Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh có thể bắt nguồn từ nhiều lý do như bé bị sinh non, bị ngạt nước trước sinh… Việc hiểu được nguyên nhân gây ra vấn đề suy hô hấp ở bé sơ sinh sẽ giúp bố mẹ có được cách phòng tránh và xử lý kịp thời khi con xuất hiện triệu chứng nghi mắc suy hô hấp cấp.
Menu xem nhanh:
1. Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao
Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh, còn gọi là bệnh màng trong và được viết tắt là RDS, là hội chứng thường xảy ra sau vài giờ hoặc vài ngày thở bình thường ở trẻ mới sinh. Hội chứng này xảy ra chủ yếu ở đối tượng trẻ sinh non.
Triệu chứng lâm sàng của RDS bao gồm khó thở dữ dội, nhịp thở nhanh hơn 60 lần/phút, ngưng thở kéo dài trên 20 giây hoặc ngắn hơn 20 giây nhưng kèm theo nhịp tim giảm dưới 100 lần/phút, thở rên, rút lõm lồng ngực và da tái nhợt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các triệu chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sẽ tăng nhanh chóng, dẫn đến ngạt thở, đuối sức, mệt lả, thở chậm và cuối cùng là gây tử vong.
Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là hội chứng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao. Do đó, trẻ sơ sinh, nhất là trong những ngày đầu sau sinh, rất cần được bố mẹ luôn ở bên chăm sóc và theo dõi thật cẩn thận. Trường hợp nhận thấy trẻ sơ sinh xuất hiện bất kỳ triệu chứng lạ nào có thể liên quan đến suy hô hấp cấp, bố mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay lập tức để nhận được sự hỗ trợ kịp thời các bác sĩ chuyên khoa. Mục tiêu là bảo vệ an toàn tính mạng cho các bé sơ sinh.
2. Diễn biến suy hô hấp cấp thường xảy ra ở trẻ sơ sinh
Thông thường, diễn biến suy hô hấp cấp ở đối tượng trẻ sơ sinh sẽ xảy ra như sau:
– Khoảng 0 – 5 giờ sau sinh: Bé sơ sinh vẫn hô hấp bình thường;
– Khoảng 5 – 10 giờ sau sinh: Bé sơ sinh xuất hiện các biểu hiện suy hô hấp cấp như nhịp thở nhanh kèm theo dấu hiệu rối loạn khí trong máu;
– Khoảng 10 – 24 giờ sau sinh: Các biểu hiện suy hô hấp của bé sau sinh sẽ diễn tiến gây thể trạng suy kiệt, nhịp thở chậm, có thể dẫn tới cả các rối loạn chuyển hóa, toan máu nặng;
– Khoảng 24 giờ sau sinh: Bé sơ sinh có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được hỗ trợ máy thở trong thời gian bị suy hô hấp. Ngược lại nếu được phát hiện, hỗ trợ điều trị và chăm sóc tốt, suy hô hấp của trẻ có thể sẽ khỏi chỉ sau khoảng một tuần.
3. 04 nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh phổ biến
Trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là 4 nguyên nhân phổ biến gây suy hô hấp ở các bé sơ sinh:
3.1. Trẻ bị sinh non, chưa đủ tháng
Trung bình, một em bé đủ 40 tuần thai được coi là đủ tháng và đã sẵn sàng chào đời. Vì trong khoảng thời gian 40 tuần thai này, các cơ quan trong cơ thể trẻ đã phát triển đầy đủ và có khả năng hoạt động độc lập. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sinh non (trước tuần thai thứ 37), hai lá phổi của bé chưa hoàn thiện về cấu trúc. Điều này làm cho phổi của trẻ sơ sinh không thể hoạt động như bình thường và gây ra triệu chứng suy hô hấp cấp.
Thường thì trẻ sinh thiếu càng nhiều tuần thì nguy cơ xảy ra suy hô hấp càng cao, hội chứng càng dễ trở nặng nếu không được hỗ trợ điều trị sớm.
3.2. Trẻ bị ngạt trước lúc sinh
Trẻ bị ngạt trước khi sinh khiến tế bào phế nang của bé sẽ thiếu oxy và không sản xuất được đủ surfactant, một chất hoạt động bề mặt quan trọng trong việc giữ cho các bóng phế nang không bị xẹp lại khi hít thở. Và thực tế, việc thiếu surfactant là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh.
Việc bị thiếu surfactant và xẹp nhiều phế nang sẽ khiến trẻ sơ sinh những ngày đầu mới chào đời luôn gắng sức để hít vào nhưng vẫn không thể đủ khí oxy vào phổi. Điều này dẫn đến tình trạng suy hô hấp và tạo ra các triệu chứng khó thở và khó khăn trong việc thở bình thường.
3.3. Trẻ sơ sinh bị hội chứng hít nước ối
Hội chứng hít nước ối là một tình trạng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và có tiên lượng rất xấu. Khi trẻ bị ngạt bào thai trong tử cung, trẻ sẽ bắt đầu thực hiện động tác thở sớm trước khi ra đời. Hệ quả là trẻ có thể hít vào nước ối trong khi còn trong tử cung và khi sinh ra đời trẻ sẽ bị suy hô hấp và có thể dẫn tới ngạt thở.
3.4. Trẻ sơ sinh bị viêm phổi
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra trong 3 giờ đầu sau sinh do bé bị nhiễm trùng bào thai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây biến chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh.
Ngoài 4 nguyên nhân phổ biến trên, trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp do những nguyên nhân khác như: teo thực quản, tim bẩm sinh, thiểu năng thất trái, bé sơ sinh gặp vấn đề ở ống động mạch, bé sơ sinh bị thoát vị cơ hoành hay xuất huyết não màng não. Tất cả các vấn đề này đều có khả năng gây rối loạn nhịp thở, dẫn tới suy hô hấp và ngừng thở ở trẻ.
4. Những cách giúp phòng ngừa suy hô hấp cho trẻ sơ sinh hiệu quả
Khi đã biết được các nguyên nhân gây suy hô hấp cho trẻ sơ sinh, các mẹ bầu có thể chủ động giúp bé yêu của mình phòng tránh hội chứng bằng những cách sau:
– Duy trì cân nặng ở mức phù hợp theo khuyến cáo của bác sĩ sản khoa trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ;
– Tiến hành sàng lọc trước sinh và tuân thủ khám thai định kỳ để có thể loại bỏ tối đa nguy cơ sinh non hay suy hô hấp ở bé sau sinh;
– Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng, hạn chế đồ ngọt nhằm hạn chế nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ;
– Tránh xa khói thuốc, không dùng đồ uống có cồn;
– Kiểm soát các bệnh mạn tính như: bệnh tuyến giáp, huyết áp cao…
– Tuân thủ đầy đủ lịch tiêm phòng cho bà bầu.
Đối với các trường hợp được chẩn đoán có thể sinh non, các mẹ bầu có thể tìm hiểu, cân nhắc tiêm mũi trưởng thành phổi. Mục đích là để kích thích phổi của bé nhanh phát triển và hạn chế tối đa nguy cơ suy hô hấp cho thai nhi trước khi chào đời.
Bên cạnh đó, nếu được, các mẹ bầu cũng nên ưu tiên chọn phương pháp sinh thường. Lý do là bởi trẻ sinh mổ sẽ có nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp cao hơn trẻ sinh thường.
Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp chi tiết tới bố mẹ 4 nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh và một số vấn đề liên quan. Hy vọng bài viết đã mang tới cho bố mẹ nhiều thông tin hữu ích.