Không giống như các bệnh lý viêm khớp khác có thể gây đau nhức mãn tính và cứng khớp, bệnh gout khởi phát đột ngột và gây đau dữ dội. Cơn đau do gout được ví như là “vua của những cơn đau”. Do đó, người bệnh cần dùng đến thuốc trị gout cấp để giảm đau và kiểm soát tình trạng viêm. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý 5 điều quan trọng sau.
Menu xem nhanh:
1. Cơn đau do gout – Ám ảnh của người bệnh
Bệnh gout là bệnh lý viêm khớp thường gặp, gây ra các cơn đau dữ dội cho người bệnh. Bệnh hình thành do sự tích tụ của axit uric. Khi nồng độ acid uric tăng sẽ gây lắng đọng tinh thể urat trong khớp hoặc quanh khớp. Lúc này cơ thể phản ứng lại gây ra viêm khớp, gọi là viêm gout cấp, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn. Cụ thể:
– Khớp đau dữ dội, đột ngột.
– Sưng tấy, bỏng rát tại các khớp sưng. Cơn đau tăng lên khi chạm vào.
– Xuất hiện nốt tophi.
Nếu các đợt cấp kéo dài mà không được điều trị thì khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn
Bệnh thường gặp ở nam giới trưởng thành và phụ nữ sau mãn kinh bị tăng acid uric máu. Ngoài ra, những người có một trong các yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout:
– Thừa cân.
– Mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường, suy tim,…
– Uống rượu triền miên.
– Hay ăn thịt đỏ, nội tạng, hải sản,….
– Từng phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây.
2. Các thuốc giảm đau do gout cấp
Ở giai đoạn cấp tính, việc dùng thuốc trị gout nhằm mục đích giảm đau và kiểm soát tình trạng viêm. Từ đó người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái và không còn bị “hành hạ” bởi những cơn đau dữ dội, đột ngột.
Các loại thuốc giảm đau thường dùng để điều trị ở người bị bệnh gout cấp tính bao gồm:
– Thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs): có tác dụng làm giảm hiệu quả các triệu chứng của viêm khớp gout cấp tính. Ibuprofen, Naproxen và Diclofenac là 3 loại thuộc nhóm này.
– Thuốc Colchicine: thường được sử dụng để điều trị cơn gout ở giai đoạn sớm, có thể giúp giảm sưng và giảm sự tích tụ của các tinh thể acid uric gây đau ở các khớp bị ảnh hưởng.
– Thuốc Corticoid: dùng trong trường hợp người bệnh đã sử dụng thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs) và thuốc Colchicine nhưng không hiệu quả.
3. Lưu ý trong sử dụng thuốc trị gout
3.1. Tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ
Với mỗi loại thuốc sẽ có liều lượng, cách dùng khác nhau nên người bệnh cần tuân thủ đúng với đơn thuốc được kê bởi bác sĩ chuyên môn. Điều này sẽ giúp:
– Điều trị bệnh hiệu quả, cải thiện tình trạng đau và sưng sau một thời gian ngắn sử dụng.
– Dễ dàng vận động, sinh hoạt hàng ngày trở nên thoải mái hơn
Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc sẽ có nhóm đối tượng chống chỉ định sử dụng. Cụ thể:
– Thuốc NSAIDs không dùng cho những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và thận trọng ở người bị suy thận.
– Thuốc Colchicine cần thận trọng khi dùng ở người bị suy thận, suy gan, người mắc bệnh tim hoặc các bệnh tiêu hóa. Phụ nữ mang thai không được dùng loại này.
Nếu không sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, sức khỏe của người bệnh có thể gặp nguy hiểm. Lúc này tình trạng gout không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Thậm chí đe dọa đến tính mạng.
3.2. Nắm rõ các tác dụng phụ của thuốc trị gout
Nhiều loại thuốc giảm đau có thể gây ra một vài tác dụng phụ, các loại thuốc trị gout cũng không ngoại lệ. Có thể kể đến như:
– Tiêu chảy
– Buồn nôn
Trước khi dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ chuyên môn hoặc dược sĩ để biết được các tác dụng phụ của nó. Việc nắm rõ thông tin sẽ giúp người bệnh sát sao theo dõi phản ứng của bản thân trong quá trình dùng thuốc. Đồng thời bình tĩnh tới bệnh viện để kiểm tra nếu bản thân có xuất hiện các biểu hiện kể trên.
3.3. Uống đủ nước
Uống đủ nước đem lại lợi ích không chỉ ở hỗ trợ điều trị gout mà còn cả sức khỏe tổng thể. Người bệnh gout duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ acid uric ra khỏi cơ thể và giảm khả năng tái phát.
3.4. Không lạm dụng thuốc trị gout
Nhiều trường hợp nhận thấy dùng thuốc khiến giảm bớt đau hiệu quả nên có xu hướng sử dụng liên tục, thậm chí vượt liều mà bác sĩ kê đơn. Chính sự lạm dụng thuốc này sẽ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm với người bệnh gout.
Ví dụ, thuốc Colchicine là loại thuốc có chỉ số điều trị hẹp. Sự khác biệt giữa liều điều trị và liều gây độc là rất nhỏ. Nếu dùng quá liều lượng cho phép, người bệnh sẽ gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Do đó, người bệnh cần tránh tự ý tăng liều hay lạm dụng thuốc trong thời gian dài. Hãy chỉ sử dụng đúng với liều lượng mà bác sĩ chỉ định. Khi xong liều, hãy đến bệnh viện để kiểm tra, đánh giá lại cũng như xin ý kiến của bác sĩ về việc có cần tiếp tục sử dụng thuốc nữa hay không.
3.5. Không sử dụng thuốc NSAIDs với thời gian lâu
NSAIDs là loại thuốc không nên dùng quá dài ngày. Điều này khiến cho người bệnh gặp thêm các vấn đề về tiêu hóa như:
– Loét dạ dày
Bên cạnh đó, dùng thuốc trong thời gian dài cũng làm giảm đi tác dụng của thuốc.
Trên đây là 5 lưu ý quan trọng cho người bệnh khi sử dụng thuốc trị gout. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bị gout cũng cần quan tâm, điều chỉnh lại lối sống như: tăng cường các sản phẩm từ sữa và canxi, rau xanh, trái cây,…; tránh ăn nhiều thịt đỏ,… Đồng thời, việc điều trị gout là một quá trình dài hạn, người bệnh cần duy trì thói quen thăm khám định kỳ để theo dõi, đánh giá cũng như ngăn chặn nguy cơ rủi ro có thể xảy đến trong tương lai.