Mỗi thay đổi bất thường trên cơ thể mà bạn nghi ngờ đều có thể là dấu hiệu của một loại bệnh nào đó. Cho dù là phái đẹp, hay nam giới cũng không nên bỏ qua.
Bệnh tật vốn dĩ không bỏ qua một ai cho dù bạn là nam hay là nữ giới. Tuy nhiên, đại đa số mọi người đều nghĩ rằng một số bệnh chỉ gặp ở phái yếu mà không hề xảy ra hoặc hiếm khi mắc ở đàn ông. Chính những khái niệm sai lầm đó đã dẫn đến việc điều trị muộn cũng như chẩn đoán bệnh sai. Thay đổi những kiến thức không đúng về các loại bệnh sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư vú
Ung thư vú tuy hiếm gặp ở nam giới nhưng không phải là không xảy ra. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cứ 2350 nam giới thì sẽ có 440 người chết vì ung thư vú mỗi năm tại Hoa Kỳ. Các triệu chứng ung thư vú ở nam giới đều tương tự như ở nữ giới: phần vú xuất hiện khối u hoặc sưng to, núm vú đảo ngược, núm vú chảy mủ, ngực nở bất thường. Giáo sư Stephen Malamud tại Khoa Ung thư trường Y khoa Icahn, New York cho biết thường thì đàn ông sẽ bỏ qua những dấu hiệu bất thường trên vùng ngực, vì không nghĩ rằng bản thân mình mắc phải ung thư vú.
Ngay khi bạn cảm thấy khó chịu, cũng như vùng ngực xảy ra dấu hiệu khả nghi nên gặp ngay bác sỹ để làm các cuộc kiểm tra. Ung thư vú sẽ được điều trị tốt hơn khi được phát hiện sớm, và quá trình điều trị bệnh giữa nam giới và nữ giới tương tự như nhau. Bên cạnh đó, việc điều trị cũng phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe, đặc biệt là mức độ bệnh tật. Để giảm phần nào nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ lẫn đàn ông, trong chế độ ăn nên hạn chế chất béo và tập thể dục đều đặn.
2. Loãng xương
Theo nghiên cứu của trường Đại học Y Harvard, có đến 2 triệu người Mỹ bị loãng xương, xương trở nên giòn và rất dễ vỡ. Bác sỹ khoa nội Kristine Arthur tại Trung tâm Memorial Orange Coast ở thung lũng Fountain Valley, California cho biết bệnh loãng xương hầu như không có dấu hiệu nhận biết nào trong một thời gian dài.
Để ngăn ngừa loãng xương, Tổ chức Loãng xương khuyến cáo nam giới nên hấp thụ đủ lượng canxi, cụ thể là: 1.000mg canxi/ngày cho nam tuổi dưới 70 tuổi và 1.200mg canxi/ngày trên 70 tuổi. Vitamin D cũng nên được chú trọng và bổ sung: 400-800 IU vitamin D hàng ngày cho người dưới 50 tuổi, và 800 đến 1.000 IU mỗi ngày từ 50 tuổi trở lên.
3. Lupus ban đỏ
Ở hầu hết các nghiên cứu Y khoa đều nhận định rằng 90% bệnh nhân mắc lupus là nữ giới. Tuy nhiên, nam giới ở mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh lupus tự miễn kinh niên, và sẽ làm vô hiệu hóa bệnh tự miễn dịch. Khi mắc bệnh, cả nam giới lẫn nữ giới đều có những triệu chứng tương tự nhau, bao gồm mệt mỏi, đau khớp, giảm sút trí nhớ, phát ban ở da.
Theo tiến sỹ Theodore Fields, chuyên gia thấp khớp tại Bệnh viện Special Surgery, New York nói rằng vì lupus ban đỏ chỉ ảnh hưởng chủ yếu tới phụ nữ nên phần lớn bác sỹ không bao giờ nghi ngờ các triệu chứng lupus xảy ra ở đàn ông, và cũng sẽ không tiến hành các xét nghiệm đề điều trị bệnh. Đừng bao giờ bỏ qua bất cứ một dấu hiệu khả nghi nào cho dù bạn là nam hay là nữ giới.
4. Rối loạn ăn uống
Chứng rối loạn ăn uống ở nữ giới thường gấp hai lần ở nam giới, nhưng triệu chứng vẫn có thể xảy ra ở cánh mày râu. Cũng như ở phụ nữ, một số đàn ông sẽ dùng thức ăn để làm giảm cảm giác mệt mỏi thậm chí là cô đơn. Ngoài ra, vấn đề cơ bắp ở đàn ông cũng tạo nên một áp lực vô hình, khiến nhiều nam giới trở nên thiếu tự tin hoặc mặc cảm bản thân. Họ luôn bị ám ảnh về một hình thể có cơ bắp hoàn hảo.
Vì rất nhiều quan điểm về nam giới và nữ giới không có sự cân bằng, nên đàn ông ít có cơ hội tiến đến các phương pháp điều trị. Tuy nhiên, tương tự như cách hồi phục bệnh ở nữ giới, đàn ông mắc chứng bệnh rối loạn ăn uống có thể dựa theo pháp đồ điều trị để thảo luận các vấn đề căn bản, và lý do tại sao họ lại đang gặp rắc rối trong vấn đề ăn uống.
5. HPV
HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, và đều có thể ảnh hướng đến cả nam và nữ.
Trước căn bệnh đáng sợ này, các nhà Y khoa đã phát minh ra xét nghiệm tế bào học “Phết tế bào cổ tử cung” (pap smear) để tìm ra những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung, cũng như kiểm tra HPV.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương pháp có thể chẩn đoán HPV ở nam giới.
6. Chứng đau nửa đầu
Theo Viện Y tế Quốc gia, phụ nữ có nguy cơ mắc chứng bệnh đau nửa đầu gấp ba lần ở nam giới. Nhưng vẫn có bệnh nhân nam phải vật lộn với các triệu chứng của bệnh đau nửa đầu như: đau vùng đầu, nôn, nhạy cảm với ánh sáng.
Nhiều bệnh nhân thường nhầm giữa bệnh đau nửa đầu và đau đầu chùm. Nhức đầu chùm ảnh hưởng nhiều hơn ở đàn ông, gấp sáu lần so với phụ nữ. Đặc biệt ở những đàn ông hút thuốc, chứng nhức đầu chùm ảnh hưởng rất nhiều so với người không hút thuốc. Một chế độ ăn uống lành mạnh, không sử dụng chất cồn cũng như hút thuốc kết hợp với ngủ có chất lượng sẽ phần nào giảm nguy cơ mắc bệnh đau nửa đầu.
7. Viêm khớp dạng thấp
Thông thường, viêm khớp dạng thấp xảy ra ở nữ giới gấp hai đến ba lần so với nam giới. Nhưng không có nghĩa là chứng bệnh này sẽ không bắt gặp ở đàn ông. Viêm khớp dạng thấp đều có thể xảy ra ở nữ lẫn nam giới, và cách điều trị thì tường tự nhau. Theo một công bố trên tạp chí bệnh thấp khớp (Annals of the Rheumatic Diseases) cho biết nếu như đàn ông có mức testosterone thấp thì dễ mắc viêm khớp dạng thấp, và những người hút thuốc lá cũng có nguy cơ dẫn đến chứng bệnh này.
Mỗi thay đổi bất thường trên cơ thể mà bạn nghi ngờ đều có thể là dấu hiệu của một loại bệnh nào đó. Cho dù là nam giới, hay nữ giới cũng không nên bỏ qua chúng. Có rất nhiều quan điểm chủ quan về một căn bệnh nào đó chỉ có thể xảy ra ở nữ giới mà không hề gặp triệu chứng ở đàn ông. Chính những suy nghĩ đó đã ngăn cản phần nào quá trình tiến đến các phương pháp điều trị của người bệnh, và rất có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn.
Minh Trang (theo Everydayhealth)
Nguồn: suckhoeodoisong.vn