Tiêm vắc xin là một trong những phương pháp giúp chủ động phòng tránh các bệnh lý có tính chất truyền nhiễm nguy hiểm. Với mỗi loại vắc xin sẽ tạo ra sức đề kháng riêng để bảo vệ sức khỏe. Trong số đó, vắc xin bạch hầu ho gà uốn ván rubella sởi là những loại vắc xin được khuyến khích nên tiêm chủng.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, rubella, sởi
1.1. Bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở vùng hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh này có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc ở bộ phận sinh dục.
1.2. Bệnh ho gà
Ho gà là căn bệnh truyền nhiễm gây ra do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertussis). Đường lây bệnh chủ yếu là qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn nói chuyện hay tiếp xúc với đồ vật của người mắc bệnh.
Bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có hơn 90% số ca mắc là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chưa được tiêm phòng.
1.3. Bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương. Các triệu chứng của bệnh có thể được biểu hiện là những cơn co cứng kèm cơn đau, đầu tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy sau đó là cơ trong khắp cơ thể.
1.4. Bệnh rubella
Rubella là một bệnh nhiễm virus cấp tính, dễ lây lan và hay xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi cơ thể nhiễm virus này thường gây ra sốt nhẹ và phát ban ở trẻ em và người lớn, nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu có thể dễ dẫn tới sảy thai hoặc trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh.
1.5. Bệnh sởi
Sởi là bệnh lý lây truyền cấp tính qua đường hô hấp đặc trưng bởi các biểu hiện sốt, viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa, phát ban ở mặt và lan nhanh chóng ra khắp cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa tiêm đủ các mũi vắc xin là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
2. Tầm quan trọng khi tiêm vacxin cho trẻ
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì hoạt động tiêm vacxin phòng ngừa 5 căn bệnh kể trên là cách tốt nhất để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm và sự nguy hiểm của bệnh. Tiêm vacxin giúp cơ thể tạo kháng thể miễn dịch tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ gây nên biến chứng, đảm bảo thể chất và sức khỏe.
Trong trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn, cha mẹ cần phải cho trẻ tiêm bù trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt là đối với các mũi tiêm nhắc lại như bạch hầu, uốn ván để phát huy tối đa khả năng bảo vệ của vacxin.
3. Lịch tiêm phòng 5 loại vacxin
3.1. Lịch tiêm phòng vacxin bạch hầu ho gà uốn ván rubella sởi cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi
Đối với vacxin ngừa các bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván
Phụ huynh cần chủ động cho trẻ tiêm đủ các mũi vacxin tại các thời điểm:
– Với trẻ đủ 2 tháng tuổi: Tiêm 3 mũi, các mũi cách nhau ít nhất 4 tuần. Tiêm nhắc lại sau mũi 3 ít nhất 12 tháng.
– Với trẻ từ 2 – 6 tuổi: Tiêm 1 mũi nhắc lại sau đợt tiêm chủng cơ bản: Vacxin Tetraxim cho trẻ trên 5 tuổi; vacxin Adecal/Boostric cho trẻ trên 4 tuổi và tiêm nhắc lại 1 mũi sau mỗi 10 năm.
Đối với vacxin ngừa các bệnh sởi, rubella và quai bị
– Tiêm vacxin khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Sau đó tiêm mũi thứ 2 sau mũi đầu tiền từ 3 đến 6 tháng và tiêm nhắc lại mũi thứ 3 sau 4 năm.
3.2. Lịch tiêm phòng vacxin bạch hầu ho gà uốn ván rubella sởi cho trẻ từ 7 đến 18 tuổi
Đối với vacxin ngừa các bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván
Tiêm 1 mũi nhắc lại sau đợt tiêm chủng cơ bản:
– Với loại vacxin Tetraxim tiêm cho trẻ từ 5 đến 13 tuổi.
– Với loại vacxin Adacel/Boostric tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.
Sau đó nên tiêm nhắc lại vacxin uốn ván và bạch hầu định kỳ 10 năm/lần.
Người chưa tiêm chủng các mũi cơ bản sẽ tiêm 3 mũi theo lịch 0 – 1 – 6 (sau mũi đầu tiên).
Đối với vacxin ngừa các bệnh sởi, rubella và quai bị
– Tiêm nhắc lại 1 mũi (nếu đã tiêm 1 liều) đảm bảo tiêm cách mũi 1 ít nhất 4 tuần.
– Tiêm 2 mũi và cách nhau ít nhất 4 tuần (đối với người chưa tiêm).
– Tiêm 1 mũi và nhắc lại sau 4 năm đối với trẻ chưa tiêm mũi vacxin sởi – quai bị – rubella.
4. Một số lưu ý cần biết khi thực hiện tiêm 5 loại vacxin
Để quá trình tiêm chủng cho trẻ được tốt và an toàn nhất, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề như:
– Tránh cho trẻ ăn hay bú quá no, tuy nhiên không để cho trẻ quá đói bởi khiến trẻ có thể bị hạ đường huyết sau tiêm.
– Vệ sinh cơ thể sạch sẽ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, phụ huynh nên cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ thao tác dễ trong quá trình tiêm phòng.
– Mang đầy đủ hồ sơ, giấy tờ tiêm chủng trước đó của trẻ.
– Nếu ở những mũi tiêm trước trẻ có dấu hiệu dị ứng, sốt… phụ huynh cần báo với bác sĩ trước khi tiêm phòng.
– Sau khi tiêm chủng xong, cha mẹ nên cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút để đề phòng các phản ứng nặng sau tiêm.
– Khi tiêm xong mẹ nên cho trẻ bú hoặc uống nhiều nước hơn.
– Không chạm, đè vào vị trí tiêm và quan sát trẻ cẩn thận, thường xuyên thêm ít nhất 24 giờ sau tiêm như: Tinh thần, tình trạng ăn ngủ, nhịp thở, nhiệt độ, các biểu hiện tại vị trí vết tiêm (sưng đỏ, tấy…). Nếu có dấu hiệu biểu hiện phản ứng nặng sau tiêm như: Khó thở, sốc phản vệ, sốt cao co giật, trẻ quấy khóc, tím tái cơ thể… thì nên cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị theo dõi kịp thời.
Nếu cha mẹ có nhu cầu muốn thực hiện tiêm phòng các mũi vắc xin này cho trẻ, hãy liên hệ ngay tới Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ tư vấn và đặt lịch sớm nhất!