Viêm tụy cấp (VTC) là bệnh lý phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến là do bia rượu và do bị sỏi mật. Để tìm hiểu chi tiết hơn viêm tụy cấp là gì, mức độ nguy hiểm ra sao, mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin tổng quan về viêm tụy cấp
1.1. Viêm tụy cấp là gì, có biểu hiện như thế nào?
Tuyến tụy là một tuyến lớn có vị trí phía sau dạ dày và nằm bên cạnh ruột non. Tuyến này có 2 nhiệm vụ chính:
– Giải phóng enzyme tiêu hóa vào ruột non để hỗ trợ việc tiêu hóa thức ăn.
– Giúp giải phóng hormone insulin và glucagon vào máu. Hormone này giúp cơ thể kiểm soát tiêu hóa thực phẩm để sản sinh năng lượng.
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính các nhu mô tụy trong thời gian ngắn. Bệnh có triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.
Khi bị viêm tụy cấp, người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng phổ biến như sau:
– Đột ngột xuất hiện các cơn đau bụng, đặc biệt là sau khi ăn no và ăn nhiều dầu mỡ. Bệnh nhân thường đau dữ dội, vị trí đau ở trên rốn và lan ra sau lưng.
– Thường xuyên buồn nôn và nôn, tần suất tăng dần.
– Sốt và bị vàng da.
– Rối loạn nhu động ruột, liệt ruột và chướng hơi.
– Xuất hiện các vết bầm tím dưới da, quanh rốn, hông trái.
– Nhịp tim tăng nhanh hơn so với bình thường.
1.2. Viêm tụy cấp là gì, nguyên nhân do đâu?
Có rất nhiều yếu tố gây ra bệnh VTC, tuy nhiên những nguyên nhân sau đây là phổ biến nhất:
– Rượu bia
Sử dụng rượu bia, chất kích thích là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm tụy cấp tính. Những người sử dụng rượu bia liên tục có nguy cơ VTC tái phát lại nhiều lần.
– Sỏi
Sỏi tụy, sỏi mật, giun chui ống mật cũng là nguyên nhân gây nên bệnh VTC. Sỏi làm cản trở đường đi của ống tụy, gây nên tình trạng sưng viêm. Sỏi và lạm dụng bia rượu là nhóm nguyên nhân phổ biến, chiếm tới 70 – 80% trường hợp bệnh nhân viêm tụy cấp tính.
– Rối loạn chuyển hóa
Một số người bị rối loạn chuyển hóa, tăng triglyceride, mỡ máu, mắc bệnh tuyến giáp, cường giáp… cũng có nguy cơ bị VTC.
– Mắc chấn thương
Người bị chấn thương vùng bụng, gây dập, rách nội tạng cũng có thể bị viêm tụy.
– Biến chứng sau phẫu thuật
Bệnh nhân có thể bị viêm tụy sau một số phẫu thuật. Đây có thể là biến chứng sau ghép gan, thận hoặc do tổn thương trong quá trình phẫu thuật các cơ quan có vị trí gần tụy.
– Nhiễm trùng
Những người bị nhiễm trùng do virus, vi khuẩn quai bị, viêm gan virus, giun đũa… cũng có nguy cơ bị VTC.
– Thuốc
Một số loại thuốc như sulfonamide, furosemide, ethanol, 6MP, oestrogen… có thể gây tăng sinh viêm trong quá trình sử dụng.
– Bệnh hệ thống
Bao gồm bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm mao mạch hoại tử, Schonlein Henoch…Những bệnh lý này gây suy giảm miễn dịch hệ thống, rối loạn hoạt động chuyển hóa trong cơ thể và là yếu tố nguy cơ gây viêm tụy.
2. Viêm tụy cấp tính có gây nguy hiểm tới tính mạng không?
Nếu không được điều trị sớm, bệnh sẽ diễn biến nhanh và gây ra các biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến các cơ quan khác và có thể gây tử vong. Sau đây là những diễn biến nguy hiểm của VTC:
– Suy thận: VTC có thể gây ra suy thận nặng, nhiều trường hợp cần phải lọc máu.
– Tổn thương phổi: VTC gây ra những thay đổi hóa sinh trong cơ thể, ảnh hưởng đến trao đổi khí tại phổi và làm giảm oxy máu.
– Nhiễm trùng: triệu chứng nhiễm trùng thường xuất hiện khi bệnh bước sang tuần thứ hai. Biến chứng này dẫn đến tình trạng áp-xe tụy, hoại tử mô, tiên lượng khá nặng.
– Nang giả tuỵ: bệnh nhân có thể xuất hiện nang giả tụy ở tuần thứ 4. Nang giả tụy có thể được hấp thu và tự dẫn lưu vào tụy và tự hết trong vòng từ 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, trường hợp tồn tại lâu có thể bị bội nhiễm và hình thành ổ áp-xe.
– Suy dinh dưỡng: khi bị viêm, tuyến tụy sẽ không thể sản xuất đầy đủ các enzym cần thiết. Điều này khiến bệnh nhân thiếu chất dinh dưỡng, bị tiêu chảy và giảm cân nhanh.
– Viêm tụy mạn tính: viêm tụy cấp tính tái đi tái lại có thể dẫn đến viêm tụy mạn tính. Viêm tụy mạn tính khiến các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy tổn thương và là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường hoặc ung thư tuyến tụy.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm tụy cấp như thế nào?
3.1. Phương pháp chẩn đoán VTC
Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm tụy cấp tính bao gồm:
– Xét nghiệm: mục đích đánh giá viêm tụy có liên quan đến các bất thường như ứ mật, tăng calci huyết, tăng lipid máu hay không. Dựa vào kết quả xét nghiệm có thể xác định được nguyên nhân gây ra viêm tụy.
– Siêu âm: mục đích đánh giá xem có sỏi mật, giãn đường mật hoặc các nguyên nhân khác như viêm ruột thừa, viêm túi mật hay không.
– X-quang phổi: để đánh giá tình trạng tràn dịch màng phổi, tổn thương nhu mô phổi.
– Chụp CT: dùng cho các trường hợp chẩn đoán không rõ ràng nhưng vẫn nghi ngờ viêm tụy.
– Chụp cộng hưởng từ mật tụy: phương pháp này sẽ được sử dụng khi không tìm thấy nguyên nhân viêm tụy bằng các phương pháp trên.
3.2. Điều trị viêm tụy cấp tính bằng phương pháp nào?
– Giảm đau, bù dịch
Dung dịch Ringer được khuyến nghị sử dụng với liều lượng ban đầu từ 15 mL/kg – 20 mL/kg và sau đó là 3 mL/kg mỗi giờ (thường khoảng 250-500 mL mỗi giờ) trong 24 giờ đầu tiên dựa trên mức độ nặng nhẹ và bệnh lý kèm theo. Cần chú ý theo dõi kỹ lượng nước tiểu, sinh hiệu, nồng độ urea máu và dung tích hồng cầu để xác định lượng dịch truyền cần thiết cho mỗi người bệnh.
Có thể sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol, NSAIDs, Opioids hay thậm chí các thuốc giảm đau trung ương để giảm đau tích cực cho người bệnh.
– Cho ăn sớm
Bệnh nhân phải nhịn ăn trong vòng 12 giờ đầu nhập viện cho đến khi triệu chứng đau bụng, nôn mửa được cải thiện. Sau 24 – 72h nhập viện, người bệnh có thể ăn thức ăn lỏng, mềm, ít cặn, ít chất béo, tùy theo tình trạng từng người.
Nếu không thể dung nạp thức ăn qua đường miệng, có thể cho ăn bằng ống thông mũi – dạ dày, hoặc nuôi ăn tĩnh mạch.
– Điều trị bằng kháng sinh
Đối với các trường hợp viêm tụy cấp có dấu hiệu bị nhiễm trùng, người bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh để ngăn chặn biến chứng nhiễm trùng lan rộng.
Thông qua bài viết, hi vọng bạn đọc có thể đã hiểu về “viêm tụy cấp là gì?”. Đồng thời có thêm kiến thức để phòng ngừa, điều trị và chăm sóc bản thân cũng như người nhà tốt hơn.