Thuốc chống say xe là cứu cánh cho những ai bị say tàu xe mà cần di chuyển đường dài. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân gây say xe, các loại thuốc chống say tàu xe phổ biến và lời khuyên cần nhớ khi sử dụng thuốc.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây ra các cơn say tàu xe
Say xe là nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt khi di chuyển đường dài. Người bị say xe thường gặp một số triệu chứng khó chịu như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung, tăng tiết nước bọt, đổ mồ hôi lạnh toàn thân… Tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất khi hành trình di chuyển kết thúc, đồng thời không gây hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến các hoạt động trong ngày, lâu dần hình thành nỗi sợ tâm lý khi phải di chuyển xa.
Chứng say xe thường gặp nhất ở trẻ em từ khoảng 3 đến 12 tuổi do hệ tiền đình – ốc tai vẫn chưa phát triển đầy đủ. Ở người trưởng thành, chứng say xe gặp nhiều hơn ở nữ giới. Lý giải về nguyên nhân gây ra chứng say xe, các chuyên gia y tế cho biết sự xung đột về thông tin cảm giác trong quá trình tàu xe di chuyển khiến não bộ không thể xử lý mâu thuẫn này. Cụ thể, hai bộ phận mắt và tai sẽ gửi những tín hiệu trái ngược nhau đến não. Mắt nhìn thấy cảnh vật di chuyển, nhưng tai lại cảm nhận chuyển động theo hướng khác, và cơ thể cảm nhận sự rung lắc.
Một nguyên nhân khác được nhận định do hệ thống tiền đình nhạy cảm. Những đối tượng này dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chuyển động, dẫn đến say tàu xe. Các yếu tố khác góp phần thúc đẩy tình trạng say xe diễn ra là tình trạng sức khỏe kém, phụ nữ đang mang thai, phương tiện di chuyển và tình trạng mặt đường gồ ghề.
Để việc quá trình di chuyển thoải mái hơn, nhiều người đã sử dụng thuốc chống say xe. Tuy nhiên, các loại thuốc này không thể điều trị dứt điểm chứng say xe, mà chỉ có tác dụng cải thiện tình trạng này nhất thời.
2. Lời khuyên khi sử dụng thuốc chống say xe
2.1. Thuốc chống say xe cho hiệu quả tức thì
Có nhiều loại thuốc chống say tàu xe khác nhau, bao gồm không kê đơn và kê đơn. Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến:
– Thuốc kháng histamin phổ biến trên thị trường là Dimenhydrinate, Diphenhydramine, Meclizine,… Bên cạnh tác dụng chống dị ứng thì loại thuốc này còn được sử dụng để ngăn ngừa các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh do say tàu xe. Các loại thuốc này được điều chế dạng viên và sử dụng đường uống. Tác dụng phụ có thể gặp phải sau khi uống các loại thuốc này là buồn ngủ, khô miệng, mờ mắt. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì những tác dụng phụ này sẽ biến mất ngay sau khi thuốc hết tác dụng.
– Thuốc kháng đối giao cảm (Scopolamine) có dạng miếng dán nhỏ gọn, được đặt sau tai. Các hoạt chất có trong miếng dán sẽ thẩm thấu vào máu qua da và tác động toàn thân nhằm giảm thiểu triệu chứng say xe. Thuốc này có tác dụng lên tới 72 giờ đồng hồ nên không cần sử dụng nhiều lần như những loại thuốc uống trên. Nếu sử dụng thuốc quá liều hoặc trong thời gian dài thì sẽ xuất hiên tác dụng phụ không mong muốn như buồn ngủ, tăng nhịp tim, tăng nhãn áp, khô miệng, giảm nhu động tiêu hóa.
Lưu ý rằng, miếng dán Scopolamine được chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ em dưới 10 tuổi, người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phì đại tiền liệt tuyến, tắc nghẽn tiêu hóa,… Để biết đâu là loại thuốc phù hợp với bạn, hãy chủ động thông báo với bác sĩ/ dược sĩ tình trạng sức khỏe hiện tại và phương tiện di chuyển.
2.2. Lưu ý sau khi sử dụng thuốc chống say xe
Để phát huy tối đa hiệu quả thuốc, đồng thời đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thì người dùng nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
– Điều quan trọng là phải đọc kỹ nhãn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc chống say tàu xe nào. Tuyệt đối không sử dụng thuốc đã hết hạn và cần bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa tầm tay trẻ em.
– Mỗi loại thuốc sẽ quy định thời gian và liều lượng sử dụng khác nhau. Trong đó, liều lượng sử dụng có thể phụ thuộc vào các yếu tố độ tuổi, phương tiện di chuyển, khoảng thời gian đi lại. Bạn cũng nên lưu ý thời gian sử dụng thuốc trước khi di chuyển để thuốc có hiệu quả như ý.
– Thuốc chống say xe có thể gây buồn ngủ và ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bạn. Do đó, bạn không nên lái xe hoặc vận hành máy móc sau khi sử dụng thuốc.
– Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống say tàu xe.
– Không uống rượu khi uống thuốc chống say tàu xe, tránh nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ có hại.
– Đối với các loại thuốc kê đơn, việc sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt không tự ý tăng liều hay sử dụng trong thời gian dài. Trong quá trình sử dụng, nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào thì hãy ngưng sử dụng và báo với bác sĩ/ dược sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
– Cần thận trọng khi sử dụng kết hợp thuốc say xe với các loại thuốc đang dùng để điều trị bệnh lý mạn tính. Thông báo trước với bác sĩ về tình trạng sức khỏe và đơn thuốc đang dùng để chọn được loại thuốc trị say xe phù hợp.
3. Một số thuốc chống say xe
Bên cạnh các loại thuốc trên, có một số mẹo giúp giảm tình trạng say tàu xe mà bạn có thể áp dụng trong trường hợp không thể sử dụng thuốc say xe:
– Ngồi ở ghế trước của xe hoặc tàu.
– Nhìn ra ngoài cửa sổ và tập trung vào một vật cố định ở xa.
– Tránh đọc sách hoặc nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính trong quá trình di chuyển.
– Ăn các bữa ăn nhẹ, dễ tiêu hóa.
– Tránh uống rượu và đồ uống có cồn trong khi đi xe, thay vào đó bạn nên uống nước lọc.
Nếu bạn bị say tàu xe nghiêm trọng thì lời khuyên tốt nhất là hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Mọi thắc mắc về tình trạng sức khỏe, vui lòng liên hệ với bệnh viện để được giải đáp kịp thời!