Những mẹo cần biết khi trẻ bị sốt mọc răng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Mọc răng là sự kiện quan trọng của trẻ nhỏ, khi mọc răng trẻ thường sốt, biếng ăn khiến cho cha mẹ lo lắng. Để có cách xử trí tốt nhất khi trẻ bị sốt mọc răng mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

1. Trẻ sốt mọc răng có các biểu hiện gì?

biểu hiện của trẻ sốt mọc răng

Khi mọc răng trẻ thường bị sốt, nướu sưng, viêm, tấy đỏ (ảnh minh họa)

Thông thường trẻ mọc răng có những biểu hiện sau:

  • Lợi (nướu) sưng, viêm tấy đỏ: Nướu sưng đỏ làm trẻ luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng nhú lên, trẻ thường cho ngón tay, đồ chơi hay bất cứ vật gì có trong tay vào miệng để cắn…
  • Trẻ bị sốt: Người trẻ có dấu hiệu nóng, sốt dưới 38,5 độ nhưng không bị ho hay sổ mũi.
  • Trẻ biếng ăn: Để mọc được răng nướu phải nứt ra gây đau cho trẻ và rất có thể bị nhiễm trùng răng miệng, những triệu chứng này khiến trẻ và lười ăn uống, thậm chí có trẻ còn sút cân.
  • Hay quấy khóc và chảy nước dãi: Khi mọc răng trẻ có thể có biểu hiện một vài rối loạn trong cơ thể như: mệt mỏi, rất quấy, hay khóc, ít ngủ, bứt rứt khó chịu và hay làm nũng cha mẹ, một số trẻ hay chảy nước miếng,…
  • Rối loạn tiêu hóa: Trong thời kỳ mọc răng hoặc sớm hơn do sức đề kháng yếu đi nên trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa cụ thể là đi ngoài phân lỏng.

Các dấu hiệu này thường xuất hiện rồi tự hết trong vòng 3-7 ngày, những biểu hiện đó chỉ là quá trình sinh lý bình thường.

Biểu hiện của trẻ sốt mọc răng

Trẻ quấy khóc khi sốt mọc răng (ảnh minh họa)

2. Cách xử trí khi trẻ bị sốt mọc răng

Đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi trẻ có những biểu hiện sốt để tìm ra nguyên nhân sốt và có cách điều trị phù hợp. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ thì có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt theo đúng liều lượng trước khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế. Ngoài ra cần lưu ý những điều sau:

2.1. Kịp thời hạ sốt cho trẻ

Cặp nhiệt độ cho bé, nếu bé sốt dưới 38,5 độ C có thể hạ nhiệt cơ thể cho bé bằng nước ấm để giúp cơ thể thoát nhiệt, mặc cho bé những trang phục thoải mái và thoáng, phù hợp với nhiệt độ bên ngoài để nhiệt thoát ra dễ dàng.

2.2. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ

Cho trẻ bú nhiều hơn (hoặc có thể pha sữa bình cho bé loãng hơn bình thường), khuyến khích các bé uống thêm nước lọc, nếu bé không uống nước lọc có thể dùng tăm bông sạch chấm nước và môi, miệng bé để bé không bị khô môi và tránh tình trạng mất nước.

Cho trẻ ăn các thức ăn mềm để trẻ ăn uống dễ dàng, không quá nóng hay quá lạnh, ngoài ra cần bổ sung hàm lượng canxi (cá, tôm, hải sản,…) trong thành phần các bữa ăn hàng ngày cho trẻ, cho trẻ nhâm nhi bánh ăn dặm (đây là loại bánh ít đường và không chất bảo quản, bánh mềm ra khi kết hợp với nước bọt của bé).

2.3. Giữ vệ sinh răng miệng cho bé

Cho bé uống nước lọc sau khi ăn, lau bằng khăn mềm, chải răng cho bé, làm thường xuyên và nhiều lần trong ngày.

xử trí khi trẻ bị sốt mọc răng

Nếu trẻ sốt cao có kèm theo chảy nước mũi, ho, nôn ói… thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị sớm.

Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi sát sao khi trẻ bị sốt và tiêu chảy vì rất có thể có những nguyên nhân khác khiến cũng cho trẻ bị như vậy. Nếu trẻ sốt cao có kèm theo chảy nước mũi, ho, nôn ói… thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital