Menu xem nhanh:
Một số rau củ quả tốt cho người sỏi thận
Rau củ giàu vitamin A
Thực phẩm giàu vitamin A như bí ngô, cải xoăn, rau cải… có tác dụng chống lại sự hình thành sỏi thận nhờ khả năng góp phần điều hòa hệ thống bài tiết nước tiểu.
Thực phẩm có chứa vitamin B6
Cà rốt, súp lơ, lạc, đậu nành… là thực phẩm chứa vitamin B6 có tác dụng làm giảm lượng oxalat, hỗ trợ ngăn ngừa kết tủa sỏi oxalat trong nước tiểu.
Thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan
Chất xơ không hòa tan có trong gạo, lúa mạch, lúa mì… giúp hấp thu lượng canxi trong nước tiểu. Hơn nữa, nó sẽ kết hợp với canxi trong ruột để bài tiết qua phân, hạn chế bài tiết qua nước tiểu.
Trái cây giàu citrate tự nhiên
Các trái cây cam, chanh, quýt, bưởi… chứa lượng lớn citrate có khả năng kiềm hóa nước tiểu, từ đó ngăn ngừa sỏi thận hình thành. Do vậy cần chú ý bổ sung phù hợp các loại trái cây này trong các bữa ăn hàng ngày.
Một số lưu ý để phòng ngừa và điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu hiệu quả
Người bệnh cần thăm khám sức khỏe thường xuyên (6 tháng/lần) để có thể phát hiện và điều trị sỏi ngay từ sớm, tránh để tình trạng bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn. Sau điều trị để đạt hiệu quả sạch sỏi tốt nhất và phòng ngừa bệnh tái phát, ngoài việc bổ sung các loại rau, củ, quả phù hợp thì người bệnh cần lưu ý những điều sau:
Uống đủ nước
Mỗi ngày nên uống 2-3 lít nước, tốt nhất nên uống nước lọc, tránh nước có gas, đồ uống có đường hoặc muối. Uống đủ nước sẽ giúp bài tiết nước tiểu tốt tránh sự lắng đọng các chất tạo sỏi cũng như có thể “tống xuất” những viên sỏi nhỏ ra ngoài theo đường tiểu.
Cần uống đủ và phân chia đều lượng nước uống đều trong cả ngày để giảm độ cô đặc nước tiểu. Tùy theo thời tiết, các hoạt động cá nhân, trọng lượng cơ thể mà có thể uống nhiều hoặc ít hơn 2-3 lít nước, để biết mình đã uống đủ nước chưa, bạn có thể quan sát màu sắc nước tiểu, nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc trong, báo hiệu bạn đã cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần.
Thức ăn đa dạng, cân bằng
Thức ăn cần được phân đều ở các bữa ăn trong ngày nhằm đảm bảo dinh dưỡng mà không làm tăng đậm nồng độ nước tiểu gây sỏi. Cần cân đối giữa các thức ăn: sữa, các sản phẩm từ thịt, cá, trứng, tinh bột, rau xanh, hoa quả, chất béo, tránh ăn quá mặn… là giải pháp tối ưu để hạn chế sự tích tụ các chất tạo sỏi thận, sỏi tiết niệu.
Sử dụng các loại thuốc và bổ sung chất phù hợp
Việc tự ý bổ sung thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc uống sai liều lượng sẽ khiến cơ thể không hấp thu được thành phần của thuốc, dẫn tới lắng cặn các chất này ở thận gây sỏi.
Luyện tập thể dục thường xuyên
Rèn luyện sức khỏe hàng ngày bằng các hoạt động thể thao nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, yoga, bóng bàn, đạp xe… không chỉ giúp thận bài tiết tốt hơn, dễ dàng đào thải các tinh thể có trong nước tiểu, mà còn giúp tăng cường sức đề kháng và độ dẻo dai của xương khớp.
Tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và xây dựng cho mình chế độ ăn uống khoa học để có thể loại sạch sỏi và tránh tái phát trở lại.