5 nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ cần lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Suy giảm trí nhớ là tình trạng thường xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên ngày càng có nhiều người trẻ tuổi gặp phải tình trạng này. Vậy nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có biện pháp phòng ngừa kịp thời nhé.

1. Tổng quan về suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ là tình trạng não bộ bị suy giảm chức năng hoặc quá trình vận chuyển thông tin và trí nhớ đến não bị ngưng trệ. Trước đây tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở người già, tuy nhiên ngày càng dễ xảy ra và phổ biến ở người trẻ.

Ban đầu, người bệnh thường hay quên những việc vừa xảy ra như quên tắt bếp, đóng cửa, chìa khóa,… Tuy nhiên khi tình trạng nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ bị giảm hiệu suất công việc, đi lạc, quên người thân trong nhà thậm chí sa sút trí tuệ, mắc bệnh Alzheimer.

Ban đầu, người bị suy giảm trí nhớ thường có biểu hiện là quên những việc vừa xảy ra, quên tắt bếp, quên khóa cửa,...

Ban đầu, người bị suy giảm trí nhớ thường có biểu hiện là quên những việc vừa xảy ra, quên tắt bếp, quên khóa cửa,…

2. Các nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ

Dưới đây là 5 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ:

2.1 Tế bào thần kinh bị thoái hóa

Sau 30 tuổi, các tế bào thần kinh bắt đầu bị suy giảm. Các nghiên cứu cho rằng não bộ có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh liên kết với nhau và sau tuổi 30 mỗi ngày có khoảng 300 tế bào thần kinh bị chết đi mà không có tự sản sinh thêm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến não bộ bị suy giảm.

Khi tuổi càng cao, khả năng hoạt động của não bộ sẽ càng kém đi, quá trình truyền tin cũng bị giảm sút và gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, theo thời gian khả năng tuần hoàn máu kém đi dẫn đến việc não không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ.

2.2 Thiếu ngủ là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ

Ngủ là thời gian não bộ được nghỉ ngơi, đồng thời các mô và tế bào được phục hồi, tạo ra sóng não giúp não bộ ghi nhớ và lưu trữ thông tin. Khi bạn thiếu ngủ, mất ngủ, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo sẽ làm gián đoạn quá trình truyền tin gây mất trí nhớ ngắn hạn. Ngoài ra, mất ngủ kéo dài còn dễ dẫn đến trầm cảm, đây là một yếu tố nguy cơ gây suy giảm trí nhớ.

Thông thường, người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 – 8 tiếng mỗi ngày. Để tránh tình trạng mất ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ bạn cần thiết lập đồng hồ sinh học cho giấc ngủ, cải thiện chế độ ăn uống và thường xuyên luyện tập thể thao.

Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm trí nhớ ở người trẻ

Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm trí nhớ ở người trẻ

2.3 Tác dụng của thuốc

Một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống trầm cảm,… có thể gây tác động tiêu cực đến trí nhớ và là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ. Các loại thuốc này thường gây ra tác dụng phụ là buồn ngủ và lú lẫn, làm giảm khả năng tập trung của người bệnh.

Khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu cảm thấy trí nhớ bị suy giảm, bạn hãy thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời, có thể là giảm liều thuốc hoặc thay thế bằng một loại thuốc khác.

2.4 Chế độ ăn uống và sinh hoạt

Chế độ ăn nhiều đồ ngọt, các thực phẩm ô nhiễm, đồ đóng hộp nhiều chất bảo quản, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đường hóa học,… có thể sản sinh ra nhiều gốc tự do ảnh hưởng đến não bộ và gây ra suy giảm trí nhớ. Vitamin trong não bộ có nhiệm vụ duy trì việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh tác động đến trí nhớ, tâm trạng, suy nghĩ của con người. Vì vậy, nếu cơ thể không nhận đủ lượng vitamin cần thiết sẽ dẫn đến rối loạn thần kinh gây ra mất trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn.

Uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm thần là yếu tố nguy cơ dẫn đến suy giảm trí nhớ. Khói thuốc và cồn làm suy giảm quá trình cung cấp oxy lên não và ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn.

Ăn các thực phẩm không lành mạnh là một trong những nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ

Ăn nhiều đồ ngọt, các thực phẩm ô nhiễm, đồ đóng hộp nhiều chất bảo quản, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đường hóa học,… có thể gây suy giảm trí nhớ

2.5 Stress là nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ

Những căng thẳng, áp lực trong công việc, trong cuộc sống là điều kiện để các gốc tự do phát triển gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh. Khi đó, người bệnh rất dễ mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm,… dẫn đến khả năng tập trung và khả năng ghi nhớ của não bộ bị suy giảm.

Đầu óc luôn căng thẳng, mệt mỏi cũng là nguyên nhân khiến người bệnh có phản ứng chậm với các sự việc xảy ra, khó tập trung suy nghĩ, dễ bị phân tán tư tưởng. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm trí nhớ.

3. Cách cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ

Mặc dù không phải tất cả các dạng suy giảm trí nhớ đều có thể ngăn ngừa tuy nhiên, có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của não bộ và làm trì hoãn sự lão hóa bằng một số biện pháp sau:

– Ngủ đủ giấc: Để có giấc ngủ ngon bạn cần thiết lập đồng hồ sinh học cho giấc ngủ, phòng ngủ êm ái, nhiệt độ thích hợp, hạn chế tiếng ồn,… Ngoài ra, chế độ ăn uống khoa học, không ăn bữa tối quá no hoặc ăn đồ khó tiêu, không sử dụng chất kích thích cũng là yếu tố quan trọng để giúp bạn có một giấc ngủ ngon.

– Hạn chế căng thẳng, stress quá độ: Đây là yếu tố nguy cơ rất lớn gây suy giảm trí nhớ. Có thể thực hiện thiền hoặc yoga để cải thiện tâm trạng, lưu thông mạch máu để giúp hệ thần kinh hoạt động tốt hơn.

– Luyện tập thể thao: Đây là cách tốt nhất để thúc đẩy hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, tăng cường oxy và dinh dưỡng cho não bộ.

– Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế đồ ăn nhiều đường, chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có ga, thuốc lá,… Thay vào đó bạn hãy bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhóm B như nấm, ngũ cốc, sữa,… và omega – 3 như cá biển, hàu, cải xoăn,…

– Rèn luyện trí nhớ: Bạn có thể chơi các trò chơi trí tuệ, giải câu đố, chơi cờ tướng, cờ vua, học một ngôn ngữ mới,…để rèn luyện khả năng ghi nhớ cho não bộ.

– Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu và có biện pháp cải thiện kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital