Bệnh trĩ chảy máu là căn bệnh thường gặp, kéo dài dai dẳng và gây nhiều khổ sở, ám ảnh cho bệnh nhân. Trĩ chảy máu thường khiến bệnh nhân đau đớn và gây viêm nặng nếu không được điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh trĩ chảy máu có nguy hiểm không?
1.1.Giải đáp thắc mắc
Trĩ chảy máu hay không và nặng hay nhẹ tùy vào cấp độ bị trĩ. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể phát hiện mình bị trĩ qua vệt máu ở giấy vệ sinh, máu dính 1 ít ở phân. Giai đoạn nguy hiểm, máu có thể chảy thành giọt mỗi khi đi đại tiện, không lâu sau đó, búi trĩ sẽ bị sa ra ngoài và có thể không đẩy vào trong được. Khi đó, bệnh nhân mắc trĩ cần được can thiệp ngoại khoa để cắt trĩ.
Búi trĩ bị lở loét ngoài gây chảy máu còn khiến người bệnh bị ngứa ngáy, sưng tấy vùng hậu môn. Hiện tượng chảy máu nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng, đó là:
– Mất máu nhiều khiến cơ thể bị thiếu máu, mệt mỏi, choáng váng, ngất xỉu
– Búi trĩ bị sa nghẹt
– Hậu môn bị hẹp, mất chức năng
– Búi trĩ bị viêm nhiễm lâu ngày có thể bị hoại tử và phải đi cấp cứu
– Chảy máu gây viêm nhiễm, dẫn đến một số bệnh phụ khoa ở phụ nữ
1.2. Lưu ý
Trĩ chảy máu là một hiện tượng bình thường của bệnh trĩ. Tuy nhiên, bị ra máu khi đi ngoài cũng có thể được gây ra bởi các loại bệnh lý khác như polyp trực tràng, viêm nhiễm đại tràng hoặc có khối u. Do đó, để biết được tình trạng ra máu khi bị trĩ có nguy hiểm không, bệnh nhân cần thăm khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.
2. Xử trí khi bị bệnh trĩ chảy máu
Tình trạng chảy máu khi có bệnh trĩ đôi khi cũng tự hết theo thời gian. Tuy nhiên, khi bị chảy máu chứng tỏ búi trĩ đã bị tổn thương cho nên cần được xử trí kịp thời tránh ảnh hưởng lâu dài. Người bệnh có thể dùng các giải pháp tại nhà làm dịu bớt đau rát và khó chịu. Sau đó cần nhanh chóng thăm khám để được bác sĩ tư vấn các điều trị chấm dứt triệt để tình trạng này.
2.1. Xử trí bệnh trĩ chảy máu tại nhà
Các biện pháp xử lý trình trạng bệnh trĩ gây chảy máu
Tình trạng trĩ chảy máu có thể sẽ dịu bớt nếu người bệnh thực hiện các biện pháp làm sạch hiệu quả như:
– Tắm ngồi bằng nước ấm: Đây là kiểu tắm ngồi bằng cách ngâm vùng hậu môn trong nước ấm. Có thể thêm ít muối để vệ sinh sạch sẽ.
– Dùng khăn ướt để lau chùi: Một số loại giấy vệ sinh có thể khiến người bệnh thêm khó chịu vì bề mặt thô ráp nên có thể chuyển qua dùng khăn ướt ấm để lau chùi vùng hậu môn. Khăn mềm vừa sạch sẽ lại tạo cảm giác dễ chịu, đỡ đau rát cho vùng hậu môn.
– Chườm lạnh: Bệnh nhân có thể dùng khăn quấn đá lạnh thật dày để ngồi lên, việc này có tác dụng làm giảm viêm, đỡ đau. Tuy nhiên nên chườm trong thời gian ngắn.
– Sử dụng thuốc bôi: Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc bôi để làm dịu bớt tình trạng ngứa ngáy. Tuy nhiên, các loại thuốc này cần được bác sĩ chỉ định hoặc khuyên dùng.
Các biện pháp bảo vệ, chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Ngoài ra, hệ tiêu hóa cần được chăm sóc và bảo vệ đúng cách bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt. Cần tránh để táo bón, kích thích các búi trĩ khiến bị ra máu khi đi đại tiện. Một số điều cần thực hiện để bảo vệ hệ tiêu hóa là:
– Uống thật nhiều nước mỗi ngày: Thói quen uống nước là điều kiện hàng đầu để cơ thể người bệnh tránh táo bón. Hãy chia lượng nước vừa phải để uống hằng ngày, không đợi khát mới uống.
– Bổ sung chất xơ: Những chất xơ là lựa chọn hàng đầu trong danh sách dinh dưỡng hằng ngày, cụ thể nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau xanh và hoa quả.
– Sử dụng thuốc mềm phân: Nếu người bệnh đã bị táo bón lâu ngày thì có thể dùng thuốc làm mềm phân để việc tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn.
– Tập thể dục hằng ngày: Người tập thể dục hằng ngày hầu như rất ít bị táo bón. Việc luyện tập khiến sự trao đổi chất diễn ra thông thuận, tiêu hóa hiệu quả.
– Không rặn hoặc ngồi đại tiện quá lâu: Việc rặn quá lâu sẽ gia tăng áp lực, làm búi trĩ chảy máu.
Song song với việc thực hiện những phương pháp này, người bệnh cần thăm khám sớm để điều trị bệnh trĩ, tránh để lâu khiến bệnh tình thêm nặng.
2.2. Điều trị bệnh trĩ chảy máu theo phác đồ của bác sĩ
Người bệnh khi được thăm khám tại cơ sở uy tín sẽ được thăm khám và chẩn đoán đầy đủ để xác định tình trạng bệnh. Sau khi xác định được chính xác tình trạng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ hiệu quả nhằm chấm dứt triệt để bệnh trĩ và chặn đứng các nguyên nhân gây tái phát. Trường hợp có thể điều trị bằng thuốc, bệnh nhân có thể được dùng thuốc theo toa, kết hợp dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để cải thiện tình trạng bệnh trĩ. Nếu bệnh trĩ được xử lý hiệu quả thì người bệnh sẽ không bị ra máu khi đi đại tiện nữa.
Nếu tình trạng búi trĩ quá phức tạp, trĩ độ nặng, bác sĩ sẽ có can thiệp ngoại khoa để loại bỏ búi trĩ, chấm dứt cơn khó chịu và các biến chứng có thể gặp như hoại tử, hẹp hậu môn… Hiện nay, có nhiều phương pháp để can thiệp như thắt gốc trĩ, phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longo… tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Người bệnh không cần quá lo lắng vì các phương pháp mổ trĩ ngày nay đều chú trọng vào giảm đau, giúp bệnh nhân thoải mái hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống. Đồng thời, việc thăm khám cũng vô cùng riêng tư nên người bệnh không cần cảm thấy e ngại, hãy nhanh chóng điều trị tận gốc bệnh trĩ để tránh hiện tượng chảy máu kéo dài, nguy hiểm đến sức khỏe.