Xơ vữa động mạch tim là một trong những tình trạng tổn thương nguy hiểm nhất của xơ vữa mạch máu. Bởi ở những bệnh nhân này, dòng máu tuần hoàn đến nuôi tim bị hạn chế, tim có thể bị thiếu máu cục bộ, giảm khả năng co bóp và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng tại tim cũng như trên toàn cơ thể.
Menu xem nhanh:
1. Xơ vữa động mạch tim là gì?
Xơ vữa động mạch tim hay xơ vữa mạch vành là tình trạng động mạch cung cấp máu nuôi tim bị xơ cứng, lòng mạch bị thu hẹp do các mảng xơ vữa. Điều này làm cho khả năng lưu thông máu bị hạn chế, gây thiếu máu đến tim.
Khi mạch máu bị tắc hẹp ở một bộ phận cơ quan nào đó sẽ gây thiếu máu cục bộ tại cơ quan đó. Đối với tình trạng tắc hẹp ở tim sẽ gây nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ, về lâu dài sẽ dẫn tới suy tim.
Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác mệt mỏi, khó thở khi gắng sức. Về lâu dài tình trạng khó thở sẽ diễn ra thường xuyên, khó thở nhất khi nằm. Đi kèm với đó là hiện tượng phù chân hoặc tiểu ít. Khi động mạch tim bị xơ vữa đến giai đoạn này đồng nghĩa với việc bệnh đã trở nặng, gây suy giảm chất lượng cuộc sống.
2. Nguyên nhân gây xơ vữa ở động mạch tim
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Thế nhưng hầu hết các nguyên nhân đều đến từ lối sống sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bao gồm:
2.1 Chế độ ăn không lành mạnh
Ăn quá nhiều chất béo bão hòa, mỡ động vật và các loại chất béo xấu có trong bánh quy, bánh nướng, thịt đỏ. Sữa và các chế phẩm từ sữa cũng chứa khá nhiều chất béo, làm tăng cholesterol và tăng sự hình thành của các mảng bám lên thành mạch.
2.2 Thừa cân, béo phì
Những người bị béo phì thường là do tình trạng rối loạn chuyển hóa gây ra, là yếu tố nguy cơ tăng xơ vữa mạch máu, không chỉ riêng mạch vành.
2.3 Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tổn thương các thành mạch máu, làm giảm mức HDL – Cholesterol trong máu, làm tăng cholesterol xấu, dần hình thành các mảng xơ vữa.
2.4 Xơ vữa động mạch tim do tuổi tác
Sự thoái hóa của các tế bào làm giảm khả năng chuyển hóa, gây ra tình trạng tích tụ mỡ thừa, làm tăng lipid máu. Không chỉ vậy, khả năng đàn hồi của mạch máu cũng suy giảm khi tuổi tác tăng lên, làm lòng mạch bị xơ cứng lại.
2.5 Các bệnh về chuyển hóa
Bệnh tiểu đường, bệnh thận, suy giáp làm ảnh hưởng đến con đường chuyển hóa lipid máu, gây xơ vữa động mạch. Nguy hiểm hơn, ở những người tiểu đường lại không hề có triệu chứng rõ ràng có thể phát hiện từ sớm.
2.6 Tăng huyết áp
Làm tăng áp lực trong lòng mạch, gây tổn thương lớp nội mô, khiến các mảng xơ vữa kết dính lại và gây ra tình trạng xơ vữa động mạch nhanh chóng.
3. Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ vữa động mạch
Bệnh xơ vữa động mạch không xuất hiện ngay tức khắc mà thường tiến triển âm thầm. Ở những giai đoạn đầu bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng. Chỉ khi động mạch bị tắc nghẽn nhiều khiến máu không cung cấp đủ đến các cơ quan và mô, các triệu chứng mới xuất hiện.
Nguy hiểm hơn, một khối máu đông khi đi vào khu vực mạch bị hẹp sẽ làm tắc hoàn toàn hoặc chậm quá trình vận chuyển máu, gây ra cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Các triệu chứng của xơ vữa động mạch từ trung bình đến nặng tùy thuộc vào khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm:
– Đối với xơ vữa động mạch tim, bạn có thể gặp các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, khó thở khi gắng sức hoặc vào ban đêm…
– Đối với mảng xơ vữa động mạch cung cấp máu cho não, bạn có thể xuất hiện các dấu hiệu như tê bì ở đầu ngón tay, ngón chân, khó nói hoặc nói lắp, mất thị lực tạm thời. Có trường hợp sẽ xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua, nếu không được điều trị từ sớm có thể hình thành một cơn đột quỵ.
– Nếu xuất hiện mảng xơ vữa động mạch ở cánh tay và chân, bạn có thể gặp các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại vi như đau chân khi đi bộ.
– Các mảng xơ vữa xuất hiện ở thận sẽ làm gia tăng tình trạng cao huyết áp hoặc suy thận.
4. Những phương pháp dùng để điều trị xơ vữa động mạch vành tim
Điều trị xơ vữa động mạch là vấn đề dài hạn, do vậy người bệnh cần phải thực sự tuân thủ và kiên trì trong quá trình điều trị, cũng như thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
4.1 Điều trị xơ vữa động mạch tim bằng thuốc
Trường hợp ở giai đoạn nhẹ và trung, việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, các loại thuốc thường được chỉ định bao gồm:
– Thuốc giảm cholesterol
– Thuốc chống kết tiểu cầu và thuốc chống đông để ngăn huyết khối làm tắc nghẽn mạch vành
– Thuốc chẹn kênh canxi hay chẹn kênh beta
– Thuốc lợi tiểu hỗ trợ giảm huyết áp, tránh huyết áp cao
Các loại thuốc điều trị này chỉ mang tính tham khảo. Để biết cách sử dụng các loại thuốc này trong từng trường hợp cụ thể, bạn nên đi khám hoặc liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chi tiêt.
Trong một số trường hợp cơ thể không thể đáp ứng thuốc hoặc bệnh đã tiến triển nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhằm khôi phục hoạt động và chức năng mạch vành. Dù trong trường hợp nào, bạn cũng cần tuân thủ nghiêm các chỉ định điều trị của bác sĩ,
4.2 Thay đổi lối sống
Ngoài việc áp dụng 2 phương pháp điều trị trên, người bệnh cũng cần thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh, giúp hỗ trợ việc điều trị tốt hơn. Một số biện pháp người bệnh nên áp dụng gồm:
– Ăn uống lành mạnh, chế độ ăn ít chất béo, giàu chất xơ và vitamin
– Sử dụng chất béo tốt từ thực vật và các loại cá
– Tập thể dục phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp cho thể trạng của bản thân
– Lên kế hoạch giảm cân nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì
– Điều trị các bệnh lý liên quan, chẳng hạn như cao huyết áp, tiểu đường
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về xơ vữa động mạch tim, nguyên nhân gây ra xơ vữa và các điều trị hiệu quả. Lưu ý, đây chỉ là những kiến thức tham khảo, không thể thay thế việc thăm khám và điều trị thực tế. Hãy thăm khám thường xuyên tại các chuyên khoa tim mạch, đặc biệt khi có những triệu chứng bất thường để được chẩn đoán, phát hiện bệnh lý từ sớm và có hướng điều trị thích hợp.