Trong số các bệnh do nấm gây ra ở đường sinh dục thì nấm Candida là thường hay gặp nhất với những biểu hiện vô cùng khó chịu như ngứa ngáy, âm đạo tiết dịch vón cục. Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, nhiễm nấm Candida còn có thể kéo theo nhiều bệnh lý khác. Làm sao để xác định đúng bệnh, nhiễm nấm Candida có chữa được không, nguyên nhân gây bệnh là gì có lẽ là những thắc mắc nhiều nhất của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo do nấm Candida
Bệnh lý viêm âm đạo do nấm rất thường gặp ở phái nữ, chỉ đứng sau nguyên nhân gây viêm âm đạo do vi khuẩn. Theo thống kê, có tới 50%, thậm chí 80% chị em bị viêm âm đạo do nấm ít nhất 1 lần trong đời. Trong đó phần lớn là bị nhiễm nấm men Candida albicans. Candida là loại nấm phổ biến sống ở khắp mọi nơi và trên cơ thể người loại nấm này thường xuất hiện ở vùng miệng, vùng kín, đường tiêu hóa.
Bình thường nấm Candida sẽ chung sống hòa bình với các vi sinh vật khác trên cơ thể mà không gây hại gì. Nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát triển mạnh và gây nên nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có viêm âm đạo.
Khi nhiễm nấm Candida, chị em sẽ có 2 triệu chứng nổi bật nhất là là rất ngứa ở vùng kín và ra nhiều khí hư. Tình trạng ngứa ngáy ở vùng kín khiến cho chị em vô cùng khó chịu, đôi khi gãi gây trầy xước dẫn tới bội nhiễm tại chỗ. Còn khí hư thường có màu trắng, vón cục. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thêm các biểu hiện khác như là cảm giác bỏng rát ở âm đạo, đau rát khi quan hệ tình dục, đi tiểu khó. Ở những trường hợp nặng còn có thể gây đỏ, phù nề ở âm hộ, sưng môi lớn, môi nhỏ, đôi khi lan ra cả đùi và bẹn.
2. Các nguyên nhân gây viêm âm đạo do nấm Candida
Có nhiều nguyên nhân gây viêm âm đạo do nấm men Candida, trong đó phải kể đến:
– Sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh đã làm mất cân bằng nội môi cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm men phát triển.
– Sự thay đổi hormone như khi đang mang thai, cho con bú, mãn kinh hoặc dùng thuốc tránh thai có estrogen sẽ làm thay đổi sự cân bằng của môi trường âm đạo, thay đổi độ pH, từ đó tạo điều kiện cho nấm Candida “hoành hành”.
– Bệnh tiểu đường: sự gia tăng lượng đường trong máu cũng sẽ làm thay đổi môi trường âm đạo dẫn tới nấm men phát triển mạnh.
– Thụt rửa âm đạo thường xuyên: đây là một thói quen không tốt chị em nên lưu ý. Việc thụt rửa sâu âm đạo hàng ngày sẽ làm mất cân bằng pH âm đạo, tạo ra một nơi cho nấm Candida thuận lợi phát triển.
– Hệ thống miễn dịch suy giảm như bị ung thư, HIV hoặc các rối loạn khác ở hệ miễn dịch cũng sẽ khiến nấm men phát triển không kiểm soát.
– Thói quen mặc quần áo quá chật, mặc quần lót bằng vải nilon không thoáng khí, đồ lót ẩm ướt, không thay đồ lót thường xuyên cũng sẽ tạo điều kiện cho nấm men phát triển.
– Quan hệ tình dục không an toàn với người mang bệnh, dùng chung đồ lót với người có bệnh cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới viêm âm đạo do nấm men.
3. Nghi ngờ nhiễm nấm Candida cần làm gì?
Nếu chị em đang có một hoặc nhiều dấu hiệu kể trên thì hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị sớm. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân như xét nghiệm soi tươi dịch âm đạo, nhuộm soi dịch âm đạo. Cách thức lấy dịch rất đơn giản và cũng không hề gây khó chịu cho chị em:
– Đầu tiên, bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt để mở rộng âm đạo.
– Tiếp theo dùng que tăm bông lấy dịch ở âm đạo và phết ra lam kính hoặc để nguyên cả que tăm bông chuyển tới phòng xét nghiệm.
– Tại phòng thí nghiệm, kỹ thuật viên sẽ nhuộm Gram để phát hiện nấm. Sau khoảng hơn 1 tiếng sẽ có kết quả.
Nếu kết quả cho thấy chị em bị nhiễm nấm Candida, bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng giai đoạn bệnh.
4. Viêm âm đạo do nấm Candida có chữa được không?
Nhiễm nấm Candida có chữa được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào phác đồ điều trị bệnh, cơ địa và sự phối hợp của người bệnh. Thông thường, khi xác định bị nhiễm nấm Candida, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc uống toàn thân kết hợp với thuốc đặt âm đạo, đồng thời được hướng dẫn vệ sinh vùng kín đúng cách.
Sau một đợt điều trị khoảng 7 ngày, người bệnh cần tái khám để đánh giá lại sự tiến triển của việc điều trị. Với phác đồ phù hợp bệnh sẽ nhanh trong bị loại bỏ hoàn toàn, tình trạng viêm nhiễm cũng hết. Tuy nhiên thực tế nhiều chị em khi điều trị nấm men Candida thấy các triệu chứng thuyên giảm là không dùng thuốc đúng giờ, đúng liều hoặc bỏ không điều trị nữa. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi khi bệnh không được chữa trị triệt để, tình trạng viêm âm đạo do nấm men tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn tới nhờn thuốc. Từ đó việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp, kéo dài thời gian hơn trước gấp nhiều lần.
Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp bị tái phát nhiều lần do các nguyên nhân như bệnh tiểu đường, sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài, thuốc estrogen hay thuốc tránh thai… khiến cơ thể suy giảm sức đề kháng. Vì thế để chữa khỏi triệt để người bệnh cần sử dụng thêm thuốc tăng đề kháng và dừng các loại thuốc gây ảnh hưởng.
Để tăng hiệu quả điều trị bệnh, chị em cũng cần lưu ý:
– Có chế độ dinh dưỡng cân bằng: bổ sung thêm các loại rau xanh, hoa quả, sữa chua chó chứa lợi khuẩn probiotic, tránh xa các loại thực phẩm nhiều đường, đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh, các loại rượu bia, nước ngọt…
– Vệ sinh vùng kín đúng cách, sử dụng sản phẩm vệ sinh phù hợp, không thụt rửa âm đạo, vệ sinh vùng kín sạch sẽ trong những ngày có kinh nguyệt, trước và sau khi quan hệ tình dục.
– Chỉ quan hệ tình dục với 1 bạn tình, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ.
– Không mặc chung đồ lót, hạn chế mặc đồ bó sát, sử dụng quần lót bằng chất liệu thoáng mát để hạn chế nhiễm nấm.
Như vậy qua chia sẻ trên, chị em đã có thể giải đáp được câu hỏi “viêm âm đạo do nấm Candida có chữa được không“. Bệnh chữa được tuy nhiên người bệnh cần kiên trì thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ. Đặc biệt khi phát hiện dấu hiệu của bệnh thì cần thăm khám và điều trị sớm thì bệnh sẽ sớm được chữa khỏi hoàn toàn, tránh tái phát về sau.