Xơ gan là bệnh lý gan mật vô cùng nguy hiểm và đang có xu hướng gia tăng. Nếu bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng, chức năng gan suy giảm nghiêm trọng và dễ gây ra nhiều biến chứng phức tạp. Cùng đọc bài viết sau đây để hiểu hơn về bệnh và các hội chứng trong xơ gan.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu các hội chứng trong xơ gan
Các hội chứng trong xơ gan phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh rất mơ hồ, lâu lâu mới xuất hiện. Do đó người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc bỏ qua. Khi bệnh ở giai đoạn nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
1.1. Các hội chứng trong xơ gan giai đoạn đầu
Khi mới mắc bệnh, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:
– Cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng, yếu sức
– Chán ăn, không có cảm giác ngon miệng, không thèm ăn
– Buồn nôn
– Sốt nhẹ
– Giảm cân (dù vẫn ăn uống đầy đủ, không có chủ đích)
1.2. Các hội chứng trong xơ gan giai đoạn nặng
Khi triệu chứng nặng nề hơn, xuất hiện nhiều hơn, chứng tỏ bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng:
– Vàng da, vàng mắt
– Ngứa da, da sạm, xỉn màu
– Da dễ bị bầm tím, chảy máu
– Bàn tay son
– Xuất hiện nhiều nốt giãn mạch đỏ trên da (nốt sao mạch)
– Sưng ở cẳng chân, bàn chân, mắt cá chân
– Cổ trướng
– Nước tiểu có màu sẫm
– Đi ngoài ra máu, có lúc phân màu nhạt
– Lú lẫn, suy giảm trí nhớ, thay đổi tính cách
– Giảm ham muốn tình dục
2. Nguyên nhân dẫn đến xơ gan
Nguyên nhân gây ra bệnh rất đa dạng, trong đó 2 nguyên nhân phổ biến nhất là do viêm gan virus và thói quen lạm dụng bia rượu.
2.1. Viêm gan virus
Viêm gan virus mãn tính là nguyên nhân gây xơ gan cao nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, viêm gan B và C có thể biến chứng thành xơ gan, ung thư gan. Hiện tại, tỷ lệ người mắc viêm gan B và C ở Việt Nam ở mức cao. Có khoảng 10 triệu người mắc viêm gan B và 1 triệu trường hợp mắc viêm gan C.
2.2. Lạm dụng rượu bia
Lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan trong đó có xơ gan. Khi đưa vào cơ thể, rượu làm tổn hại các tế bào gan từ từ. Ban đầu, rượu có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, sau đó là viêm gan mạn tính và xơ gan là biến chứng cuối cùng.
Nếu đã bị xơ gan mà người bệnh vẫn tiếp tục uống bia rượu, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển thành xơ gan mất bù.
2.3. Các nhóm nguyên nhân gây xơ gan khác
– Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu bia
Là dạng viêm gan liên quan đến việc thừa cân, béo phì, gan nhiễm mỡ, tiểu đường type 2.
– Viêm gan tự miễn
Tình trạng mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô gan khỏe mạnh và làm gan tổn thương.
– Lạm dụng thuốc (thuốc kê đơn và không kê đơn)
Acetaminophen, thuốc kháng sinh và một số thuốc chống trầm cảm có thể là nguyên nhân gây xơ gan.
– Xơ gan do ký sinh trùng
Amíp, ký sinh trùng sốt rét, sán lá gan những ký sinh thường gặp gây nên các tổn thương tế bào gan và gây ra xơ gan.
Một số tình trạng di truyền sau đây cũng có thể gây xơ gan
– Bệnh Wilson
– Thiếu alpha-1 antitrypsin và hemochromatosis
– Hội chứng Alagille
– Bệnh về dự trữ glycogen
Xơ gan do các bệnh làm tổn thương, tắc nghẽn ống dẫn mật trong gan
– Viêm đường mật
– Tắc ống mật
– Ung thư đường mật
Xơ gan do ứ đọng máu kéo dài
– Bệnh suy tim
– Viêm tắc tĩnh mạch trên gan
3. Phương pháp điều trị bệnh xơ gan được áp dụng phổ biến hiện nay
Điều trị bệnh xơ gan bao gồm: điều trị nguyên nhân, ngăn ngừa biến chứng và phẫu thuật.
3.1. Nhóm 1 – Điều trị nguyên nhân gây xơ gan
Bệnh xơ gan nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực có thể hồi phục hoàn toàn. Việc điều trị xơ gan ở giai đoạn đầu tập trung chủ yếu vào nguyên nhân, giảm tối đa tổn thương ở gan. Các biện pháp cho giai đoạn đầu thường là:
– Sử dụng thuốc để kiểm soát viêm gan B, C.
– Bỏ rượu, đồ uống có cồn, thuốc lá, chất kích thích.
– Giảm cân
– Sử dụng thuốc kiểm soát các triệu chứng của xơ gan
3.2. Nhóm 2 – Điều trị các biến chứng của xơ gan
Trong trường hợp bệnh đã tiến triển thành xơ gan mất bù, mục tiêu kiểm soát biến chứng được đặt lên hàng đầu. Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân, mức độ ảnh hưởng và nghiêm trọng của biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
Để xác định đúng tình trạng biến chứng, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như:
– Xét nghiệm chức năng gan
– Siêu âm gan
– Nội soi đường tiêu hóa
– Chụp CT
– Chụp MRI
Nếu cơ thể đã xuất hiện biến chứng, việc thăm khám sức khỏe định kỳ và nghiêm túc điều trị theo phác đồ là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, lối sống khoa học, chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp làm giảm mức độ của biến chứng, nâng cao chất lượng sống.
3.3. Phẫu thuật ghép gan
Ghép gan là phương pháp phẫu thuật thay thế lá gan tổn thương bằng lá gan khỏe mạnh. Ghép gan là cuộc phẫu thuật lớn, phức tạp do đó không phải ai cũng đủ điều kiện ghép gan.
4. Các phương pháp phòng ngừa xơ gan
Bệnh xơ gan là bệnh lý nguy hiểm nhưng rất dễ phòng tránh bằng cách sinh hoạt lành mạnh, tạo thói quen tốt trong sinh hoạt và chủ động phòng tránh yếu tố gây xơ gan, cụ thể là:
– Hạn chế sử dụng rượu bia
Kiểm soát lượng rượu bia tiêu thụ, tần suất sử dụng phù hợp để không gây hại cho gan và sức khỏe. Trong trường hợp đã mắc các bệnh về gan, người bệnh cần bỏ rượu bia hoàn toàn.
– Chế độ dinh dưỡng cân bằng, phù hợp gan
Nên bổ sung rau, củ, trái cây tươi để tăng cường nạp chất xơ, vitamin cho cơ thể. Thực phẩm giàu protein, ngũ cốc nguyên hạt cũng phù hợp với bệnh nhân xơ gan. Hạn chế ăn các món nhiều chất béo, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
– Kiểm tra sức khỏe gan, sức khỏe tổng quát định kỳ
– Bỏ thuốc lá
– Tránh các hành vi nguy cơ cao làm lây nhiễm virus viêm gan B, C ví dụ: tiêm chích ma túy, dùng chung đồ cá nhân, quan hệ tình dục không an toàn.
– Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan đúng chu kỳ
– Tiêm phòng cúm hàng năm
– Sử dụng thuốc theo đơn, liều lượng bác sĩ kê cho. Lạm dụng thuốc, sử dụng sai thuốc sẽ làm gan bị tổn thương.