Các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh xuất hiện sớm nhất là sau khi trẻ được vài ngày tuổi, do làn da nhạy cảm của trẻ bắt đầu tập thích nghi với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Hầu hết các bệnh ngoài da này thường vô hại và sẽ tự mất đi sau một thời gian. Tuy nhiên tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để kiểm tra chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Sau đây là thông tin khái quát về các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh:
Menu xem nhanh:
Mụn sữa (milia)
Mụn sữa là những nốt nhỏ li ti màu trắng ở trên trán, mặt, tay, chân của trẻ. Mụn sữa thường xuất hiện khoảng 1 tuần sau sinh và sẽ tự động khỏi trong vài tuần mà không cần điều trị.
Phát ban đỏ
Khoảng 2 – 3 ngày sau khi chào đời, da của trẻ có thể xuất hiện những mảng ban, còn được gọi là phát ban đỏ. Cha mẹ cũng không cần quá lo lắng vì những nốt ban này sẽ tự biến mất trong vòng một thời gian ngắn và không cần điều trị.
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh nghe rất lạ nhưng thực tế đây là một trong các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh. Mụn thường xuất hiện ở má và đôi lúc là ở trên trán, cằm hoặc thậm chí là vùng lưng của bé. Để hạn chế sự phát triển của mụn, mẹ nên rửa mặt cho bé bằng nước và sử dụng xà bông dành riêng cho bé. Tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc trị mụn mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Nhìn chung mụn sẽ mất dần sau vài tuần nhưng nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 tháng, nên đưa trẻ đi khám.
Viêm da tiết bã (Cradle cap)
Viêm da tiết bã là một rối loạn da phổ biến chủ yếu ảnh hưởng tới da đầu, gây ra vảy, ngứa, da đỏ và gàu. Đối với trẻ sơ sinh, viêm da tiết bã của da đầu được biết đến như cradle cap (dân gian hay gọi “chứng cứt trâu”), thường xuất hiện khi trẻ được 1 – 2 tháng tuổi. Biểu hiện thường thấy nhất là nhiều vẩy nhờn, dính, tập trung đỉnh đầu, có thể tạo thành lớp dày, lan tỏa khắp da đầu giống như chiếc mũ. Vị trí thường gặp thứ hai là viêm da vùng tả lót, thường biểu hiện đỏ da nhiều hơn là có vảy.Ngoài ra, tình trạng đó có thể gặp ở mặt, vùng nếp gấp (vùng sau tai, vùng nách, vùng bẹn). Hiện tượng này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chỉ khi vùng da bị ảnh hưởng phát ban do nhiễm trùng thì nên đưa trẻ đi khám, bởi vì có thể trẻ bị viêm nhiễm hoặc chàm bã nhờn.
Chàm Eczema
Chàm Eczema cũng là một trong các bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng viêm da mạn tính và nó sẽ làm cho da bị đỏ, khô, nghiêm trọng hơn là chảy nước, chảy máu, bong vẩy và ngứa. Chàm Eczema ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện trên ngực, cánh tay, chân, mặt, khuỷu tay và phía sau đầu gối. Nguyên nhân là do da khô, da nhạy cảm và đôi khi bị dị ứng. Nói chung việc điều trị chàm Eczema bao gồm:
– Sử dụng các loại xà bông dành riêng cho trẻ.
– Sử dụng kem dưỡng ẩm da
– Sử dụng thuốc mỡ hay kem steroid tại chỗ trong một thời gian ngắn khi bệnh đã tiến triển nặng hơn.
– Nếu bệnh chàm Eczema đã bị viêm nhiễm, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc kháng sinh đường uống và thoa khác.
Nổi rôm sảy
Rôm rảy là những hạt nhỏ màu hồng, hơi cứng, đôi khi có nước, thường gặp ở mùa nắng nóng khi trẻ ra mồ hôi nhiều. Lưng, ngực, bắp tay, chân là những vị trí nổi rôm sảy phổ biến nhất. Việc điều trị rôm sảy ở trẻ sơ sinh thường là cho trẻ mặc trang phục mỏng, nhẹ, hút mồ hôi tốt. Vào ngày nắng nóng cho trẻ tự do nằm hoặc chơi ở căn phòng mát, không nên ôm ấp trẻ quá nhiều. Tránh làm trầy xước các vết rôm rảy dễ gây nhiễm trùng da.