Bệnh đau ruột thừa: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Bệnh đau ruột thừa rất thường gặp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Bệnh đau ruột thừa là gì và đâu là nguyên nhân gây ra?

Ruột thừa là một bộ phận của đường tiêu hóa, có dạng túi, nhỏ, hình như ngón tay cái, một đầu kín, một đầu thông với manh tràng. Trước đây, nhiều người nhầm tưởng ruột thừa là bộ phận “thừa thãi” của cơ thể, nhưng trên thực tế, ruột thừa có vai trò trong hệ miễn dịch của cơ thể, đồng thời đóng vai trò như một kho chứa các lợi khuẩn, giúp khôi phục hệ tiêu hóa sau các đợt tiêu chảy.

Các bác sĩ đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính gây ra viêm đau ruột thừa:

– Tắc lòng ruột thừa do sỏi phân, giun đũa, giun kim hoặc u ruột thừa… là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm ruột thừa. Khi ruột thừa bị bít tắc sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi phát triển gây viêm nhiễm.

– Ngoài ra, viêm ruột thừa còn đến từ nguyên nhân tắc nghẽn mạch máu ruột thừa. Áp lực lòng ruột thừa tăng lên gây tắc nghẽn các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng thành ruột. Khi đó, ruột thừa sẽ xuất hiện tổn thương hoại tử gây viêm ruột thừa.

bệnh đau ruột thừa

Bệnh đau ruột thừa rất phố biến và có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho sức khỏe

2. Những triệu chứng nhận biết bệnh đau ruột thừa

2.1. Đau bụng – triệu chứng bệnh đau ruột thừa dễ nhận biết

Triệu chứng đau bụng thường cảnh báo bệnh đau ruột thừa. Cơn đau có thể xuất phát ở vị trí của ruột thừa (hố chậu phải), nhiều trường hợp khởi phát cơn đau ở quanh rốn rồi lan xuống hố chậu phải. Cơn đau có thể âm ỉ khó chịu (khi ruột thừa mới viêm) hoặc đau dữ dội (ruột thừa viêm trên 6 tiếng). Ở trẻ nhỏ, do vị trí ruột thừa không cố định nên cơn đau có thể giống với đau bụng do rối loạn tiêu hóa. Do vậy, khi bị đau bụng bạn không nên chủ quan, cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán kỹ càng.

2.2. Các triệu chứng khác của bệnh đau ruột thừa

Ngoài triệu chứng điển hình là đau bụng, viêm ruột thừa còn xuất hiện các triệu chứng khác như: Sốt do cơ thể phản ứng với viêm nhiễm, buồn nôn và nôn, chán ăn và các rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón, co cứng thành bụng…

Các triệu chứng của viêm ruột thừa xảy ra ngay sau khi ruột thừa bị viêm. Các triệu chứng tiến triển nặng hơn sau 4 đến 6 giờ. Bệnh viêm ruột thừa rất nguy hiểm ở chỗ nó rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường khác, đến khi chuyển đến bệnh viện người bệnh có thể đã bị biến chứng viêm ruột thừa cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

3. Những biến chứng của bệnh viêm đau ruột thừa

– Vỡ ruột thừa gây biến chứng viêm phúc mạc

Viêm ruột thừa nếu không được phát hiện kịp thời sẽ vỡ dẫn đến vi khuẩn, chất bẩn tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc. Khi đó, người bệnh sẽ có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân với biểu hiện sốt cao, rét run, huyết áp tụt, mạch nhanh, trướng bụng do liệt ruột, Đây là biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời tính. Theo các bác sĩ, trước 36 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên (đau bụng, sốt nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy…) xuất hiện thì nguy cơ vỡ ruột thừa khoảng 15%.

– Biến chứng áp xe ruột thừa

Khi ruột thừa bị vỡ/thủng, nếu cơ thể có sức đề kháng tốt và sự kết dính của quai ruột với mạc treo tốt, nó sẽ bao bọc lấy chỗ ruột thừa vỡ trở thành đám quánh ruột thừa. Khi đó, các triệu chứng sốt và đau có thể giảm, hố chậu phải xuất hiện một khối chắc, không di động, ấn đau. Đám quánh ruột thừa tiến triển tạo thành áp-xe ruột thừa. Nếu không được xử trí đúng, khối áp xe có thể bị vỡ gây ra viêm phúc mạc.

biểu hiện của bệnh đau ruột thừa

Người bệnh bị viêm ruột thừa thường có triệu chứng đau bụng khu vực hố chậu phải, sốt, buồn nôn….

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh đau ruột thừa

4.1. Chẩn đoán bệnh đau ruột thừa

Để chẩn đoán chính xác, sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số phương pháp sau:

Xét nghiệm máu để kiểm tra sự gia tăng của bạch cầu, kiểm tra một số thông số kết hợp để chẩn đoán bệnh.

– Siêu âm ổ bụng giúp bác sĩ xem được các hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể, từ đó sẽ nhìn thấy được ruột thừa có bất thường hay không.

Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) qua hình ảnh từ CT scan bác sĩ có thể cho thấy ruột thừa bị viêm, bị giãn hoặc thu hẹp.

4.2. Các phương pháp điều trị

– Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa khá phổ biến và phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm là lựa chọn hàng đầu. Phẫu thuật cắt ruột thừa có hai cách là mổ mở và mổ nội soi. Nếu như phẫu thuật mở sẽ cần một vết mổ khá dài ở bụng dưới bên phải, vết thương sẽ lâu lành hơn, nguy cơ chảy máu cao hơn thì phẫu thuật nội soi được thực hiện hoàn toàn không có vết rạch dài, chỉ thông qua việc sử dụng 1 – 3 vết mổ nhỏ 0.5 – 1cm, ít gây đau, nhanh hồi phục hơn. Hiện nay, phương pháp mổ nội soi cắt bỏ ruột thừa được áp dụng hầu hết ở các tuyến bệnh viện vì những ưu điểm vượt trội của nó so với phẫu thuật mở.

– Đối với các trường hợp đến viện muộn khi ruột thừa đã vỡ, bác sĩ sẽ chỉ định mổ mở để làm sạch ổ bụng và cắt bỏ ruột thừa vỡ.

– Đối với trường hợp áp xe ruột thừa, bác sĩ sẽ đặt một ống dưới da để dẫn lưu ổ mủ kết hợp theo dõi chặt chẽ, khi tình trạng của bệnh nhân ổn định sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần lưu ý tránh các biến chứng sau phẫu thuật bằng cách tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Nếu nhận thấy vết mổ có bất kỳ vấn đề bất thường gì như đỏ, rỉ máu, cơ thể sốt bạn nên báo với bác sĩ.

thuốc uống sau mổ ruột thừa

Sau mổ ruột thừa người bệnh cần uống thuốc theo đúng chỉ dẫn để phòng tránh nhiễm trùng

4.3. Có thể phòng ngừa được bệnh viêm ruột thừa không?

Theo các bác sĩ, hiện tại không cách nào phòng ngừa được bệnh viêm ruột thừa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều chất xơ từ hoa quả, rau xanh tươi, ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ bị viêm ruột thừa.

Bài viết trên có thể giúp bạn hiểu hơn về bệnh đau ruột thừa, cách xử lý và phòng ngừa. Đây là bệnh lý có biến chứng rất nguy hiểm nên nếu bạn bị đau bụng kèm theo những bất thường về cơ thể như sốt, nôn hãy thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital