Đột ngột đau nhức bên trong tai có thể là dấu hiệu bệnh viêm tai giữa cấp tính. Bệnh viêm tai giữa cấp tính chữa trị thế nào là vấn đề nhiều người băn khoăn cần được giải đáp cụ thể. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích bạn đọc nên tham khảo để hiểu rõ hơn về bệnh lý này.
Menu xem nhanh:
Bệnh viêm tai giữa cấp nguyên nhân do đâu?
Viêm tai giữa là tình trạng mà toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm đều bị viêm nhiễm còn bên trong hòm nhĩ có dịch (có thể nhiễm trùng hoặc vô trùng). Bệnh viêm tai giữa cấp có thể gây ra do một số nguyên nhân như sau:
– Viêm nhiễm vùng tai mũi họng bởi vi trùng hoặc siêu vi
– Tắc vòi nhĩ do sùi, u vòm họng hoặc viêm mũi xoang mủ gây ra
– Viêm đường hô hấp ảnh hưởng do thời tiết thay đổi hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm bị.
– Tai bị tổn thương và nhiễm khuẩn do dùng vật cứng nhọn ngoáy tai hay dùng chung dụng cụ vệ sinh tai với người khác.
Nhận biết tình trạng viêm tai giữa cấp như thế nào?
Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhưng không phải tất cả bệnh nhân bị viêm tai giữa đều có sốt mà chỉ có khoảng 66% trẻ bị viêm tai giữa, có thể sốt nhẹ hay cao. Trước khi bị viêm tai giữa, thường có biểu hiện của viêm hô hấp trên như ho, sổ mũi… Đối với trẻ lớn và người lớn thì dễ nhận ra hơn, thường cảm giác đau tai, nghe kém, than phiền cảm giác đầy trong tai, đôi khi ù tai, chóng mặt. Nhưng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, biểu hiện rất nghèo nàn, có khi chỉ là các dấu hiệu kích thích, quấy khóc, bứt rứt, bú kém, đôi khi có mủ chảy ra ngoài mới biết. Trẻ lớn hơn chút nữa thì biểu hiện đau tai bằng cách quấy khóc, lấy tay sờ tai, giật tai…
Chữa bệnh viêm tai giữa cấp tính như thế nào?
Điều trị nội khoa bằng kháng sinh theo đường uống là phương pháp được lựa chọn chủ yếu để chữa trị viêm tai giữa. Dựa trên kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai, bác sĩ sẽ xác định chính xác loại vi khuẩn gây bệnh để lựa chọn loại kháng sinh phù hợp đối với từng trường hợp.
Trung bình, thời gian để điều trị viêm tai giữa ít nhất là 8 ngày, có thể kết hợp cùng thuốc nhỏ tai nếu tai không bị thủng màng nhĩ. Trong trường hợp người bệnh có màng nhĩ bị thủng có thể nhỏ thuốc từ 3-4 ngày đầu để ngăn chặn mủ, tiếp đó rửa tai bằng nước muối sinh lý hoặc oxy già. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về liều dùng và thời gian chữa trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Trường hợp người bệnh điều trị bằng kháng sinh không thấy hiệu quả có thể được bác sĩ tai mũi họng chỉ định đặt ống thông nhĩ, nạo VA hoặc phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm nếu bệnh có dấu hiệu của biến chứng.
Bên cạnh việc điều trị viêm tai giữa cấp ở người lớn, chúng ta cũng cần phòng bệnh bằng cách tăng cường sức khỏe, và giữ vệ sinh môi trường xung quanh luôn sạch sẽ. Nên giữ tai luôn khô sạch, nhất là khi vào mùa bơi lội. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có bệnh, cần giải quyết điều trị sớm để không xảy ra biến chứng đáng tiếc.
Phòng ngừa viêm tai giữa cấp bằng cách nào?
Phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ em
Có nhiều cách để làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng tai:
- Rửa tay và bàn tay trẻ thường xuyên.
- Cách ly các đồ vật không sạch sẽ ra khỏi trẻ mới biết đi hoặc miệng của bé.
- Tránh môi trường khói thuốc hoặc nơi mà người ta thường xuyên hút thuốc.
- Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
- Không nên tiếp tục sử dụng núm vú giả khi bé đã được 1 tuổi.
- Cho con bú sữa mẹ nếu có thể, vì nó có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa.
Cách phòng tránh viêm tai giữa ở người lớn
Đối với người lớn, để phòng bệnh viêm tai giữa cần lưu ý:
- Khi vệ sinh tai cần phải nhẹ nhàng, cẩn thận tránh làm tổn thương niêm mạc tai hoặc thậm chí thủng màng nhĩ gây viêm tai giữa.
- Không để nước bẩn xâm nhập vào tai (chú ý khi gội đầu và khi đi bơi).
- Điều trị triệt để các bệnh lý về mũi họng khác.