Viêm tiểu phế quản ở trẻ em và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là một trong những bệnh lý đường hô hấp phổ biến nhất, thường xảy ra ở  trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị bệnh thế nào, cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản là gì?

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý nhiễm virus của đường hô hấp gây viêm và tắc nghẽn trong tiểu phế quản của phổi. Viêm tiểu phế quản thường bắt đầu với những triệu chứng tương tự như cảm lạnh, sau đó mới tiến triển thành triệu chứng đặc trưng như khò khè, ho, khó thở và rales nổ.

Cao điểm của bệnh là mùa đông, khi nhiệt độ trở lạnh đột ngột, hệ miễn dịch của trẻ trở nên suy giảm do chưa thích ứng kịp với sự thay đổi của thời tiết, lúc này các tác nhân gây hại như virus và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và phát triển. Về tác nhân gây bệnh, phổ biến nhất là virus hợp bào RSV (respiratory syncytial virus) gây ra. Bên cạnh đó, một số loại virus cũng có thể gây ra viêm tiểu phế quản ở trẻ, có thể là virus bệnh cảm hoặc virus cảm lạnh thông thường. Các virus gây viêm tiểu phế quản đều có thể gây lây nhiễm và đặc biệt rất dễ lây lan qua những giọt nước trong không khí khi người bệnh bị ho, hắt hơi hoặc khi nói chuyện. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây khi chạm vào các đồ vật chung như đồ dùng, khăn hoặc đồ chơi hay khi trẻ dụi tay vào mắt, mũi, miệng.

Bên cạnh đó, một số yếu tố được xác định là nguy cơ hình thành viêm tiểu phế quản bao gồm:

– Trẻ phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như khói, bụi, khói thuốc lá…

– Trẻ không được bú sữa mẹ trong thời gian 6 tháng đầu

– Trẻ tiếp xúc với các trẻ mắc bệnh

– Có anh chị em đi học hoặc người chăm sóc trẻ mang mầm bệnh về nhà

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh lý nhiễm virus của đường hô hấp gây viêm và tắc nghẽn trong tiểu phế quản của phổi

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh lý nhiễm virus của đường hô hấp gây viêm và tắc nghẽn trong tiểu phế quản của phổi

2. Nhận biết viêm tiểu phế quản ở trẻ thông qua những triệu chứng nào?

Như đã đề cập ở trên, ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu cũng như triệu chứng của viêm tiểu phế quản tương tự như cảm lạnh, bao gồm: Ho, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt nhẹ, tuy nhiên không phải trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản nào cũng sốt.

Ở giai đoạn sau, có thể một tuần hoặc nhiều hơn, trẻ bắt đầu xuất hiện biểu hiện khó thở hoặc thở khò khè, trong nhiều trường hợp trẻ sơ sinh khi mắc bệnh cũng có thể bị viêm tai giữa.

Đặc biệt, bố mẹ cần lưu ý nếu thấy ở trẻ có những biểu hiện như: Khó ăn, chán ăn, bỏ bữa, nhịp thở nhanh bất thường, khó thở, phải gắng sức để thở, từ chối uống nước, da xanh xao hoặc tím tái đặc biệt là ở môi và móng tay, chậm chạp… thì bố mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, trong trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có những yếu tố như bị sinh non, bệnh tim, bệnh phổi hoặc trẻ có hệ thống miễn dịch kém, các phụ huynh cũng nên chú ý theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của trẻ để tránh tình trạng nhiễm trùng lan rộng gây tổn thương nghiêm trọng đến phế quản.

3. Chẩn đoán và điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ thế nào?

3.1. Phương pháp chẩn đoán

Thông thường, viêm tiểu phế quản có thể sẽ được điều trị dứt điểm nếu như phụ huynh nhanh chóng đưa con đi thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa ngay thời điểm mới phát hiện những dấu hiệu của bệnh.

Tại đây, thông qua khám thực thể và nghe phổi, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán về tình trạng của con. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cần phải mất đến lần thứ 3 khám mới có thể chẩn đoán chính xác được.

Ngoài ra, trong quá trình khám nếu phát hiện những triệu chứng nguy hiểm hoặc nghi ngờ trẻ mắc thêm bệnh lý khác, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như:

– Chụp X-quang ngực để chẩn đoán trẻ có bị bệnh viêm phổi hay không

– Xét nghiệm siêu vi thông qua mẫu chất nhầy ở mũi của trẻ để kiểm tra virus gây bệnh viêm tiểu phế quản

Xét nghiệm máu, kiểm tra số lượng tế bào bạch cầu của trẻ để xác định mức oxy đang giảm trong máu

– Kiểm tra các dấu hiệu mất nước như: Nôn, trớ, lười uống nước, khô môi, mắt trũng, ít đi tiểu…

3.2. Phương pháp điều trị

Tùy vào từng trường hợp cụ thể như: Triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, sức khỏe tổng thể của trẻ… mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ đều là do tác nhân virus gây ra, bởi vậy nên sử dụng kháng sinh để điều trị là không cần thiết bởi kháng sinh không thể chống lại virus hay chống lại các bệnh lây nhiễm do virus.

Mục tiêu của điều trị viêm tiểu phế quản là làm giảm bớt các triệu chứng, chính vì vậy, trong quá trình điều trị bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:

– Một số loại thuốc điều trị triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi

Không nên sử dụng thuốc kháng histamine hay các loại thuốc chống sung huyết mũi để làm thông, khô mũi trẻ vì nhóm thuốc này có nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ cũng như phun hơi ẩm trong phòng để trẻ giảm triệu chứng khô mũi. Nếu trẻ có thêm biểu hiện khó thở, thở khò khè thì có thể dùng khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản.

– Làm loãng đờm

Theo các chuyên gia, việc uống nhiều nước là phương pháp làm loãng đờm rất tốt, chính vì vậy, bố mẹ cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước mỗi ngày.

Bố mẹ có thể cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đờm

Bố mẹ có thể cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đờm

– Hạ sốt cho trẻ

Trong trường hợp trẻ sốt cao, bố mẹ cần phải thực hiện các biện pháp hạ sốt cho trẻ ngay lập tức nhằm đề phòng các biến chứng có thể gặp. Một số loại thuốc cho trẻ có thể sử dụng là Paracetamol hoặc Ibuprofen. Bố mẹ lưu ý cho dù sử dụng loại thuốc nào thì cũng phải có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể lau mát cho trẻ để giúp hạ sốt.

4. Phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản trong mùa dịch

Trên thực tế, thời điểm hiện tại đang là cao điểm của viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Do vậy, bố mẹ cần chú ý nâng cao các biện pháp đề phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho con yêu. Cụ thể, một số biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ bố mẹ có thể áp dụng bao gồm:

– Không để trẻ tiếp xúc với những người có biểu hiện viêm đường hô hấp

– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không để trẻ mút tay, ngậm đồ chơi bởi đây là con đường dễ lây bệnh

– Giữ ấm cho trẻ vào mùa đông để hạn chế nguy cơ bị ốm cho trẻ

– Bổ sung các dưỡng chất cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng như: Kẽm, vitamin C

– Khuyến khích trẻ uống nhiều nước một ngày

Tiêm vắc xin phế cầu hoặc vắc xin phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác

Trên đây là các thông tin cần biết về viêm tiểu phế quản ở trẻ em. Mặc dù đây không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, tuy nhiên bố mẹ cũng nên chú ý đến các biểu hiện của trẻ để kịp thời phát hiện và điều trị, tránh để cho bệnh kéo dài có thể gây ra các biến chứng khác ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Khoa Nhi-Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là nơi quy tụ các bác sĩ Nhi khoa đầu ngành, có kinh nghiệm và chuyên môn cao

Khoa Nhi-Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là nơi quy tụ các bác sĩ Nhi khoa đầu ngành, có kinh nghiệm và chuyên môn cao

Khoa Nhi-Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là địa chỉ tin cậy tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý thường gặp ở trẻ, trong đó có viêm tiểu phế quản. Với đội ngũ bác sĩ Nhi đầu ngành với hơn 30 năm kinh nghiệm, hệ thống máy móc luôn được chú trọng đầu tư nhằm phục vụ tối đa cho việc khám, chữa bệnh, điều dưỡng luôn tận tâm, chu đáo và yêu trẻ, khoa Nhi Thu Cúc TCI là địa chỉ lý tưởng để chăm sóc sức khỏe con yêu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital