4 Điều bạn cần biết về nội soi dạ dày

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Dũng

Bác sĩ Gây mê hồi sức

Nội soi dạ dày hiện là phương pháp vàng trong chẩn đoán các bệnh lý dạ dày – tá tràng như viêm loét, trào ngược, polyp hay ung thư sớm. Với sự phát triển của công nghệ, nội soi ngày càng nhẹ nhàng, ít gây khó chịu và cho kết quả chính xác. Vậy khi nào cần nội soi? Có đau không? Nội soi cho dạ dày có phát hiện ung thư không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Hiểu rõ về nội soi dạ dày

1.1. Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi vùng dạ dày (hay còn gọi là nội soi bao tử) là một thủ thuật sử dụng ống soi mềm đưa vào bên trong đường tiêu hóa để quan sát và đánh giá các cơ quan như thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng. Đây là phương pháp an toàn, có giá trị cao trong việc phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác các tổn thương ở đường tiêu hóa trên.

Trong quá trình nội soi, bác sĩ không chỉ quan sát mà còn có thể thực hiện nhiều thủ thuật can thiệp khác như: cắt bỏ polyp, lấy mẫu sinh thiết, cầm máu tổn thương, lấy dị vật trong ống tiêu hóa, nong các chỗ hẹp, hoặc thắt tĩnh mạch thực quản nếu cần thiết.

Biến chứng do nội soi vùng dạ dày rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nguy cơ có thể tăng lên nếu người bệnh không hợp tác, có tình trạng thủng hoặc dọa thủng đường tiêu hóa từ trước hoặc mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng như tim mạch và hô hấp. Một số biến chứng có thể gặp bao gồm: chảy máu, trầy xước niêm mạc, nhiễm trùng, rối loạn tim mạch hoặc hô hấp…

Những điều cần biết về nội soi dạ dày

Nội soi cho vùng dạ dày là phương pháp an toàn, có giá trị cao trong việc phat hiện sớm bệnh lý

1.2. Khi nào cần nội soi dạ dày?

Trong hầu hết các trường hợp, nội soi vùng dạ dày được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, có một số tình huống cụ thể mà người bệnh nên thực hiện thủ thuật này:

– Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý đường tiêu hóa trên như: đau vùng thượng vị, khó nuốt, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đi ngoài phân đen…

– Khi cần sinh thiết hoặc can thiệp điều trị: bác sĩ có thể chỉ định nội soi để lấy mẫu mô (sinh thiết), điều trị các tình trạng như giãn thực quản, cắt polyp, lấy dị vật…

– Khi cần đánh giá sau điều trị: theo dõi tiến triển hoặc xác nhận kết quả điều trị các bệnh lý liên quan đến thực quản, dạ dày, tá tràng.

– Khi thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh đường tiêu hóa, bao gồm: người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, có tiền sử viêm loét dạ dày mạn tính, hoặc trong gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hóa.

Ngoài ra, ngay cả những người khỏe mạnh, không có triệu chứng và không nằm trong nhóm nguy cơ cao cũng có thể chủ động nội soi vùng dạ dày định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm các bất thường ở hệ tiêu hóa.

2. Nội soi có gây đau đớn không?

Thông thường, nội soi là thủ thuật an toàn và không gây đau đớn, người bệnh có thể yên tâm khi thực hiện. Tuy nhiên, với phương pháp nội soi qua đường miệng, việc luồn ống nội soi qua cổ họng có thể gây cảm giác khó chịu, buồn nôn, thậm chí nôn ói nhiều lần. Điều này không chỉ khiến cổ họng bị đau hoặc trầy xước, mà còn có thể kéo dài thời gian nội soi, khiến nhiều người sợ hãi và có tâm lý ám ảnh khi phải thực hiện thủ thuật này.

Để giảm thiểu cảm giác khó chịu, hiện nay người bệnh có thể lựa chọn các phương pháp nội soi hiện đại như:

– Nội soi qua đường mũi: giúp hạn chế phản xạ buồn nôn do không đi qua họng.

– Nội soi gây mê (không đau): người bệnh được gây mê ngắn trong quá trình nội soi, không có cảm giác khó chịu hay đau đớn nào. Sau thủ thuật, người bệnh sẽ được nghỉ ngơi để hồi tỉnh hoàn toàn trước khi ra về, không ảnh hưởng tâm lý.

Nội soi vị trí dạ dày không gây đau đớn ở người bệnh

Nội soi cho vùng dạ dày là thủ thuật an toàn và không gây đau đớn

3. Nội soi cho dạ dày có phát hiện sớm được ung thư không?

Câu trả lời là có. Nội soi vị trí dạ dày hiện là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện ung thư dạ dày, đặc biệt là ở giai đoạn sớm – thời điểm mà khả năng điều trị thành công là rất cao.

Trong quá trình nội soi, nếu bác sĩ phát hiện các tổn thương nghi ngờ ung thư, họ sẽ tiến hành sinh thiết – lấy một mẫu mô nhỏ từ vùng bất thường để gửi đi phân tích. Kết quả sinh thiết sẽ giúp xác định chính xác người bệnh có mắc ung thư hay không.

Sau khi được chẩn đoán ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá giai đoạn và mức độ lan rộng của bệnh, từ đó bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Ngoài ra, nội soi định kỳ cũng rất quan trọng đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, như người bị viêm dạ dày mạn tính, nhiễm vi khuẩn HP, tiền sử gia đình có người mắc ung thư tiêu hóa… Việc kiểm tra thường xuyên giúp phát hiện sớm các bất thường và lên kế hoạch theo dõi, điều trị kịp thời.

4. Nội soi gây mê nguy hiểm không?

Nội soi vùng dạ dày gây mê là một phương pháp an toàn, được sử dụng phổ biến hiện nay để giúp người bệnh thoải mái và không cảm thấy đau hay khó chịu trong quá trình thực hiện thủ thuật. Phương pháp này hiếm khi gây tai biến và mang lại nhiều lợi ích như:

– Giúp giảm cảm giác buồn nôn, nôn ói khi luồn ống nội soi.

– Giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc như xây xát, chảy máu, thủng hoặc nhiễm trùng do người bệnh phản xạ mạnh trong lúc nội soi.

– Giúp quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng, chính xác hơn nhờ bệnh nhân nằm yên và hợp tác tốt.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ thủ thuật y tế nào có sử dụng thuốc mê, nội soi gây mê vẫn tiềm ẩn một số rủi ro nhỏ, bao gồm cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, choáng váng sau khi tỉnh. Để hạn chế tối đa các rủi ro, việc nội soi gây mê cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ gây mê hồi sức chuyên môn cao, cùng hệ thống thiết bị theo dõi và cấp cứu hiện đại.

Việc gây mê trong quá trình nội soi cần tham khảo thêm từ bác sĩ chuyên môn

Kết luận, nội soi dạ dày không còn là nỗi lo như trước đây. Với công nghệ hiện đại, quy trình nhanh chóng, ít khó chịu và độ chính xác cao, đây chính là “chìa khóa vàng” giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm. Đừng chờ đến khi cơ thể lên tiếng mới bắt đầu quan tâm – chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là nội soi dạ dày, sẽ giúp bạn sống an tâm và khỏe mạnh hơn mỗi ngày.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital