Menu xem nhanh:
Cách chống say rượu hiệu quả dịp Tết
Tết là dịp bạn sum họp bên gia đình, bạn bè, tuy nhiên, do mải vui mà không ít người đã uống quá nhiều dẫn tới say, mệt mỏi đờ đẫn, thậm chí dẫn đến viêm loét dạ dày và gây ra tai nạn giao thông… Một số bí quyết sẽ giúp các bạn chống say rượu hiệu quả dịp Tết:
“Lót dạ” trước khi uống rượu bia
Trước khi nhập tiệc khoảng 15 phút, bạn có thể chọn bất kỳ loại thực phẩm nào như trái cây, bánh mì, hay một ít cơm để lót bụng. Việc này giúp hạn chế lượng rượu bị hấp thu trực tiếp vào dạ dày, tránh gây tổn hại cho dạ dày và giúp hạn chế việc say rượu, bia.
Không nên chỉ uống mà không ăn
Trong lúc uống cũng đừng quên ăn thêm các thức ăn chứa tinh bột như cơm, xôi, bún… mang lại nhiều năng lượng, giúp bạn đỡ “cồn cào ruột” và hạn chế khả năng hạ đường huyết.
Không nên sử dụng nhiều loại rượu, bia cùng lúc
Uống cùng lúc nhiều loại rượu bia khiến bạn nhanh chóng say hơn và còn gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe và tính mạng.
Cách xử trí những người bị say rượu bia
Đối với những người bị say rượu, bia cần lưu ý những điều sau:
Cho người say ở nơi thoáng nhưng ấm áp
Khi uống nhiều rượu bia, mạch máu ngoại vi giãn ra, cơ thể có xu hướng thoát nhiệt, dù nhiệt độ bề mặt da nóng nhưng nếu ở ngoài gió lạnh rất dễ bị nhiễm lạnh và tai biến mạch máu não. Do đó cần cho người say rượu, bia ở nơi thoáng nhưng ấm áp.
Người bị say có thể uống nhiều nước ấm
Đối với những người say rượu còn tỉnh thì việc uống nước ấm, trà gừng nóng, bù các chất điện giải và các loại vitamin từ nước ép hoa quả là cần thiết cho giải độc rượu.
Bù nước đúng và đủ còn giúp pha loãng rượu, bia trong cơ thể người uống, đồng thời rượu bia cũng được đào thải nhanh qua đường tiết niệu… từ đó giúp người say nhanh tỉnh.
Đối với những người bị say rượu nặng, có biểu hiện hôn mê, ảnh hưởng tới hô hấp… thì không nên tự ý cho người say uống nước vì có thể dẫn đến nguy hiểm như “sặc nước” hoặc “sặc thức ăn” vào đường thở.
Những dấu hiệu nguy hiểm từ việc say rượu, bia
Việc uống quá nhiều có thể dẫn đến những dấu hiệu nguy hiểm như hôn mê, co giật, suy hô hấp, suy tuần hoàn (tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim…).
Khi có những dấu hiệu trên cần đưa người say rượu đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Đề phòng ngộ độc rượu bia trong dịp Tết
Uống rượu, bia sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe người uống thậm chí gây ngộ độc rượu bia.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:
– Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
– Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
– Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
– Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
– Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.