Bệnh viện kín giường bởi sốt xuất huyết và kiến thức phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Thị Hằng

Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Sốt xuất huyết được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra thông qua vết muỗi vằn Aedes đốt. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng dễ bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là từ tháng 6 đến 11 hàng năm. Thời điểm hiện tại số lượng người mắc bệnh sốt xuất huyết cũng đang gia tăng, nhiều bệnh viện đã kín giường bởi sốt xuất huyết. Trước tình trạng này, người dân nên chủ động trang bị các kiến thức phòng bệnh để hạn chế nguy cơ mắc sốt xuất huyết, bảo vệ cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Menu xem nhanh:

1. Tình hình sốt xuất huyết ở Hà Nội thời điểm hiện tại

Theo thống kê từ Bộ Y Tế, từ đầu năm cho tới nay, nước ta đã ghi nhận gần 82 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 23 ca bệnh đã tử vong. Hà Nội đang là tâm điểm của dịch sốt huyết bùng phát với số ca mắc mới gia tăng ở mức cao được ghi nhận là 2.010 ca mắc/ tuần (từ 8-15/9). Số ca mắc mới này đã tăng gấp đôi so với tuần cuối cùng của tháng 8/2023.

Ngoài ra, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến hiện tại, Hà Nội ghi nhận hơn 10.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. Số lượng người bệnh mắc mới so với cùng kỳ năm 2022 tăng gấp 4 lần, số ca tử vong tương đương.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết, với số ca mắc bệnh không ngừng gia tăng. Theo đó, nhiều bệnh viện đã kín giường bởi sốt xuất huyết, số lượng bệnh nhân chuyển nặng cũng đang tăng lên.

Vậy nên chủ động phòng bệnh, diệt muỗi – tác nhân hay vật trung gian lây truyền virus Dengue từ người sang người thông qua quá trình hút máu là giải pháp tổng thể để phòng tránh dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, chủ động tiêm vắc xin ngừa sốt xuất huyết là biện pháp hiệu quả để bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch này.

Cập nhật mới năm 2024: Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết với hiệu quả bảo vệ lên tới 6 năm. Vắc xin đã có tại Phòng tiêm chủng Hệ thống Y tế Thu Cúc 216 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Bệnh sốt xuất huyết và kiến thức phòng tránh

Nếu gặp triệu chứng sốt cao lên đến 40 độ C, đi kèm với các triệu chứng như đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, phát ban, nổi hạch, buồn nôn… thì có thể bạn đã mắc sốt xuất huyết Dengue. Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà mà chưa thực hiện thăm khám, xét nghiệm kiểm tra và có hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ.

2. Những kiến thức cơ bản trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết

2.1 Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, tránh lây nhiễm chéo, gia tăng bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue lây truyền thông qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes. Muỗi hút máu người mắc sốt xuất huyết sẽ trở thành muỗi nhiễm bệnh, mang mầm bệnh và đưa mầm bệnh tới người khỏe mạnh thông qua vết đốt trong suốt quãng đời còn lại chúng.

Ngoài ra, mùa mưa là thời gian sinh sản và phát triển mạnh mẽ của muỗi vằn. Do đó, ngăn chặn sự sinh sản của muỗi là một trong những cách phòng bệnh sốt xuất huyết bùng phát hiệu quả.

– Dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, môi trường xung quanh thường xuyên bằng cách: Loại bỏ tất cả những vật dụng có thể chứa nước, đọng nước như chai lọ, lon nước, xô, thùng chậu hỏng, lốp xe, chum, vại, bình hóa…

– Người dân nên chủ động xây dựng ý thức phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi ra môi trường xung quanh, tạo điều kiện cho côn trùng và muỗi sinh sống.

– Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong các chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi.

– Lật úp các dụng cụ chứa nước hoặc có thể chứa nước không dùng đến tránh tình trạng đọng nước lâu ngày. Đậy kín và chủ động vệ sinh cọ rửa thường xuyên các dụng cụ, thiết bị chứa nước ít nhất 1 lần/ tuần.

– Thả cá, mesocyclops vào các dụng cụ chứa nước lớn như bể, giếng… để diệt bọ gậy.

2.2 Diệt muỗi, tránh muỗi đốt truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết

Bên cạnh việc loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, thì bạn cũng nên tiêu diệt muỗi ngay tại nơi sinh sống và làm việc của bạn bằng những cách đơn giản như: Dùng bình xịt diệt muỗi và côn trùng, hương muỗi, nhang muỗi, các thiết bị bắt muỗi, vợt điện diệt muỗi…

Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động phòng tránh muỗi đốt bằng cách:

– Nên nằm ngủ trong màn cả ban đêm và ban ngày

– Lắp đặt rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, cửa chống muỗi

– Nếu trong gia đình bạn có người mắc sốt xuất huyết thì nên để người bệnh nằm trong màn, tránh muỗi đốt lây lan bệnh sang cho người khác.

Bệnh sốt xuất huyết và kiến thức phòng tránh

Chủ động nắm bắt các kiến thức phòng sốt xuất huyết là cách bảo vệ bạn và gia đình khỏi căn bệnh có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm này nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời.

3. Cần làm gì khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết

Khi nhận thấy có các triệu chứng như sốt cao, khó hạ sốt, đi kèm với ít nhất hai biểu hiện là đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, nổi phát ban, nổi hạch, buồn nôn… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Lý do là bởi hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, quá trình điều trị phải được theo dõi sát sao các biểu hiện, các chỉ số trong xét nghiệm công thức máu.

Bệnh sốt xuất huyết và kiến thức phòng tránh

Xét nghiệm máu là phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi diễn biến tình trạng của người mắc sốt xuất huyết Dengue

Những trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ sau thăm khám. Sau khoảng 5-7 ngày sẽ hết sốt và phục hồi sau khoảng 1-2 tuần.

Những trường hợp có biểu hiện nặng có khoảng 5-10% các ca bệnh nặng có biểu hiện sốc phải điều trị kịp thời để tránh nguy cơ tử vong. Những biểu hiện nặng cảnh báo bạn cần phải nhanh chóng đến viện ngay lập tức đó là:

Đau bụng dữ dội, đau tức vùng gan

– Chảy máu niêm mạc: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, rong kinh, có kinh sớm, nôn ra máu, đi ngoài phân lẫn máu, phân đen

– Cơ thể li bì, mệt, yếu sức, vật vỡ, thở nhanh

– Tiểu cầu thấp, máu cô đặc

Những trường hợp này cần phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi có thể chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, theo đó sẽ rất nhanh chóng diễn biến nguy kịch bà thậm chí là tử vong.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital