khan, không có đờm.
– Khàn giọng hoặc mất tiếng.
– Khó thở hoặc thở khò khè do axit tác động đến thanh quản và khí quản.
– Cảm thấy chua hoặc đắng trong miệng.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác kèm theo như đau ngực, ợ chua, và buồn nôn.
Nếu không được điều trị đúng cách, viêm họng do trào ngược có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm viêm thanh quản, sưng nề thanh quản, và thậm chí tăng nguy cơ ung thư thực quản.
2. Cách chẩn đoán viêm họng có phải do trào ngược hay không
Việc chẩn đoán viêm họng do trào ngược thường dựa trên sự kết hợp giữa các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Các bước chẩn đoán bao gồm:
2.1 Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng của bệnh nhân, bao gồm cảm giác đau, ngứa rát ở họng, ho, khàn giọng, và các biểu hiện khác như ợ chua, đau ngực. Nếu có tiền sử bệnh dạ dày, trào ngược, hoặc các yếu tố nguy cơ khác, bệnh nhân sẽ dễ bị nghi ngờ mắc viêm họng do trào ngược.
2.2 Nội soi thực quản – dạ dày
Nội soi là phương pháp phổ biến để tìm kiếm các tổn thương niêm mạc thực quản hoặc họng liên quan đến trào ngược. Phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát trực tiếp vùng thực quản và phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm, loét, hoặc các tổn thương khác do axit gây ra.
2.3 Đo pH thực quản 24 giờ để chẩn đoán viêm họng do trào ngược
Đây được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày. Phương pháp này giúp xác định mức độ axit trào ngược lên thực quản. Thiết bị đo pH sẽ được đưa vào thực quản qua mũi và để liên tục trong 24 giờ nhằm ghi lại các thông số liên quan đến lượng axit trào ngược. Dựa trên kết quả này, bác sĩ có thể xác định rõ ràng có hay không tình trạng trào ngược axit dạ dày và mức độ nghiêm trọng của trào ngược, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài việc đo pH, phương pháp đo áp lực của nhu động và cơ thực quản có thể giúp kiểm tra chức năng, hoạt động của thực quản, đặc biệt là của cơ vòng thực quản dưới, từ đó tìm ra nguyên nhân cụ thể gây trào ngược.
Hai phương pháp này đang được áp dụng tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc với hệ thống máy đo hiện đại, nhập khẩu từ Mỹ, cho độ chính xác và an toàn cao. Phương pháp được chỉ định bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và thực hiện bởi các kỹ thuật viên chuyên nghiệp, tâm lý, nhẹ nhàng.
2.4 Các phương pháp chẩn đoán viêm họng khác
Để phân biệt với các trường hợp viêm họng do vi khuẩn, virus, viêm amidan, viêm xoang… các bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm vùng hầu họng hoặc thực hiện nội soi tai mũi họng.
3. Cách điều trị tình trạng viêm họng do trào ngược
Điều trị viêm họng do trào ngược thường bao gồm sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, và trong một số trường hợp nghiêm trọng, cần can thiệp phẫu thuật. Dưới đây là các phương pháp điều trị cụ thể:
3.1 Thay đổi lối sống
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc điều trị trào ngược axit và viêm họng. Một số biện pháp thay đổi lối sống giúp cải thiện tình trạng viêm họng do trào ngược bao gồm:
– Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tránh ăn các loại thực phẩm kích thích axit như đồ cay, chua, béo, cà phê, rượu bia, đồ uống có ga. Chia nhỏ các bữa trong ngày thay vì ăn quá no cùng lúc.
– Giữ tư thế sau khi ăn: Tránh nằm ngay sau khi ăn, và nâng cao đầu khi ngủ để ngăn axit trào ngược lên.
– Giảm cân: Béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ trào ngược, do đó việc giảm cân có thể giúp cải thiện tình trạng này.
– Bỏ thuốc lá và rượu bia: Thuốc lá và rượu bia đều làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến trào ngược.
3.2 Sử dụng thuốc
Trong trường hợp thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc để kiểm soát lượng axit dạ dày và giảm viêm họng, bao gồm:
– Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc này giúp giảm sản xuất axit dạ dày, từ đó làm giảm triệu chứng trào ngược và bảo vệ niêm mạc thực quản và họng khỏi tổn thương do axit.
– Thuốc kháng axit (antacid): Giúp trung hòa axit trong dạ dày và giảm nhanh các triệu chứng ợ chua, đau rát họng.
– Thuốc kháng histamin H2: Loại thuốc này cũng giúp giảm sản xuất axit dạ dày, tuy nhiên tác dụng của chúng yếu hơn so với PPI.
– Thuốc làm tăng trương lực cơ vòng thực quản: Các loại thuốc như metoclopramide có thể được sử dụng để tăng cường hoạt động của cơ vòng thực quản dưới, ngăn axit trào ngược.
Khi nhận đơn thuốc từ bác sĩ, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian để có hiệu quả điều trị tối ưu và hạn chế tác dụng phụ.
3.3 Can thiệp phẫu thuật
Trong một số trường hợp trào ngược nặng, không đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp phẫu thuật để củng cố cơ vòng thực quản. Từ đó tăng cường hoạt động của cơ này, ngăn chặn trào ngược axit.
3.4 Điều trị triệu chứng viêm họng
Ngoài việc điều trị nguyên nhân gây trào ngược, các triệu chứng viêm họng cũng cần được kiểm soát. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm hoặc thuốc xịt họng để giảm cảm giác khó chịu tại họng. Điều này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu sự ảnh hưởng của bệnh đến sinh hoạt hàng ngày.
Viêm họng do trào ngược là một tình trạng phổ biến nhưng có thể gây ra nhiều phiền toái và biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Việc nhận biết sớm các triệu chứng, kết hợp với các phương pháp điều trị phù hợp, không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.