Tiêm phòng viêm gan A cho trẻ là việc làm quan trọng và cần thiết của các bậc phụ huynh nhằm giúp bảo vệ bé yêu khỏi căn bệnh này. Vậy cha mẹ đã hiểu rõ những vấn đề liên quan tới việc tiêm phòng này hay chưa? Cùng tham khảo bài viết sau để có thêm kiến thức về nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng viêm gan A cho trẻ
Viêm gan A là một bệnh lý về gan được gây ra bởi virus viêm gan A (HAV). HAV lây truyền qua nhiều con đường như ăn uống, tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh hoặc sử dụng chung dụng cụ vệ sinh… Hầu hết người mắc phải căn bệnh này đều có thể tự hồi phục hoàn toàn và có khả năng miễn dịch tới suốt đời. Tuy nhiên, có một vài trường hợp người nhiễm virus viêm gan A có thể tử vong vì bị viêm gan cấp tính. Nguyên nhân là bởi tình trạng nhiễm viêm gan siêu vi A sẽ làm tổn thương tế bào biểu mô gan và suy giảm chức năng của gan. Vì vậy, trong một số trường hợp, việc không được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời sẽ có thể dẫn tới suy gan cấp và tăng nguy cơ tử vong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 90% trẻ nhiễm virus viêm gan A trước 10 tuổi. Tình trạng này thường xảy ra phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc phụ huynh thực hiện tiêm phòng viêm gan siêu vi A cho trẻ là vô cùng cần thiết.
Vắc xin ngừa bệnh viêm gan A chứa virus viêm gan A đã được phân lập và làm bất hoạt (ngừng hoạt động). Khi tiêm vào cơ thể, hệ miễn dịch của con người sẽ nhận biết và sinh ra kháng thể để chống lại chúng. Vì vậy, nếu virus viêm gan A xâm nhập vào bên trong cơ thể, các tế bào sẽ nhận biết được và nhanh chóng sản sinh ra kháng thể để chống lại virus này từ đó khiến cho chúng không có cơ hội nhân lên và gây bệnh.
2. Thời điểm nên cho trẻ tiêm phòng vắc xin viêm gan A
Hiện nay, y học dù đã phát triển nhưng vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu căn bệnh viêm gan A. Do đó, việc tiến hành tiêm phòng vắc xin viêm gan A, thực hành vệ sinh ăn uống để giúp phòng tránh căn bệnh này là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất.
Trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi chưa có kháng thể với virus gây bệnh viêm gan A cần được tiêm loại vắc xin này.
Hiện nay, theo khuyên cáo lịch tiêm viêm gan A cho trẻ em như sau:
– Tiêm mũi đầu tiên cho trẻ từ 1 – 15 tuổi
– Tiêm mũi thứ 2 sau mũi đầu tiên từ 6 – 12 tháng.
3. Trẻ thuộc đối tượng nào không nên tiêm vắc xin viêm gan A?
Tuy nhiên, đối với trẻ nằm trong một số trường hợp sau sẽ không nên tiêm phòng viêm gan siêu vi A:
– Trẻ em từng bị dị ứng nặng với mũi tiêm vắc xin viêm gan A đầu tiên.
– Trẻ em bị dị ứng nặng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin. Bởi tất cả vắc xin viêm gan A đều chứa nhôm và một vài loại sẽ chứa 2-phenoxyethanol.
– Trẻ em đang bị bệnh cũng nên hoãn tiêm. Trong trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ có thể thăm khám và cân nhắc cho tiến hành chủng ngừa.
– Trẻ em đang bị sốt cao, tiêu chảy, bị bệnh tim, đái tháo đường, suy dinh dưỡng….
4. Một số phản ứng phụ và cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm
4.1. Phản ứng phụ sau khi tiêm phòng viêm gan A cho trẻ
Vắc xin viêm gan A được các bác sĩ đánh giá là an toàn và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi chủng ngừa, trẻ nhỏ có thể gặp phải một số phản ứng như sau:
– Bị sưng đỏ tại chỗ tiêm
– Bị sốt, đau đầu
– Cảm giác buồn nôn và nôn
– Chóng mặt và mệt mỏi…
Những triệu chứng này thường diễn ra ngay sau khi trẻ được tiêm và kéo dài khoảng 1 – 2 ngày sau đó. Trường hợp trẻ có phản ứng bất thường sau tiêm như bị phát ban, sưng mặt và cổ họng, khó thở, nhịp tim nhanh, phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được chăm sóc kịp thời.
Cũng giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ khi tiêm vắc xin viêm gan A có thể gây phản ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên rủi ro tiềm ẩn do căn bệnh viêm gan A lớn hơn nhiều so với rủi ro liên quan tới vắc xin viêm gan A. Do đó, việc tiêm vắc xin viêm gan A là hết sức cần thiết.
4.2. Cách chăm sóc sau khi tiêm phòng viêm gan A cho trẻ
Sau chủng ngừa, bạn nên cho bé ở lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi. Trường hợp phát hiện bé gặp các biểu hiện bất thường, nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, da mẩn đỏ… hãy báo ngay cho nhân viên y tế để được xử lý. Trong 24 – 48 giờ sau khi tiêm, bạn nên tiếp tục theo dõi bé để kịp thời phát hiện bất thường và chăm sóc bé theo những gợi ý sau:
– Cho trẻ mặc quần áo bằng chất liệu cotton, rộng rãi và thoáng mát.
– Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, bạn có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ. Tuyệt đối không được chườm nóng, không chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, thoa nước chanh, đắp khoai tây hoặc bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây tình trạng bị nhiễm trùng.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ hàng ngày và cho trẻ uống nước nhiều hơn. Với trẻ bú mẹ, bạn cần tăng số lần cho bé bú.
– Khi trẻ sốt cao hơn 38.5 độ C và quấy khóc, khó chịu, phụ huynh có thể cho bé uống thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp cân nặng.
– Không cho trẻ dưới 18 tuổi dùng aspirin vì có thể gây nên hội chứng Reye, không dùng thêm các loại thuốc ho và hạ sốt khác vì những chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
Hy vọng với những thông tin được chia sẻ ở trên, bạn đã có thêm thông tin hữu ích xoay quanh việc tiêm phòng viêm gan A cho trẻ và biết cách chăm sóc bé sau chủng ngừa tốt hơn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới tiêm chủng, đừng ngần ngại liên hệ tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn tận tình nhé!