Quai bị (viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus quai bị có tên là Mumps Virus gây ra. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh lý này sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm và một trong số đó là viêm tinh hoàn sau quai bị. Hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu của viêm tinh hoàn do quai bị và có thêm thông tin hữu ích về phương pháp điều trị, phòng tránh đúng cách nhé.
Menu xem nhanh:
1. Viêm tinh hoàn sau quai bị là gì?
Đây là tình trạng virus quai bị từ tuyến nước bọt lây lan sang tinh hoàn. Khi đã xâm nhập đến tinh hoàn, Mumps Virus sẽ tác động làm tổn thương tế bào sinh tinh và khiến cho ống sinh tinh trở nên phù nề, bị tổn thương và xơ hóa. Một nam giới bình thường sẽ có khoảng 400 – 600 ống sinh tinh nên việc quá nhiều ống sinh tinh bị tổn thương sẽ dẫn đến tình trạng dễ bị chấn thương khi va chạm nhẹ ngày thường và lâu dài có thể dẫn đến vô sinh.
2. Dấu hiệu nhận biết viêm tinh hoàn do quai bị
Tình trạng này rất dễ nhận biết với những dấu hiệu đặc trưng sau:
– Tinh hoàn bị sưng đau (phổ biến là bị ở một bên, chỉ khoảng 3 – 7% bị viêm cả hai bên)
– Da bìu bị căng ra, sưng đỏ và phù nề
– Cảm thấy tinh hoàn bị cứng, đau khi sờ vào
– Đi tiểu buốt
– Khi quan hệ tình dục có cảm giác đau
– Cơ thể luôn mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng
3. Những ảnh hưởng của viêm tinh hoàn sau quai bị
3.1 Khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm
Vì có cảm giác đau, cộm và khó chịu nên người bệnh sẽ không thể tập trung trong học tập, công việc, cảm thấy mệt mỏi, tâm trạng luôn chán nản và rất dễ cáu gắt.
3.2 Đời sống tình dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Bị đau khi quan hệ, đau khi xuất tinh,… do viêm tinh thoàn sẽ khiến nam giới cảm giác quan hệ tình dục là một áp lực lớn và thường né tránh chuyện này. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm vợ chồng và hạnh phúc gia đình.
3.3 Gây nên các bệnh lý nam khoa khác
Khi không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm tình hoàn sẽ lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể và gây nên các biến chứng như viêm túi tinh, áp xe bìu, viêm mào tinh hoàn,… Đây là những bệnh lý sẽ gây nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản của nam giới về sau.
3.4 Có nguy cơ vô sinh cao
Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tinh hoàn do bệnh quai bị phải kể đến là teo tinh hoàn – trường hợp bệnh lý dẫn đến tỷ lệ vô sinh – hiếm muộn rất cao. Khi có biến chứng này, nam giới sẽ gặp phải tình trạng tinh hoàn to nhỏ bất thường, sinh lý suy giảm, rối loạn cương dương, khi xét nghiệm tinh dịch đồ sẽ có kết quả là không thấy tinh trùng, lượng testosterone trong máu giảm.
Theo thống kê, có đến 50% nam giới mắc viêm tinh hoàn do quai bị dẫn đến teo tinh hoàn vì chưa điều trị dứt điểm hoặc đúng cách thời điểm bị bệnh. Chính vì vậy, khi thấy có những dấu hiệu của bệnh lý viêm tinh hoàn như đã chia sẻ ở trên, nam giới nên đến thăm khám tại các bệnh viện lớn uy tín để được điều trị sớm.
4. Phương pháp điều trị viêm tinh hoàn do quai bị
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh lý này mà chỉ tập trung vào điều trị triệu chứng. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc giảm đau và kháng viêm. Thông thường sẽ mất khoảng từ 10 – 14 ngày để bệnh lý biến mất. Nhưng để đảm bảo không có biến chứng gì xảy ra, bệnh nhân sẽ được theo dõi sức khỏe thông qua các xét nghiệm nồng độ hormone hay tinh dịch đồ.
Ngoài ra, nam giới mắc bệnh lý này cần lưu ý:
– Nên nằm nghỉ ngơi trong giai đoạn điều trị bệnh, nhất là khi tinh hoàn còn sưng và đau.
– Mặc đồ lót để nâng hai bên tinh hoàn, giúp giảm được sự căng tức và đau nhức.
– Dùng đúng liều lượng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Tránh vận động nhiều, đặc biệt tránh các hoạt động như chạy bộ, đạp xe…
– Tránh việc quan hệ hay thủ dâm khi đang trong quá trình điều trị.
– Vệ sinh sạch sẽ dương vật và bìu hàng ngày
– Uống nhiều nước, đặc biệt là nước trái cây nhằm cung cấp thêm vitamin C cho cơ thể.
– Khi đã bị biến chứng không còn khả năng sinh tinh, cần đến thăm khám để điều trị vô sinh cũng như kịp thời giữ lại những tinh trùng chất lượng.
5. Biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị
5.1 Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị
Thời điểm tiêm vắc xin phòng quai bị phù hợp khi trẻ trong khoảng từ 12 – 18 tháng tuổi, sau đó tiêm liều thứ 2 nhắc lại vào khoảng 4 – 6 tuổi. Vắc xin phòng bệnh quai bị là loại vắc xin sống giảm động lực, có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với vắc xin phòng bệnh sởi và Rubella.
5.2 Vệ sinh sạch sẽ cơ thể hàng ngày
– Cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn
– Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh lây nhiễm bệnh
– Dọn dẹp sạch sẽ nơi học tập, làm việc và sinh hoạt
5.3 Một số lưu ý khác
Vì quai bị là một bệnh có khả năng truyền nhiễm vì vậy cần tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh lý này. Với những người đã từng mắc bệnh quai bị, cơ thể sẽ tạo nên kháng thể chống lại virus này tuy nhiên có một số trường hợp vẫn tái phát lại vì vậy nam giới không nên chủ quan và cần thăm khám ngay khi mới có dấu hiệu của bệnh.
Viêm tinh hoàn do quai bị chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu vì vậy cần sớm kiểm soát triệu chứng bệnh, nhanh chóng điều trị và ngăn ngừa biến chứng để không gây nên những hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cũng như sức khỏe tổng thể của nam giới.