Các cách điều trị sỏi bàng quang hiệu quả nhất hiện nay

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi bàng quang nếu không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp có thể gây nên biến chứng nguy hiểm. Do đó, ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh, người bệnh cần tìm ngay đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị. Đặc biệt, người bệnh cũng cần nắm được một số phương pháp điều trị để quá trình chữa bệnh hiệu quả nhất. Dưới đây là các cách điều trị sỏi bàng quang hiệu quả nhất hiện nay, người đọc có thể tham khảo.

1. Khái quát chung về bệnh sỏi bàng quang

1.1 Sỏi bàng quang là gì?

Khi tiểu tiện mà không tiểu hết nước tiểu ra ngoài, các khoáng chất tồn đọng trong nước tiểu sẽ kết tinh lại với nhau tạo thành từng mảng khoáng chất còn được gọi là sỏi. Tình trạng có sỏi trong bàng quang được gọi là sỏi bàng quang.

Sỏi bàng quang thường có hình tròn, bên ngoài xù xì, có thể đạt tới kích thước cực lớn(trường hợp lớn nhất được ghi nhận là 25cm). Đây là căn bệnh chiếm 26% tổng số ca bệnh đường tiết niệu và phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới. 

Sỏi có thể hình thành trực tiếp tại bàng quang hoặc cũng có thể do sỏi ở hệ tiết niệu(thận, niệu quản) rơi xuống. Khi sỏi rơi xuống bàng quang, trường hợp sỏi nhỏ, có thể tự trôi ra ngoài theo đường tiểu nhưng trường hợp các viên sỏi lớn hơn, chúng nằm tại bàng quang, lâu ngày sẽ ngày càng phát triển về kích cỡ do tích tụ thêm nhiều cặn sỏi.

1.2 Triệu chứng của sỏi tại bàng quang

Có nhiều trường hợp, trong bàng quang của bệnh nhân chỉ có một viên nhưng cũng có nhiều trường hợp có nhiều loại sỏi cùng “trú ngụ” tại đây, cả hai trường hợp đều có những biểu hiện tương tự:

– Đi tiểu ra máu, tiểu rắt, tiểu ngắt quãng, đi tiểu nhiều lần trong ngày đặc biệt là vào ban đêm;

– Nước tiểu lẫn máu, có váng hoặc có màu vẩn đục nhẹ;

– Đau lưng, đau bụng dưới;

– Sốt nhẹ trong trường hợp bị nhiễm khuẩn;

– Riêng đối với nam giới, trường hợp sỏi lớn sẽ bị đau dương vật.

Điều trị sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang là bệnh lý thường gặp.

1.3 Sỏi bàng quang nguy hiểm thế nào?

Bệnh sỏi bàng quang nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm khó lường như: 

– Rối loạn chức năng bàng quang;

– Viêm bàng quang cấp và mạn tính;

– Nhiễm trùng đường tiểu;

– Ung thư bàng quang;

– Viêm thận và suy thận.

2. Cách điều trị sỏi bàng quang hiệu quả nhất hiện nay

2.1 Tại sao nên điều trị sỏi bàng quang sớm?

Sỏi bàng quang nếu không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp có thể gây nên biến chứng nguy hiểm. Tình trạng sỏi trở nên nghiêm trọng khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí, đặc biệt gây ra nhiều nguy cơ khác cho người bệnh.

Đồng thời, việc xử lý sỏi trong bàng quang sớm giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng, khó chịu, đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. 

2.2 Thực hiện thăm khám để nắm rõ tình trạng bệnh

Để nắm bắt được tình trạng của bệnh gồm: kích thước, số lượng, vị trí… của viên sỏi; trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm sau:

– Khám ổ bụng: xác định vị trí ở bàng quang hay trên tuyến tiền liệt.

– Tổng phân tích nước tiểu: nắm được cụ thể được các vi khuẩn, khoáng chất có trong nước tiểu.

– Chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính: xem xét tình trạng các bộ phận nội tạng khác bằng hình ảnh.

– Siêu âm bàng quang: nắm bắt tình trạng sỏi trong bàng quang.

2.3 Các phương pháp điều trị sỏi bàng quang hiệu quả nhất hiện nay

Điều trị sỏi bàng quang nội khoa

Điều trị nội khoa sỏi bàng quang hay điều trị bằng thuốc là phương pháp áp dụng khi sỏi còn nhỏ(dưới 10mm). Với phương pháp này, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc kết hợp với sinh hoạt lành mạnh, điều độ để đào thải sỏi ra ngoài cơ thể thông qua đường tiểu. 

– Một số loại thuốc thường dùng để điều trị như: Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc tiêu sỏi, thuốc giãn cơ trơn…

– Chế độ sinh hoạt điều độ để góp phần tích cực “đẩy lùi” sỏi như: uống thật nhiều nước, rèn luyện thể dục thể thao, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất độc hại…

Chế độ sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tật, trong đó có điều trị sỏi bàng quang

Chế độ sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tật, trong đó có sỏi bàng quang.

Điều trị sỏi bàng quang ngoại khoa

Nếu kích thước sỏi lớn hoặc có nhiều loại sỏi trong bàng quang, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể. Hiện nay, có một phương pháp công nghệ cao được áp dụng rộng rãi để loại bỏ sỏi bàng quang – Phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng. Phương pháp này được thực hiện theo quy trình như sau:

– Đầu tiên, người bệnh sẽ được đặt nằm theo tư thế sản khoa, tiến hành gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống.

– Tiếp theo, bác sĩ thao tác đặt ống nội soi theo đường tự nhiên để tiếp cận vị trí của viên sỏi.

– Khi đã nắm bắt được vị trí chính xác, năng lượng laser sẽ giúp phá vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh nhỏ. Mảnh sỏi to sẽ được gắp ra, mảnh sỏi nhỏ sẽ theo đường nước tiểu trôi ra ngoài khi người bệnh đi tiểu. 

– Cuối cùng, bác sĩ sẽ đặt một sonde JJ từ thận qua niệu quản xuống bàng quang, đặt xông tiểu. Khi tái khám, sonde JJ sẽ được lấy ra ngoài.

Nhờ vào công nghệ cao, phương pháp này ít xâm lấn, không chảy máu. Bệnh nhân ít đau đớn trong quá trình thực hiện và phục hồi nhanh chóng chỉ sau 2 – 3 ngày phẫu thuật. Đồng thời, vì không mổ nên tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser không có ảnh hưởng đến chức năng của bàng quang, hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng mà vẫn đảm bảo loại bỏ sạch sỏi ra khỏi cơ thể. 

Tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng là phương pháp điều trị sỏi bàng quang hiệu quả

Phương pháp tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng điều trị sỏi bàng quang hiệu quả với nhiều ưu điểm

Cuối cùng, đối với những dạng sỏi quá lớn(trên 25mm) và có kết cấu phức tạp; trường hợp không tán sỏi được, người bệnh cần phẫu thuật mở bàng quang để lấy sỏi.

Trên đây là các phương pháp điều trị sỏi bàng quang hiệu quả nhất hiện nay. Mong rằng qua bài viết, người đọc sẽ nắm được những thông tin tổng quát nhất về bệnh sỏi bàng quang và phương pháp để điều trị bệnh. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường trên cơ thể nghi sỏi bàng quang, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh và điều trị sớm nhất có thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital