Cách chăm sóc răng miệng cẩn thận không chỉ giúp bạn sở hữu nụ cười rạng rỡ mà còn giúp bạn dự phòng hiệu quả nhiều bệnh lý nha khoa từ đơn giản đến phức tạp. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc răng miệng được chuyên gia khuyến cáo, đọc ngay bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Dùng bàn chải và kem đánh răng để chăm sóc răng miệng
1.1. Hướng dẫn lựa chọn bàn chải và kem đánh răng
Bàn chải và kem đánh răng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của cách vệ sinh răng miệng. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể giúp bạn lựa chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp nhất.
1.1.1. Lựa chọn bàn chải đánh răng
– Bàn chải cứng, mềm, hay trung bình?: Chọn bàn chải lông mềm hoặc trung bình để tránh làm tổn thương nướu và men răng. Bàn chải lông cứng chỉ nên được sử dụng theo chỉ định của nha sĩ.
– Bàn chải thường hay điện?: Bàn chải điện có thể hiệu quả hơn trong việc loại bỏ mảng bám; tuy nhiên, bàn chải thường vẫn rất hiệu quả nếu được sử dụng đúng cách.
– Kích thước đầu bàn chải: Chọn đầu bàn chải nhỏ để dễ dàng tiếp cận các khu vực khó trong miệng, như răng hàm.
– Thiết kế của lông bàn chải: Bàn chải có lông cao thấp khác nhau vệ sinh hiệu quả hơn.
1.1.2. Lựa chọn kem đánh răng
Nha sĩ thường khuyến cáo sử dụng kem đánh răng chứa fluoride vì nó giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách củng cố men răng. Nếu răng bạn nhạy cảm với nhiệt độ hoặc độ chua ngọt, hãy lựa chọn những loại kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm. Ngay cả trong trường hợp răng bạn không nhạy cảm, khi lựa chọn kem đánh răng, bạn cũng nên kiểm tra thành phần để tránh những hóa chất bạn có thể dị ứng như lauryl sulfate natri, paraben, hoặc hương liệu nhân tạo.
1.2. Hướng dẫn chi tiết cách sử dụng bàn chải và kem đánh răng
– Tần suất: Ít nhất hai lần mỗi ngày
– Thời gian: Đánh ít nhất 2 phút. Bạn có thể chia miệng thành 4 khu vực và dành khoảng 30 giây cho mỗi khu vực để đảm bảo đánh răng đủ thời gian.
– Quy trình: Dùng một lượng kem đánh răng vừa đủ, khoảng bằng hạt đậu. Đặt bàn chải nghiêng 45 độ so với nướu và chải nhẹ nhàng theo chuyển động tròn hoặc chuyển động dọc. Sau khi chải răng cửa và răng hàm, cuối cùng, nhẹ nhàng chải lưỡi để loại bỏ vi khuẩn. Kết thúc, rửa sạch bàn chải dưới vòi nước chảy và lưu trữ ở nơi khô thoáng.
2. Sử dụng chỉ nha khoa để chăm sóc răng miệng
2.1. Hướng dẫn chọn chỉ nha khoa
Chọn đúng chỉ nha khoa là rất quan trọng để đảm bảo bạn có thể vệ sinh giữa các kẽ răng, nơi mà bàn chải không thể tiếp cận. Dưới đây là một số mẹo để giúp bạn lựa chọn chỉ nha khoa phù hợp.
2.1.1. Loại chỉ nha khoa
– Chỉ nha khoa phủ sáp: Chỉ nha khoa loại này có thể trượt dễ dàng giữa các kẽ răng, tốt cho người có kẽ răng hẹp.
– Chỉ nha khoa không phủ sáp: Chỉ nha khoa loại này thiếu lớp sáp, có thể cứng hơn và đôi khi khó trượt giữa các kẽ răng hơn; tuy nhiên, nó có thể vệ sinh sạch sẽ hơn chỉ nha khoa phủ sáp.
– Chỉ nha khoa siêu mảnh: Chỉ nha khoa loại này thích hợp cho những người có cầu răng, mắc cài nha khoa…
2.1.2. Đặc tính của chỉ nha khoa
– Chất liệu: Chỉ nha khoa thường được làm từ tơ nhựa hoặc tơ tự nhiên. Chỉ làm từ tơ nhựa thường bền hơn và ít bị rách hơn khi sử dụng.
– Độ dày: Chỉ nha khoa có nhiều kích cỡ từ mảnh đến dày. Lựa chọn kích cỡ phù hợp với kẽ răng của bạn: Chọn chỉ mảnh cho kẽ răng hẹp và chỉ dày cho kẽ răng rộng
2.1.3. Dạng sản phẩm
– Chỉ nha khoa dạng cuộn: Dạng cuộn là dạng phổ biến nhất, cho phép bạn cắt đoạn chỉ theo nhu cầu.
– Chỉ nha khoa dùng một lần có tay cầm: Tiện lợi cho những người thường xuyên di chuyển hoặc gặp khó khăn trong việc cầm chỉ truyền thống. Tay cầm giúp dễ dàng thao tác và điều khiển chỉ giữa các kẽ răng.
2.2. Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc răng miệng bằng chỉ nha khoa
– Bước 1: Cắt một đoạn chỉ khoảng 45 – 50 cm (18 – 20 inch). Quấn chỉ vào ngón cái hoặc ngón trỏ của hai bàn tay, để lại khoảng 2 – 3 cm chỉ giữa hai ngón tay để sử dụng.
– Bước 2: Sử dụng những ngón tay đã quấn chỉ để nhẹ nhàng đưa chỉ vào kẽ răng. Hãy cẩn thận để chỉ không chà vào nướu quá mạnh. Khi chỉ đã vào kẽ răng, cần di chuyển chỉ lên xuống một cách nhẹ nhàng dọc theo kẽ răng. Hãy chắc chắn rằng bạn đã vệ sinh cả hai mặt của kẽ răng. Khi di chuyển chỉ, hãy nhẹ nhàng đưa nó vào dưới đường viền nướu để vệ sinh sâu mảng bám. Sau khi đã sử dụng một đoạn chỉ, quấn phần đã sử dụng vào ngón tay và thả lỏng một phần mới từ ngón tay kia để sử dụng cho kẽ răng tiếp theo. Lặp lại quá trình này cho mỗi kẽ răng, kể cả những kẽ răng ở vị trí khó tiếp cận nhất phía sau hàm.
3. Sự dụng nước súc miệng để chăm sóc răng miệng
3.1. Hướng dẫn lựa chọn nước súc miệng từ chuyên gia
Có nhiều loại nước súc miệng, bạn nên lựa chọn nước súc miệng theo công dụng của chúng; ví dụ như nếu bạn muốn ngăn ngừa sâu răng, lựa chọn nước súc miệng chứa fluoride hoặc nếu bạn muốn kiểm soát mảng bám và vi khuẩn, lựa chọn nước súc miệng chứa chlorhexidine hoặc cetylpyridinium chloride. Tuy nhiên, dù bạn chọn nước súc miệng loại nào, cũng nên chú ý đến độ pH để không men răng tổn thương. Nước súc miệng có độ pH gần trung tính (khoảng 7) thường là lựa chọn an toàn.
Nước súc miệng chứa cồn có thể làm tăng tình trạng khô miệng và kích ứng nướu. Những người có những vấn đề này, không nên lựa chọn nước súc miệng chứa cồn.
3.2. Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc răng miệng bằng nước súc miệng
– Bước 1: Mở nắp và đo lượng nước súc miệng cần thiết vào nắp đậy hoặc ly đong, thường là khoảng 20ml (hay 4 thìa cà phê).
– Bước 2: Cho nước súc miệng vào miệng, khép môi lại và ngậm nước súc miệng. Trong khoảng 30 giây đến 1 phút, dùng sức mạnh của cơ hàm để di chuyển nước súc miệng qua lại trong miệng, đảm bảo nước súc miệng tiếp xúc với tất cả các bề mặt răng, nướu và lưỡi. Sau khi súc, khạc nước súc miệng vào bồn rửa. Không nên nuốt nước súc miệng. Để các thành phần hoạt tính trong nước súc miệng có thời gian tác động, không nên súc miệng lại với nước hoặc ăn uống ngay. Chờ ít nhất 30 phút trước khi ăn uống hoặc súc miệng lại với nước.
Cách chăm sóc răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng, chỉ nha khoa và nước súc miệng là 3 bước nhỏ của một chu trình chăm sóc răng miệng lớn. Chu trình này nên được thực hiện cẩn thận ít nhất 2 lần/ngày. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe răng miệng, bạn cũng nên thăm khám định kỳ với nha sĩ. Khi thăm khám, nha sĩ có thể thực hiện các biện pháp vệ sinh sâu hơn. Bên cạnh đó, các bệnh lý nha khoa, nếu có, cũng sẽ được phát hiện và điều trị kịp thời.