Xanh Methylen thuộc nhóm hoạt chất để cấp cứu và giải độc. Thuốc có hiệu quả trong việc điều trị chốc lở, viêm da mủ, nhiễm virus ngoài da… Chúng ta có thể bắt gặp các thuốc Xanh Methylen này ở nhiều dạng khác nhau. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để sử dụng loại thuốc này sao cho an toàn, hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Xanh Methylen là thuốc gì?
Thuốc có màu xanh than. Thuốc thường được sử dụng trong lĩnh vực y tế và có nhiều ứng dụng. Một trong những tác dụng nổi bật của thuốc là khả năng kháng khuẩn và giải độc nhẹ. Do đó, nó thường được áp dụng trong việc điều trị một số căn bệnh và vết thương.
Ngoài ra, thuốc này có thể được sử dụng để hỗ trợ việc xử lý vết thương như sau:
– Điều trị một số bệnh lý ngoài da: Thuốc có thể sử dụng để điều trị tại chỗ cho bệnh nhiễm virus ngoài da như Herpes simplex. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể áp dụng trong việc chữa trị các bệnh lý như chốc lở, viêm da mủ, nhọt. Thuốc hỗ trợ trong điều trị các bệnh viêm da có bội nhiễm như chàm bội nhiễm, tổ đỉa bội nhiễm, ghẻ và bỏng nước.
– Kháng khuẩn: Thuốc có khả năng kháng khuẩn, giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và giảm nguy cơ bị nhiễm trùng vết thương.
– Tăng cường sự lành vết thương: Có một số nghiên cứu cho thấy thuốc có thể giúp kích thích quá trình tái tạo tế bào và lành vết thương nhanh hơn.
– Làm thuốc nhuộm xét nghiệm: Thuốc được sử dụng làm thuốc nhuộm mẫu trong một số xét nghiệm vi khuẩn, lỗ dò…
2. Tác dụng phụ của thuốc Xanh Methylen là gì?
Người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc gồm:
– Gặp một số triệu chứng liên quan tới đường tiêu hóa như: buồn nôn, chóng mặt, đau bụng…
– Khi dùng thuốc trong thời gian dài có thể gây thiếu máu.
– Tương tác có thể xảy ra khi dùng thuốc với thuốc khác như: iodid, dicromat, một số chất kiềm, oxy hóa và chất khử khác
– Ngoài ra, có một số tác dụng phụ khác như đau đầu, sốt, thiếu máu, tan máu, da xanh…
3. Cách dùng thuốc Xanh Methylen
Thuốc được sử dụng qua 2 đường là tiêm và bôi ngoài da. Người bệnh hãy lưu ý tuân thủ một số cách sử dụng thuốc sau:
3.1. Dùng thuốc Xanh Methylen khi bôi ngoài da
– Trước khi sử dụng thuốc, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và hỏi kĩ bác sĩ thông tin cần thiết.
– Khi dùng thuốc đường bôi cần sát khuẩn và làm sạch vị trí bôi trên da.
– Chấm và bôi thuốc nhẹ nhàng lên vùng da ấy.
3.2. Cách dùng thuốc Xanh Methylen đường uống
– Đối với các trường hợp dùng thuốc dạng viên nén để uống thì dùng liều 150 – 300 mg/ngày (trừ trường hợp khẩn cấp).
– Nếu dùng thuốc dạng này nên uống kèm với nhiều nước để dễ tiêu, tránh rối loạn tiêu hóa và bị tiểu khó.
3.3. Dùng thuốc Xanh Methylen qua đường tiêm
– Trước khi sử dụng thuốc qua đường tiêm, cần pha loãng. Có thể pha loãng với nước muối nồng độ 0,9%. Tới khi pha được dung dịch nồng độ 0,05% thì mới được sử dụng để an toàn khi tiêm.
– Khi tiêm, cần tiêm chậm từ 1 tới 2 mg/kg trọng lượng cơ thể.
– Liều sau cách liều trước khoảng 1h, trong trường hợp bệnh nhân cần tiêm thêm.
4. Bạn nên lưu ý gì khi sử dụng thuốc Xanh Methylen?
– Người bệnh khi sử dụng thuốc này cần có ý kiến bác sĩ, thực hiện đúng hướng dẫn và sự kê đơn để quá trình điều trị bệnh được hiệu quả nhất.
– Không được dùng thuốc này cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
– Không dùng cho người thiếu hụt glucose – 6 phosphat dehydrogenase vì nó có thể gây tình trạng tan máu cấp.
– Thuốc chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, không sử dụng suốt thời gian dài.
– Những người suy thận cũng không được sử dụng thuốc này.
– Thuốc hữu hiệu đối với bệnh nhân bị thủy đậu, nhưng cần sử dụng đúng cách. Khi bị thủy đậu, nhiều người nghĩ cần bôi thuốc vào nốt phỏng càng sớm càng tốt. Nhưng thực tế, bôi thuốc khi nốt phỏng chưa vỡ không có tác dụng và không cần thiết mà còn khiến cho người bệnh e ngại vì nhìn da nhem nhuốc. Vì vậy, chỉ nên bôi khi các nốt thủy đậu đã vỡ. Lúc này thuốc sẽ có tác dụng trực tiếp giúp se nốt vỡ và ngăn ngừa bội nhiễm, sát trùng để nốt phỏng được khô nhanh hơn.
– Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nhiều bà mẹ thường lo lắng và nghĩ đến việc sử dụng thuốc để bôi vào mụn nước nổi. Nhưng đây là một sai lầm bởi thuốc không có tác dụng mà còn khiến cho bác sĩ khó có thể nhận biến tình trạng mụn và một số biểu hiện trên da của trẻ, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.
5. Ưu và nhược điểm của việc dùng thuốc Xanh Methylen để bôi vết thương hở
5.1. Ưu điểm
Thuốc này có nhiều ưu điểm nổi bật, phù hợp với người dùng như:
– An toàn và dễ sử dụng: Thuốc được công nhận là an toàn và có cách sử dụng đơn giản. Việc bôi trực tiếp lên vết thương hở không đòi hỏi cần nhiều kỹ thuật phức tạp.
– Giá thành rẻ: Đây là loại thuốc phổ biến và dễ dàng để tìm kiếm trên thị trường.
– Có khả năng kháng khuẩn: Với tính kháng khuẩn và khả năng giải độc nhẹ, thuốc giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn và giảm nguy cơ nhiễm trùng ở vùng vết thương.
– Ứng dụng được rộng rãi: Thuốc không chỉ dùng cho vết thương hở mà còn có thể được dùng trong điều trị một loạt bệnh như thủy đậu, chốc lở, viêm da mủ, nhọt… Bên cạnh đó, thuốc có khả năng giúp điều trị virus Herpes simplex và một số loại nấm.
5.2. Nhược điểm
Bên cạnh các công dụng và ưu điểm, thuốc cũng có một vài nhược điểm như:
– Hiệu quả sát khuẩn không được duy trì lâu: Một trong những nhược điểm của thuốc là hiệu quả sát khuẩn có thể tương đối thấp và không duy trì lâu sau khi dùng.
– Để lại màu xanh ở trên da: Việc sử dụng thuốc có thể để lại màu xanh đậm trên vùng da, tạo ra tình trạng không mấy dễ chịu và khó có thể rửa trôi. Điều này có thể dẫn tới việc làm bẩn áo quần và vật dụng xung quanh.
– Có thể gây tình trạng kích ứng da: Một số người có thể cảm giác nóng rát hoặc kích ứng da khi bôi thuốc.
Có thể thấy, thuốc Xanh Methylen có khả năng kháng khuẩn và là một phương pháp hỗ trợ trong việc chữa trị một số bệnh lý. Trước khi sử dụng thuốc, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa trong quá trình điều trị.