Dấu hiệu đặt vòng không hợp là vấn đề luôn được nhiều chị em quan tâm bởi không phải ai cũng có thể tương thích được với vòng tránh thai và đạt hiệu quả như mong muốn. Vậy biểu hiện nào cho thấy cơ thể chị em không phù hợp với vòng tránh thai?
Menu xem nhanh:
1. Các dấu hiệu cho thấy cơ thể không phù hợp với vòng tránh thai
Sau khi vòng tránh thai được đưa vào tử cung sẽ xảy ra các phản ứng phòng vệ. Các hiện tượng phòng vệ có thể xảy ra rất nhanh sau đó sẽ trở lại bình thường, tuy nhiên ở 1 số phụ nữ, hiện tượng này lại không diễn tiến như vậy mà trở nên nghiêm trọng hơn như xuất huyết hoặc đau bụng dữ dội. Đây có thể là các dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn không phù hợp với việc đặt vòng.
1.1 Dấu hiệu đặt vòng không hợp gây rong kinh
Rong kinh và ra máu là những phản ứng phụ của cơ thể sau khi đặt vòng tránh thai. Đây cũng là một trong những dấu hiệu thường thấy ở nhiều chị em khi đặt vòng. Tình trạng rong kinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến chị em bị xanh xao, thiếu máu, mà còn cản trở trong sinh hoạt hàng ngày, khiến cho nhiều người không tập trung làm việc được.
Chị em cũng cần lưu ý nếu tình trạng rong kinh và rối loạn kinh nguyệt kéo dài trên 6 tháng mà chưa trở lại bình thường thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra.
1.2 Dấu hiệu đặt vòng không hợp gây đau bụng
Vòng tránh thai không phù hợp có thể gây đau bụng dữ dội khiến cho nhiều chị em phải tháo bỏ vòng tránh thai và áp dụng biện pháp khác.
Cơn đau bụng xảy ra khi không tương thích với vòng tránh thai cũng có thể khiến cho chị em cảm thấy đau âm ỉ, tức bụng dưới và khó chịu. Khi gặp hiện tượng đau bụng, chị em nên đi kiểm tra xem vòng tránh thai có đang bị lệch, sai vị trí hoặc bị chạm vào các cơ quan khác hay không?
1.3 Dấu hiệu đặt vòng không hợp gây đau lưng
Ngoài việc đau tức bụng thì hiện tượng đau lưng, đau hông hay đau vùng chậu cũng xảy ra khi vòng tránh thai không phù hợp với cơ thể.
Cơn đau lưng thường xuất hiện ngay sau khi đặt vòng tránh thai và không có dấu hiệu thuyên giảm triệu chứng, thậm chí cơn đau còn có nguy cơ trầm trọng hơn nhất là khi phụ nữ phải bê vác đồ hay làm việc nặng.
Nhiều chị em lầm tưởng cơn đau lưng với các bệnh về xương khớp hoặc bệnh lý phụ khoa khác. Nhưng khi cơn đau ngày một nặng hơn, đi kèm với các triệu chứng như rong kinh thì chị em nên suy xét đến dấu hiệu của đặt vòng không hợp và nên đi kiểm tra sớm nhất có thể.
1.4 Dấu hiệu của việc đặt vòng không hợp gây viêm nhiễm âm đạo
Trước khi thực hiện đặt vòng tránh thai, bác sĩ sẽ thăm khám để loại trừ những trường hợp không thể áp dụng được biện pháp này. Tuy nhiên sau khi đặt vòng, nếu phát hiện thấy chất nhầy âm đạo có màu bất thường, mùi hôi khó chịu hoặc sưng ngứa vùng kín….đó có thể là do cơ thể phản ứng lại với vật thể lạ và theo cơ chế tự nhiên sẽ đào thải vòng tránh thai ra ngoài, gây nên hiện tượng viêm nhiễm âm đạo.
1.5 Đặt vòng không hợp khiến nội tiết tố bị xáo trộn
Nhiều chị em ngay từ lần đầu đặt vòng tránh thai đã xuất hiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, tắc kinh, chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn hoặc quá dài. Tình trạng này là do có sự xáo trộn về nội tiết tố sau khi đặt vòng. Một số chị em còn gặp tình trạng nặng nề hơn như đau đầu, buồn nôn, căng tức ở hai bầu ngực, cơ thể tăng cân mất kiểm soát, nổi mụn trứng cá.
Tình trạng xáo trộn nội tiết tố có thể gặp ở thời gian đầu khi mới đặt vòng tránh thai. Nhưng nếu các hiện tượng trên kéo dài liên tục trong vòng 6 tháng trở lên và không có dấu hiệu thuyên giảm thì chị em nên tới cơ sở y tế để kiểm tra lại tình trạng đặt vòng của mình.
2. Các biện pháp khắc phục việc đặt vòng không hợp
Để việc đặt vòng tránh thai được an toàn và không ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản sau này, chị em nên tìm hiểu thông tin thật kĩ về phương pháp đặt vòng tránh thai và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra sau khi đặt vòng tránh thai, chị em cũng cần lưu ý một số điều sau:
– Sau khi đặt vòng nên theo dõi tại cơ sở y tế từ 30 phút đến 1 tiếng để ổn định
– Chị em nên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh vùng kín dịu nhẹ, vệ sinh nhẹ nhàng, tuyệt đối không thụt rửa sâu vùng âm đạo vì sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương và viêm nhiễm âm đạo.
– Sau khi đặt vòng nên vận động nhẹ nhàng, hạn chế bê vác và làm việc nặng
– Nên kiêng quan hệ tình dục trong vòng 1 tuần kể từ ngày đặt vòng tránh thai
– Tuân thủ việc uống thuốc sau đặt vòng theo đúng chỉ định của bác sĩ
– Nên tái khám sau khi đặt vòng để kiểm tra vị trí của vòng tránh thai, tình trạng vùng kín nhằm phát hiện kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.
– Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như ở trên, chị em cần tới bệnh viện/phòng khám uy tín để được thăm khám trực tiếp
– Tuyệt đối không nên tự ý đặt hoặc tháo vòng tránh thai tại nhà mà phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn và ở các cơ sở y tế có đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị.
3. Thời điểm nào thì cần tháo vòng tránh thai?
Thời điểm nào cần phải tháo vòng tránh thai? Các chuyên gia sản khoa đã đưa ra lời khuyên phụ nữ nên tháo vòng khi:
– Vòng tránh thai quá hạn sử dụng: Thông thường vòng tránh thai sẽ có hạn sử dụng từ 5 – 15 năm tùy vào chất liệu và độ bền. Khi tới hạn sử dụng, vòng tránh thai rất dễ bị gãy và làm ảnh hưởng đến vùng âm đạo, gây ra các hiện tượng viêm nhiễm phụ khoa. Việc loại bỏ/ tháo vòng tránh thai khi hết hạn sử dụng là việc cần thiết để bảo vệ vùng kín, đặc biệt với phụ nữ không còn trong độ tuổi sinh sản.
– Ra máu không ngừng sau khi đặt vòng: Những trường hợp bị xuất huyết âm đạo kéo dài không dứt, đi kèm tình trạng kinh nguyệt bất thường nên tháo vòng tránh thai
– Phụ nữ có dự định mang thai nên tháo vòng trước khi thả bầu từ 2 – 3 tháng
– Khi vòng tránh thai bị rộng hoặc đặt lệch làm thủng tử cung nhưng chưa rơi vào trong khoang bụng
– Trường hợp bị viêm vùng chậu cấp, viêm lộ tuyến cổ tử cung, u ác tính…nên tháo vòng tránh thai để phục vụ việc điều trị dễ dàng hơn
Trên đây là những dấu hiệu khi đặt vòng tránh thai không hợp và một số biện pháp khắc phục. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào quý khách hàng vui lòng liên hệ tới hotline của Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết!