Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh có thể gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể được chữa khỏi. Vậy các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất hiện nay là gì?
Menu xem nhanh:
1. Khái quát về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý ác tính được hình thành bởi sự phát triển và tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào ở cổ tử cung, từ đó tạo ra khối u. Các khối u này thường nhân lên một cách nhanh chóng, xâm lấn các cơ quan xung quanh và có thể di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo hoặc trực tràng.
1.1. Phân loại ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có thể được phân ra thành 2 loại chính:
– Ung thư biểu mô tế bào gai: Chiếm khoảng 80-85% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Khối u bắt nguồn từ các tế bào mỏng, phẳng lót phần ngoài của cổ tử cung, hình thành do nhiễm virus HPV.
– Ung thư biểu mô tuyến: Chiếm khoảng 10-20% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Khối u bắt nguồn từ các tế bào tuyến dòng ở phần trên cổ tử cung.
Ngoài ra còn có một số dạng ung thư cổ tử cung khác như ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư mô liên kết tuyến, ung thư biểu mô tuyến – tế bào gai, ung thư lympho, ung thư hắc tố,… thường không liên quan đến virus HPV.
1.2. Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
Theo thống kê của WHO, virus HPV được coi là yếu tố nguy cơ cao gây nên ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
Virus HPV chủ yếu lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, một số ít trường hợp vẫn có nguy cơ lây nhiễm dù chỉ tiếp xúc ngoài da. Nếu người bệnh nhiễm phải tuýp virus HPV có nguy cơ cao thì virus sẽ tồn tại lâu dài trong cơ thể và dẫn đến ung thư.
1.3. Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Triệu chứng của ung thư cổ tử cung rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác, người bệnh nên lưu ý nếu thấy mình xuất hiện các dấu hiệu sau:
– Âm đạo chảy máu bất thường, có thể xảy ra giữa các kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh.
– Âm đạo tiết dịch bất thường, có thể nhiều hơn, màu xám đục và có mùi hôi.
– Có cảm giác đau rát vùng chậu và lưng dưới.
– Cảm thấy đau và khó chịu khi quan hệ tình dục.
– Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
– Tiểu tiện, đại tiện thường xuyên và mất kiểm soát, có thể ra lẫn máu.
2. Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả
Căn cứ vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe cũng như giai đoạn tiến triển của khối u mà người bệnh có ung thư cổ tử cung có thể được điều trị bằng những phương pháp dưới đây:
2.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung bởi nó có thể giúp loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư. Ung thư cổ tử cung có thể thực hiện theo một trong 3 cách:
– Cắt bỏ một phần cổ tử cung: Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm, kích thước khối u nhỏ và chưa xâm lấn thì các bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần trên âm đạo và vẫn giữ nguyên tử cung. Đây là phương pháp bảo toàn khả năng sinh sản cho phụ nữ.
– Cắt bỏ toàn bộ tử cung: Nếu bệnh đã tiến triển nặng và di căn xa thì ngoài tử cung, các vùng lân cận như phần trên âm đạo, ống dẫn trứng, buồng trứng,… cũng được cắt bỏ như.
– Cắt bỏ các cơ quan vùng chậu: toàn bộ tử cung, âm đạo, buồng trứng, trực tràng, bàng quang đều phải cắt bỏ hoàn toàn nếu khối u đã lan rộng.
Các kỹ thuật phẫu thuật phổ biến hiện nay:
– Phẫu thuật khoét chóp: Dùng LEEP hoặc Laser
– Phẫu thuật điện
– Phẫu thuật lạnh bằng Nitơ lỏng
– Phương pháp sinh thiết Cone
2.2. Xạ trị
Xạ trị ung thư cổ tử cung có thế thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật hay hóa trị nhằm tăng hiệu quả điều trị ung thư. Ung thư cổ tử cung có thể áp dụng một hoặc cả hai cách xạ trị sau:
– Xạ trị trong: Máy chiếu xạ với kích thước nhỏ sẽ được đặt ghép gần tử cung của người bệnh để tác động và tiêu diệt tế bào ung thư, thường hiệu quả khi ung thư đang ở giai đoạn đầu.
– Xạ trị ngoài: Với những trường hợp ung thư đã tiến triển nặng hơn, máy chiếu xạ kích thước nhỏ không thể chiếu đủ lượng tia X cần thiết trong thời gian liên tục.Lúc này, xạ trị cần được thực hiện bằng máy chiếu xạ lớn hơn, tác động từ bên ngoài bằng cách chiếu quanh tử cung với liệu trình 1 lần/ngày, mỗi tuần 5 lần và kéo dài từ 5-6 tuần.
2.3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp đã được chứng minh là hiệu quả khi điều trị ung thư đã di căn và lan rộng đến nhiều cơ quan ngoài tử cung trên cơ thể. Trong trường hợp này, phẫu thuật và xạ trị đều không mang đến hiệu quả tối ưu.
Tuy nhiên, hóa trị ung thư cổ tử cung có thể khiến bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ như: rụng tóc, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa, mệt mỏi, nhiệt miệng, chán ăn, mãn kinh sớm,…
2.4. Liệu pháp điều trị đích
Điều trị nhắm trúng đích là phương pháp mới tập trung vào việc sử dụng các loại thuốc để ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư.
Thuốc điều trị đích có tác dụng ngăn cản quá trình hình thành mạch máu mới quanh tế bào ung thư, từ đó làm khối u teo nhỏ.
2.5. Liệu pháp miễn dịch
Bằng cách kích thích tạo ra miễn dịch chủ động cho cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư, liệu pháp miễn dịch sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch chính là phương án cuối cùng được sử dụng khi bệnh nhân ung thư cổ tử cung không đáp ứng điều trị với hóa trị và xạ trị.
Để đạt được hiệu quả cao nhất, người bệnh nên chủ động đi tầm soát sớm để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác và tư vấn phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung phù hợp nhất.