Tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ ngay từ những năm đầu đời giúp tạo ra những kháng thể cần thiết để nhận diện, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Qua đó sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Phụ huynh hãy cùng tìm hiểu các mũi tiêm cho trẻ từ sơ sinh tới 2 tuổi qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần tiêm ngừa cho trẻ?
Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu, chưa hoàn thiện rất dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công. Do đó để bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các loại vắc xin đã được nghiên cứu, bào chế giúp cơ thể tạo ra những kháng thể cần thiết giúp nhận diện và tiêu diệt những tác nhân gây bệnh ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Vắc xin cũng giúp hệ miễn dịch ghi nhớ tác nhân gây bệnh và ngay lập tức tạo kháng thể khi phát hiện sự tái xâm nhập của virus, vi khuẩn.
Tóm lại, sau khi chào đời, trẻ sơ sinh rất cần tiêm ngừa đầy đủ vì:
– Kháng thể từ mẹ truyền sang trẻ chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, không đủ để bảo vệ trẻ toàn diện. Việc tiêm ngừa cho trẻ ngay từ những tháng đầu là cách hiệu quả để truyền kháng thể thay thế lượng bị sụt giảm.
– Khi chào đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nhưng đã buộc phải tiếp xúc với môi trường xa lạ từ nhiệt độ, độ ẩm, vi sinh vật, bụi bẩn,… khiến trẻ dễ mắc bệnh. Đối với những trường hợp trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân hoặc có bệnh lý bẩm sinh càng phải tiêm ngừa đầy đủ để có miễn dịch bảo vệ.
– Trẻ nhỏ mắc bệnh có nguy cơ rất cao biến chứng nặng, để lại di chứng suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ thậm chí tử vong.
– Chi phí tiêm phòng ngừa bệnh thấp hơn rất nhiều so với chi phí phải bỏ ra để điều trị, chăm sóc nếu chẳng may mắc bệnh.
2. Các mũi vắc xin tiêm phòng cho trẻ từ 0 – 24 tháng
Phụ huynh hãy lưu ý một số mũi tiêm ngừa cho trẻ cần thiết dưới đây:
– Vắc xin viêm gan A, B.
– Vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà.
– Vắc xin sởi, quai bị, rubella.
– Vắc xin thủy đậu.
– Vắc xin Hib.
– Vắc xin bại liệt.
– Vắc xin cúm.
– Vắc xin rotavirus.
3. Lịch tiêm phòng cụ thể cho trẻ từ 0 – 24 tháng tuổi
3.1. Lịch tiêm ngừa cho trẻ từ 0 – 9 tháng tuổi
Trẻ sơ sinh
– Tiêm vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để phòng ngừa bệnh truyền từ mẹ sang con. Nếu phụ huynh lựa chọn tiêm vắc xin phối hợp có thành phần viêm gan B thì theo lịch tiêm của vắc xin phối hợp.
– Tiêm vắc xin ngừa bệnh lao trong 30 ngày đầu đời của trẻ. Nếu không tiêm được trong tháng đầu đời, phụ huynh có thể tiêm bù cho trẻ trước khi trẻ được 1 tuổi.
Trẻ 2 tháng tuổi
– Tiêm vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm họng – viêm phổi – viêm màng não do Hib, viêm màng não – viêm phổi – nhiễm khuẩn huyết – viêm tai giữa do phế cầu liều đầu tiên. Phụ huynh có thể lựa chọn các loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 cho trẻ để ngừa được nhiều bệnh trong một mũi tiêm.
– Uống vắc xin rotavirus liều thứ nhất.
Trẻ 3 tháng tuổi
– Tiêm vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm họng – viêm phổi – viêm màng não do Hib, viêm màng não – viêm phổi – nhiễm khuẩn huyết – viêm tai giữa do phế cầu liều thứ hai. Phụ huynh có thể tiếp tục lựa chọn các loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 cho trẻ để ngừa được nhiều bệnh trong một mũi tiêm.
– Uống vắc xin rotavirus liều thứ hai.
Trẻ 4 tháng tuổi
– Tiêm vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm họng – viêm phổi – viêm màng não do Hib, viêm màng não – viêm phổi – nhiễm khuẩn huyết – viêm tai giữa do phế cầu liều thứ ba.
– Uống vắc xin rotavirus liều thứ ba nếu phụ huynh lựa chọn vắc xin Rotateq từ Mỹ.
Trẻ 6 tháng tuổi
– Tiêm vắc xin ngừa viêm màng não do não mô cầu BC liều đầu tiên.
– Tiêm vắc xin ngừa cúm liều đầu tiên.
Trẻ 7 tháng tuổi
– Trẻ thực hiện tiêm chủng muộn có thể tiêm vắc xin viêm màng não – viêm phổi – nhiễm khuẩn huyết – viêm tai giữa do phế cầu liều đầu tiên.
– Tiêm vắc xin ngừa cúm liều thứ hai, sau đó phụ huynh cho trẻ tiêm mũi nhắc lại hàng năm.
Trẻ 8 tháng tuổi
– Trẻ thực hiện tiêm chủng muộn có thể tiêm vắc xin viêm màng não – viêm phổi – nhiễm khuẩn huyết – viêm tai giữa do phế cầu liều thứ hai.
– Tiêm vắc xin ngừa viêm màng não do não mô cầu BC liều thứ hai.
3.2. Lịch tiêm ngừa cho trẻ từ 9 – 24 tháng tuổi
– Trẻ trong vòng 9 – 18 tháng tuổi thực hiện tiêm 2 liều vắc xin viêm màng não do não mô cầu A, C, Y và W135.
– Trẻ 9 tháng tuổi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (vắc xin sống giảm độc lực) liều đầu tiên và tiêm mũi nhắc lại cách tối thiểu 12 tháng.
– Trẻ 12 tháng tuổi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản (vắc xin bất hoạt) liều đầu tiên và liều thứ hai, liều thứ ba tiêm khi trẻ 2 tuổi.
– Trẻ trong vòng 9 – 12 tháng tuổi tiêm vắc xin sởi, quai bị, rubella, thủy đậu liều đầu tiên và tiêm mũi thứ hai trong khoảng 15 – 18 tháng tuổi.
– Trẻ 12 tháng tuổi tiêm vắc xin viêm gan A liều đầu tiên và tiêm liều thứ hai khi 18 tháng tuổi.
– Trẻ 12 – 18 tháng tuổi tiêm vắc xin viêm màng não – viêm phổi – nhiễm khuẩn huyết – viêm tai giữa do phế cầu liều thứ 4.
– Trẻ 15 – 18 tháng tuổi tiêm vắc xin viêm họng – viêm phổi – viêm màng não do Hib liều thứ 4.
– Trẻ 18 tháng tuổi tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt liều thứ 4.
– Trẻ 2 tuổi tiêm vắc xin thương hàn liều đầu tiêm và tiêm nhắc lại mỗi 3 năm.
– Trẻ 2 tuổi uống 2 liều vắc xin tả, mỗi liều cách nhau 2 tuần.
Lưu ý: Trên đây chỉ là lịch tiêm tiêu chuẩn để tham khảo, lịch tiêm thực tế có thể thay đổi tùy theo từng loại vắc xin phụ huynh lựa chọn, sự tuân thủ phác đồ tiêm chủng và cập nhật hướng dẫn từ các cơ quan y tế. Cụ thể hơn, phụ huynh có thể tham khảo trong ảnh dưới đây:
Hi vọng thông tin trên đã cung cấp cho các bậc phụ huynh những kiến thức về các loại vắc xin cần thiết và lịch tiêm cơ bản cho trẻ từ sơ sinh đến tròn 24 tháng tuổi. Hãy chủ động trong việc tiêm phòng để đảm bảo sức khỏe cho trẻ và nếu phụ huynh cần giúp đỡ, đừng ngần ngại liên hệ Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn nhé.