Vacxin giúp cơ thể trẻ có miễn dịch với mầm bệnh, nhờ đó ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh và có thể phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, với mỗi loại vacxin sẽ có lịch tiêm và được chỉ định ở các đối tượng khác nhau. Trẻ dưới 1 tuổi cần chủ động tiêm phòng để bảo vệ khỏi sự tấn công của các bệnh truyền nhiễm. Dưới đây là 6 mốc tiêm vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi mà cha mẹ cần lưu ý.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao cha mẹ cần chủ động tiêm phòng cho trẻ dưới 1 tuổi?
Nhiều cha mẹ không biết rằng, trẻ ngay từ khi sinh ra đã phải “chiến đấu” với nhiều virus, vi khuẩn rình rập tấn công. Tuy nhiên, vì quá nhỏ và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên “cuộc chiến “ này là không cân sức và trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Trẻ dưới 1 tuổi là giai đoạn mà cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng sớm, đầy đủ các mũi tiêm cần thiết và đúng lịch vì:
– Tuy trẻ nhận được kháng thể truyền từ mẹ lúc mang thai và khi cho bú nhưng chỉ tồn tại trong cơ thể một thời gian ngắn. Vì thế trẻ không được bảo vệ về lâu dài mà theo thời gian thì trẻ càng tiếp xúc với nhiều mầm bệnh hơn khi đi học ở trường, chơi ở công viên,…
– Trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi gần như mất hoàn toàn kháng thể được mẹ truyền sang, đồng thời lúc này hệ miễn dịch chưa hoàn thiện để tự sản xuất kháng thể. Nếu không tiêm chủng, trẻ rất dễ nhiễm bệnh.
– Tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi là cơ hội phòng bệnh tối ưu duy nhất trong đời. Hơn nữa, một số vacxin cho trẻ có giới hạn độ tuổi nhất định.
– Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng về sức khỏe nếu bị nhiễm bệnh. Dù có điều trị kịp thời thì không loại trừ nguy cơ bị di chứng về sau, thậm chí có thể tử vong. Các di chứng do bệnh gây ra sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển và lớn lên của trẻ.
2. 6 Mốc tiêm vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi quan trọng
2.1. Sơ sinh
Theo khuyến nghị của WHO, trẻ sau khi chào đời cần tiêm ngay 2 vacxin sau:
– Vacxin ngừa viêm gan B.
– Vacxin ngừa bệnh lao.
Vacxin phòng 2 bệnh này đặc biệt quan trọng, tránh lây truyền virus từ mẹ sang con và phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh từ các nguồn khác. Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng sớm, tốt nhất là trong 24h đầu tiên sau sinh. Khi tiêm phòng sớm thì hiệu quả bảo vệ lên đến 95%.
Vacxin viêm gan B và vacxin phòng bệnh lao đều chỉ tiêm 1 mũi duy nhất và nên thực hiện càng sớm càng tốt.
2.2. Mốc 6 tuần tuổi
Khi trẻ được 6 tuần tuổi thì sức đề kháng vẫn còn yếu và có nguy cơ dễ nhiễm các bệnh như:
– Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota.
– Viêm do mô cầu B/C.
– Nhiễm khuẩn huyết.
– Viêm phổi, bệnh viêm tai giữa do phế cầu.
Do đó, cha mẹ cần tiêm vacxin cho trẻ phòng các bệnh trên vào giai đoạn này.
Với phòng viêm dạ dày do Rotavirus, hiện nay lưu hành tiêm chủng 3 loại vacxin uống của Bỉ, Việt Nam và Mỹ. Vacxin của Bỉ và Việt Nam gồm uống 2 liều, liều đầu tiên nên cho uống khi trẻ được 6 tuần tuổi. Liều sau cách liều trước ít nhất 4 tuần và cần hoàn thành trước khi trẻ được 6 tháng tuổi. Riêng vacxin của Mỹ thì gồm uống 3 liều, liều đầu tiên khi trẻ được 7,5-12 tuần tuổi. Các liều sau cách ít nhất 4 tuần và cần hoàn thành trước khi trẻ được 32 tuần tuổi.
2.3. Tiêm vacxin cho trẻ đủ 2 tháng tuổi
Giai đoạn này, cha mẹ nên tiêm cho trẻ vacxin 6in1 giúp phòng được 6 bệnh cùng lúc gồm:
– Bạch hầu.
– Ho gà.
– Uốn ván.
– Bại liệt.
– Viêm gan B.
– Các bệnh do Hib: viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi.
Có 2 loại vacxin cho trẻ đủ 2 tháng tuổi đang được tiêm chủng rộng rãi đó là:
– Infanrix Hera (Bỉ).
– Hexaxim (Pháp).
Hai loại trên có lịch tiêm cơ bản gồm 3 mũi, các mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Sau 12 tháng, trẻ cần tiêm nhắc lại.
2.4. Mốc 6 tháng tuổi
Trẻ bước sang tháng thứ 6 thì không còn kháng thể được mẹ truyền sang, trong khi đó hệ miễn dịch tự nhiên vẫn chưa hoàn thiện. Lúc này có 2 bệnh rất dễ mắc đó là:
– Bệnh cúm.
– Viêm não mô cầu BC.
Bệnh cúm tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Trẻ nhiễm cúm sẽ phải đối mặt với các biến chứng như: viêm tai, viêm phổi, viêm não, thậm chí là tử vong. Do đó, tiêm vacxin phòng cúm là rất quan trọng với 2 mũi tiêm cơ bản cách nhau 4 tuần. Sau đó, mỗi năm trẻ cần tiêm nhắc lại 1 mũi để duy trì hiệu quả bảo vệ.
Bệnh viêm não mô cầu cũng tiềm ẩn nhiều di chứng nặng nề như: điếc, khiếm khuyết thần kinh, vận động,… Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ tiêm vacxin đủ liều với 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 2 tháng.
2.5. Mốc 9 tháng tuổi
Từ 9 tháng tuổi, cần tiêm đủ các loại vacxin cho trẻ với:
– Vacxin ngăn ngừa mắc bệnh quai bị – sởi – rubella. Có thể dùng vacxin sởi đơn hoặc vacxin 3in1 phòng 3 bệnh đồng thời gồm sởi, quai bị và rubella. Liều tiêm cơ bản gồm 3 mũi, mũi đầu tiên khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi sau cách mũi đầu từ 3 đến 6 tháng, mũi 3 tiêm sau mũi 2 là 4 năm
– Vacxin ngăn ngừa mắc viêm não Nhật Bản. Hiện nay lưu hành rộng rãi 3 loại vacxin của Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ. Mỗi loại vacxin các nước khác nhau sẽ có lịch tiêm khác nhau, cha mẹ tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi đưa trẻ đi tiêm.
– Vacxin phòng thủy đậu bao gồm của Bỉ và Mỹ. Với vacxin phòng thủy đậu của Bỉ thì được chỉ định cho trẻ đủ 9 tháng, mũi sau cách mũi trước 3-6 tháng. Vacxin phòng thủy đậu của Mỹ tiêm 1 mũi khi trẻ đủ 12 tháng, sau 4 năm cần tiêm nhắc lại.
– Vacxin phòng viêm não mô cầu ACYW135 với phác đồ tiêm 1 mũi khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, sau 3 tháng thì tiếp tục tiêm mũi thứ hai.
2.6. Tiêm vacxin cho trẻ 12 tháng tuổi rất quan trọng
Giai đoạn này trẻ đã biết bò, có thói quen ngậm mút đồ chơi nên nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao hơn. Ngoài biện pháp vệ sinh môi trường sống, đồ chơi,… thì trẻ cũng cần tiêm vacxin đầy đủ. Bên cạnh các loại vacxin kể trên, lúc này trẻ có thể tiêm phòng thêm bệnh viêm gan A. Loại vacxin được đùng phổ biến là vacxin Avaxim 80UI (Pháp), liều tiêm cơ bản gồm 2 mũi và cách nhau 6-12 tháng.
Trên đây là các mốc tiêm vacxin cho trẻ dưới 1 tuổi cha mẹ cần ghi nhớ để không bỏ lỡ cơ hội bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu có bất kỳ vấn đề thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được giải đáp.