Ung thư cổ tử cung thường khó phát hiện sớm vì các dấu hiệu ban đầu rất mờ nhạt và khó nhìn ra. Đôi khi có dấu hiệu khiến chị em nhần lẫn với các vấn đề sức khỏe thông thường khác. Dưới đây là 4 dấu hiệu của ung thư cổ tử cung điển hình, chị em nên lưu lại để nhận biết sau này.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân và thực trạng
Ung thư cổ tử cung khởi phát khi các tế bào trên cổ tử cung và phần dưới cùng của tử cung phát triển đột biến. Lúc này các tế bào nhân lên và phát triển mất kiểm soát, không chết đi mà tích lũy thành một khối u. Các tế bào ung thư xâm lấn các mô lân cận và có thể tách ra khỏi khối u để lây lan ở những nơi khác trong cơ thể.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng nhiễm HPV là nguyên nhân chính. Có tới 90% trường hợp mắc ung thư cổ tử cung có phát hiện HPV dương tính.
Tại Việt Nam, số lượng người tiêm chủng HPV và khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vẫn còn thấp. Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở nữ giới thuộc độ tuổi từ 35 – 50. Và có khoảng hơn 20% phụ nữ trên 65 tuổi mắc ung thư cổ tử cung mà trước đó không tiêm chủng hay tầm soát đầy đủ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung tăng dần qua mỗi năm còn do nhiều chị em chủ quan, xem nhẹ triệu chứng và tưởng rằng sức khỏe vẫn ổn. Cũng giống như các loại ung thư khác, ung thư cổ tử cung tiến triển một cách âm thầm và để lại hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời. Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm hoặc tiền ung thư gần như không có triệu chứng. Dấu hiệu cảnh báo bệnh rất mờ nhạt nên càng khiến nhiều chị em không quan tâm và dễ bỏ qua.
2. Bốn dấu hiệu của ung thư cổ tử cung
Các dấu hiệu ung thư cổ tử cung sẽ khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn sớm, rất khó để nhìn ra triệu chứng. Một khi ung thư đã tiến triển và tiến về giai đoạn muộn thì triệu chứng càng bộc lộ rõ, mức độ nghiêm trọng hơn. Do đó việc lưu ý tới từng dấu hiệu bất thường nhỏ và chăm sóc sức khỏe định kỳ là điều cần thiết
2.1. Chảy máu âm đạo – Dấu hiệu của ung thư cổ tử cung phổ biến
Nếu nhận thấy chảy máu âm đạo bất thường dù không trong kỳ kinh nguyệt thì không được xem nhẹ và bỏ qua. Hãy lưu ý và đặt ra giả thiết có thể đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung ghé thăm.
Một số tình trạng chảy máu liên quan đến ung thư là:
– Xuất hiện đốm máu hoặc chảy máu nhẹ giữa/sau kỳ kinh.
– Chảy máu kinh nguyệt dài hơn bình thường.
– Chảy máu khi giao hợp.
– Chảy máu sau mãn kinh.
2.2. Dịch âm đạo bất thường
Cổ tử cung và âm đạo được lót bằng màng nhầy – Các màng này tạo ra dịch tiết âm đạo điển hình để bảo vệ các mô mỏng manh cũng như có tác dụng cung cấp chất bôi trơn cho hoạt động tình dục.
Tuy nhiên, khi dịch âm đạo tiết ra bất thường về hình thức, độ đặc, mùi,.. thì có thể phản ánh về sự gián đoạn của hệ thống sinh sản. Điều này cũng bao gồm cả ung thư cổ tử cung. Những thay đổi trong dịch tiết âm đạo mà chị em cần để ý đó là:
– Lượng dịch nhiều bất thường.
– Kèm theo mùi hôi, khó chịu.
– Có thể có lẫn máu (nhiều sắc độ như hồng nhạt, đỏ hoặc nâu).
2.3. Đau vùng xương chậu là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung dễ bị bỏ qua
Đau vùng xương chậu là một trong số các dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu rất dễ bị xem nhẹ. Nếu bỗng nhiên chị em có cảm giác nặng vùng chậu hoặc chướng bụng thì cần để ý ngay tới các yếu tố liên quan như:
– Cơn đau âm ỉ hoặc sắc nét.
– Đau trong thời gian dài mà không giảm bớt đau.
– Ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, khó hoàn thành như bình thường.
Tuy nhiên không thể chắc chắn đau vùng xương chậu là mắc ung thư cổ tử cung. Bạn nên tới cơ sở y tế để được thăm khám kỹ càng, tìm ra nguyên nhân càng sớm càng tốt.
2.4. Đau khi quan hệ tình dục
Cảm giác đau mỗi lần quan hệ có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Cơn đau không cải thiện kể cả khi đã sử dụng các biện pháp bôi trơn thì bạn nên đi kiểm tra để kịp thời chặn biến chứng có thể xảy ra trong tương lai.
3. Hai cách ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả
Bệnh ung thư cổ tử cung có thể dự phòng và điều trị triệt để bằng cách tiêm phòng và tầm soát định kỳ.
3.1. Chủ động tiêm phòng
Như đã nói ở trên, ung thư cổ tử cung do virus HPV gây là là chủ yếu. Do đó, việc tiêm phòng từ sớm là rất cần thiết. Chủ động chích ngừa HPV giúp cơ thể tạo ra khả năng đáp ứng miễn dịch chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của các dạng virus HPV phổ biến. Bên cạnh đó, không chỉ giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung tới 90% mà còn giảm các tổn thương tiền ung thư trên 60%.
Phản ứng sau tiêm vacxin HPV có thể có hoặc không tùy từng người. Nếu có thì chỉ là những phản ứng sau tiêm thông thường như: sưng đau nhẹ tại vị trí tiêm, sốt nhẹ,…. Bạn không cần quá lo lắng vì các phản ứng này sẽ tự hết sau 1 – 2 ngày.
3.2. Tầm soát ung thư cổ tử cung theo lịch định kỳ
Bên cạnh tiêm phòng, bạn cần kết hợp với tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để việc dự phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ tầm soát sẽ phát hiện và điều trị tiền ung thư cổ tử cung giai đoạn rất sớm. Lúc này tỷ lệ thành công sau điều trị cao, giúp phụ nữ bảo toàn khả năng sinh sản.
Độ tuổi được khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung là từ 21 tuổi và đã quan hệ tình dục. Hiện nay có 3 loại xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến đó là:
– Xét nghiệm Pap: Tiến hành kiểm tra mẫu được lấy từ cổ tử cung để tìm tế bào ung thư hoặc tế bào bất thường có nguy cơ biến thành ung thư.
– Xét nghiệm Thinprep: Tiến hành thu thập mẫu bằng cách dùng chổi đặc biệt được đưa vào cổ tử cung và lấy mẫu. Sau đó mẫu này được chuyển vào lọ Thinprep nhằm bảo quản cùng với dung dịch chuyên dụng.
– Xét nghiệm virus HPV: Tiến hành lấy dịch ở ống cổ tử cung, âm đạo.
Ngoài ra, nữ giới cần thực hiện thêm các phương pháp sàng lọc chuyên sâu khác để củng cố kết quả chẩn đoán như: soi cổ tử cung, khám lâm sàng, sinh thiết.
Ung thư cổ tử cung nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu nữ giới có sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Không chỉ lưu ý các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung xuất hiện bất thường mà cũng cần chủ động kiểm tra, theo dõi để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh.