Cách cha mẹ nên xử trí khi trẻ nôn ói

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Nhìn chung tình trạng nôn ói ở trẻ phần lớn là vô hại và thường biến mất sau đó mà không cần điều trị y tế. Để giúp trẻ giảm bớt cảm giác khó chịu và phục hồi nhanh chóng, cha mẹ cần biết một số biện pháp xử trí khi trẻ nôn ói. Tuy nhiên với trường hợp trẻ dưới 12 tuần tuổi và có biểu hiện ngày càng nghiêm trọng, cần nhanh chóng tới bệnh viện để kiểm tra, thăm khám và điều trị ngay.

1.Nguyên nhân khiến trẻ bị nôn ói và cách xử trí

1.1.Vì sao trẻ nhỏ rất hay nôn trớ?

Nôn là phản ứng của cơ thể khi các chất bên trong dạ dày của trẻ bị tống ra ngoài thông qua sự co bóp của dạ dày cùng với sự co thắt của những vùng cơ từ thành bụng cho đến hầu họng.

Trớ là từ ngữ thường được dùng nhiều cho đối tượng trẻ sơ sinh hơn. Trớ là do sự co bóp của dạ dày tống đẩy những loại thực phẩm lỏng như sữa, nước, dịch qua họng để ra bên ngoài một cách nhanh chóng, dễ dàng mà không cần hoặc cần rất ít sự co bóp của các cơ thành bụng. Trường hợp này thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Tình trạng nôn trớ có thể xuất hiện khi:
– Sau khi ăn, thức ăn trào ra từ đường miệng và cả đường mũi của trẻ
– Dịch, thức ăn có thể đã trào lên nhưng chui vào đường thở khi trẻ xuất hiện triệu chứng khóc thét rồi im bặt và lặng đi.
– Trẻ đã nôn trớ một ít thức ăn ra đến miệng nhưng lại nuốt ngược trở lại

xử trí khi trẻ nôn ói

Một trong những việc cha mẹ cần làm khi trẻ bị nôn mửa là theo dõi dấu hiệu mất nước.

Tùy vào độ tuổi của trẻ thì nguyên nhân gây ra nôn ói sẽ khác nhau. Cụ thể là:

– Ở lứa tuổi trẻ dưới 12 tháng:

Việc phân biệt trẻ bị nôn trớ là do trào ngược dạ dày thực quản hay do các bệnh lý khác khá khó vì độ tuổi quá nhỏ, triệu chứng không rõ ràng. Cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được xác định chính xác nguyên nhân vì sao trẻ hay bị nôn ói.

Ở lứa tuổi này, nếu bị nôn ói nhiều có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như hẹp hoặc tắc môn vị dạ dày, bệnh lồng ruột, ruột bị tắc nên cần phải nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ ngay.
Nếu như trẻ có triệu chứng nôn ói đi kèm với sốt thì có thể trẻ đã bị nhiễm trùng có thể ở đường ruột học bộ phận khác.

– Lứa tuổi trên 12 tháng:

Ở độ tuổi này, nguyên nhân khiến trẻ hay nôn ói là do siêu vi gây ra viêm dạ dày, ruột. Trẻ trong trường hợp này thường nôn ói đột ngột và có thể hết trong 1- 2 ngày. Trẻ có thể đi kèm với những triệu chứng khác của bệnh viêm dạ dày như tiêu chảy, sốt, đau bụng.

Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm dạ dày ruột có thể do trẻ ăn ăn phải những đồ ăn bị nhiễm trùng hoặc do thói quen ngậm đồ vật, cho tay vào mồm của trẻ.
Ngoài ra việc nôn trớ ở trẻ lớn có thể là do trẻ bị ngộ độc thực phẩm, trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày, lồng ruột, tắc ruột, loét tá tràng, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm ruột thừa,…

1.2. Những cách cha mẹ cần biết để xử trí khi trẻ nôn ói

– Theo dõi các dấu hiệu mất nước

Một trong những việc cha mẹ cần làm khi trẻ bị nôn ói là theo dõi dấu hiệu mất nước. Trẻ em thường mất nước nhanh hơn người lớn. Vì thế cần hết sức cẩn thận và phát hiện sớm các dấu hiệu mất nước như mệt mỏi, quấy khóc, miệng khô, ít nước mắt khi khóc, da mát, không đi tiểu thường xuyên như bình thường, hoặc nếu có thì lượng nước tiểu rất ít hoặc nước tiểu màu vàng đậm.

Để ngăn ngừa tình trạng mất nước, cần cố gắng cho trẻ uống nhiều nước. Ngay cả khi chưa ngừng nôn, cơ thể trẻ vẫn có thể hấp thụ được một số chất qua ăn uống. Hãy thử cho trẻ uống nhiều nước lọc hoặc các dung dịch bù nước đường uống. Sau khi trẻ bị nôn, hãy bắt đầu bằng một lượng nhỏ: một vài muỗng trong vài phút và tiếp tục tăng dần lượng nước. Đảm bảo chắc chắn rằng trẻ đã đi tiểu thường xuyên trở lại như bình thường.

– Cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng

Vài giờ sau khi trẻ ngừng nôn, cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, ngoài nước và dung dịch bù nước. Thức ăn dạng lỏng như cháo, nước canh, một số loại nước ép hoa quả… rất dễ tiêu hóa đồng thời còn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể phục hồi năng lượng.

– Có nên dùng thuốc để trị nôn ói ở trẻ?

Nôn mửa ở trẻ em chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và biến mất nhanh chóng. Vì thế có nhiều trường hợp không cần phải điều trị y tế. Một số loại thuốc tự kê đơn giảm nôn không được khuyến khích sử dụng cho trẻ em. Những thuốc này cũng không có hiệu quả nếu nguyên nhân gây nôn mửa là virus. Cung cấp chất lỏng mới là điều quan trọng, không phải là thuốc.

Mặc dù vậy nếu trẻ nôn quá nhiều, bác sĩ có thể sẽ phải kê đơn thuốc.

– Gừng: phương thuốc tự nhiên giúp giảm nôn ói

Gừng đã được sử dụng hàng ngàn năm nay trong điều trị các căn bệnh liên quan tới dạ dày. Các nhà nghiên cứu cho rằng hóa chất trong gừng có tác dụng đối với bệnh về dạ dày cũng tác động tới não bộ và hệ thần kinh kiểm soát cơn buồn nôn. Sử dụng gừng là an toàn cho trẻ trên 2 tuổi. Nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết cách dùng gừng trị nôn mửa hiệu quả.

xử trí khi trẻ nôn ói

Có nhiều cách giúp trẻ hạn chế tình trạng ói mửa

– Bấm huyệt

Bấm huyệt có thể góp phần làm giảm buồn nôn. Bởi vì bấm huyệt sẽ làm tăng áp lực lên một phần cơ thể để tạo ra những thay đổi ở các vùng khác của cơ thể. Để dập tắt cơn buồn nôn, dùng đầu ngón tay ấn mạnh lên huyệt cổ tay và giữ chừng 3 đến 5 phút sẽ hết.

Khi nào cần liên hệ bác sĩ?

Tới bệnh viện ngay lập tức nếu:

– Trẻ dưới 12 tuần tuổi và nôn nhiều hơn 1 lần.

– Có dấu hiệu mất nước hoặc nghi ngờ đã ăn, uống phải chất độc.

– Sốt cao, đau đầu, phát ban, cứng cổ hoặc đau bụng.

– Có máu hoặc mật trong dịch nôn hoặc nghi ngờ trẻ bị viêm ruột thừa.

– Khó đánh thức, trẻ có vẻ rất mệt mỏi hoặc đã nôn nhiều trong vòng 8 giờ.

xử trí khi trẻ nôn ói

Đưa trẻ đến bác sĩ ngay nếu tình trạng nôn ói nghiêm trọng hơn

Những dấu hiệu này có thể cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng nào đó cần điều trị kịp thời, vì thế tuyệt đối không nên chủ quan.

2. Hướng dẫn cách phòng ngừa trẻ bị nôn trớ

– Không cho trẻ ăn quá no so với nhu cầu

– Không để trẻ chạy nghịch, vận động quá nhiều ngay sau khi ăn

– Hỗ trợ hệ tiêu hóa cho trẻ bằng cách massage xoa bụng theo vòng tròn quanh đại tràng để kích thích nhu động ruột, giúp trẻ đi ngoài đều đặn, giảm chướng bụng cũng như nôn trớ

– Không nên cho trẻ ăn các bữa quá gần nhau

Trên đây là những thông tin dành cho cha mẹ khi có con thường xuyên bị nôn trớ, hy vọng bài viết sẽ giúp nhiều trẻ em cải thiện được tình trạng nôn trớ của mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital