Viêm phế quản cấp ở trẻ em: Chẩn đoán và điều trị

Tham vấn bác sĩ

Viêm phế quản cấp ở trẻ em là một trong những bệnh lý phổ biến khi giao mùa, gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Để hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh này, các bậc phụ huynh đừng bỏ lỡ những thông tin hữu ích dưới đây.

1. Bệnh viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản cấp là một hội chứng lâm sàng do viêm cấp của khí quản và các phế quản lớn. Virus thường là tác nhân chính gây ra bệnh viêm phế quản. Bệnh thường phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi.

Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi dễ mắc phải viêm phế quản cấp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh có thể xuất hiện đồng thời hoặc sau khi trẻ đã mắc bệnh nhiễm khuẩn như cúm, ho gà, sởi… Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng những trẻ có đề kháng yếu, môi trường sống không đảm bảo… thường dễ dàng mắc hơn. Viêm phế quản cấp không chỉ khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nếu trẻ không được phát hiện và điều trị sớm như:

– Viêm phổi

– Viêm phế quản mạn tính

– Viêm giãn phế quản

– Suy hô hấp

– Áp xe phổi

– Nhiễm trùng huyết

Do đó, cha mẹ cần trang bị kiến thức y khoa về bệnh viêm phế quản cấp để nhận biết sớm, điều trị kịp thời cho trẻ nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng trẻ một cách tối ưu.

Viêm phế quản cấp là bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ em

Viêm phế quản cấp là bệnh lý đường hô hấp thường gặp ở trẻ em

2. Nguyên nhân gây bệnh

Trẻ nhỏ dễ mắc viêm phế quản do nhiều nguyên nhân như:

– Nhiễm virus: Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản cấp. Chủ yếu là các loại virus như herpes, SARS-CoV-2 (virus gây COVID-19), cúm A – B thường gây bệnh này.

– Nhiễm khuẩn: Một số nhóm vi khuẩn có thể gây viêm phế quản cấp bao gồm Haemophilus influenzae, tụ cầu, liên cầu và E. coli.

– Biến chứng của bệnh lý khác: Một số bệnh như trào ngược dạ dày hoặc dị ứng đường hô hấp trên cũng có thể góp phần gây ra bệnh viêm phế quản cấp.

– Hệ miễn dịch yếu: Khả năng miễn dịch của trẻ trở nên kém đi nên rất dễ bị nhiễm trùng phế quản, đặc biệt khi có bệnh nền mạn tính hoặc bị cảm lạnh.

– Thay đổi môi trường sống: Sự thay đổi mùa, thời tiết… có thể gây kích ứng và viêm niêm mạc đường hô hấp.

– Hít khói thuốc: Khói thuốc chứa nhiều chất độc hại như nicotine, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe hệ hô hấp và phổi của trẻ nhỏ.

– Tiếp xúc với hóa chất: Một số chất hóa học như clo, amoniac có thể tăng nguy cơ kích ứng phổi nếu tiếp xúc thường xuyên.

Virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân gây dị ứng… là nguyên nhân khiến trẻ mắc viêm phế quản cấp

Virus, vi khuẩn hoặc các tác nhân gây dị ứng… là nguyên nhân khiến trẻ mắc viêm phế quản cấp

3. Dấu hiệu nhận biết

Viêm phế quản là một trong những bệnh về đường hô hấp phổ biến nhất ở trẻ em trong thời gian chuyển mùa. Bệnh có nhiều triệu chứng dễ bị nhầm lẫn vơi các bệnh lý đường hô hấp khác, khiến không ít bậc phụ huynh chủ quan hoặc điều trị sai cách cho con. Dưới đây là các triệu chứng mà trẻ có thể gặp khi bị viêm phế quản mà cha mẹ cần lưu ý:

– Sổ mũi và nghẹt mũi

– Ho khan, ho có đờm

– Khó thở

– Sốt cao trên 39 độ C

– Mệt mỏi, đau cơ

– Nôn ói, bú kém

– Môi và da tím tái

– Thở nhanh, thở dốc…

Khi phát hiện các triệu chứng trên, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám và điều trị kịp thời.

Nhận biết viêm phế quản cấp ở trẻ em thông qua các dấu hiệu như sổ mũi, ho khan, khó thở…

Nhận biết viêm phế quản cấp ở trẻ em thông qua các dấu hiệu như sổ mũi, ho khan, khó thở…

4. Điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em bằng cách nào?

4.1. Nguyên tắc điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em

Điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ là một trong những vấn đề được không ít bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu. Việc điều trị cho trẻ phải có chỉ định của bác sĩ nhi khoa sau khi trẻ được thăm khám kỹ lưỡng để đánh giá chính xác về tình trạng bệnh.

Theo thống kê, hơn 90% trường hợp viêm phế quản cấp ở trẻ là do virus gây ra, do đó không thể sử dụng kháng sinh để điều trị cho mọi trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể và tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, việc sử dụng kháng sinh có thể được chỉ định, ví dụ như:

– Bệnh nhi ho kéo dài trên 7 ngày.

– Tình trạng xấu, ho kèm theo sốt kéo dài, đờm có màu vàng, xanh hoặc chứa nhiều dịch mủ.

– Trẻ có bệnh lý nền như suy tim, ung thư, bệnh về gan thận, suy giảm miễn dịch…

4.2. Điều trị triệu chứng

Dựa trên triệu chứng của bệnh nhân, một số phương pháp sau có thể được áp dụng để cải thiện bệnh lý cho trẻ:

– Ho: Đảm bảo uống đủ nước và có thể sử dụng các thuốc hỗ trợ long đờm hoặc loãng đờm (trong trường hợp đờm quá đặc, khó khạc). Tránh sử dụng thuốc giảm ho một cách tùy tiện, vì điều này có thể ảnh hưởng tới sự long đờm và làm chậm quá trình phục hồi.

– Sốt: Khi sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc hạ sốt như ibuprofen và paracetamol. Trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng thuốc aspirin để hạ sốt cho những người bị loét dạ dày – tá tràng hoặc bị hen suyễn.

– Sổ mũi, nghẹt mũi: Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý là phương pháp an toàn và không gây tác dụng phụ so với các thuốc chống sung huyết mũi hoặc kháng histamin thông thường. Đồng thời, có thể sử dụng máy phun sương để tạo độ ẩm trong phòng và giảm triệu chứng sổ mũi và ngạt khó mũi.

– Sử dụng thuốc kháng virus: Chỉ khi nghi ngờ viêm phế quản cấp do virus cúm gây ra, thuốc kháng virus có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng. Nếu cần dùng, nên bắt đầu trong 36 giờ đầu kể từ khi triệu chứng bệnh xuất hiện.

– Khí dung thuốc giãn phế quản: Không nên sử dụng thuốc giãn phế quản qua đường uống vì hiệu quả thấp và có thể gây tác dụng phụ như đỏ mặt, hồi hộp, run tay, và đánh trống ngực… Việc sử dụng loại thuốc này nên được thực hiện tại cơ sở y tế để bác sĩ có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả.

– Vitamin và khoáng chất: Vitamin không có tác dụng lớn trong việc điều trị viêm phế quản cấp cho trẻ nhưng có tác dụng nâng cao đề kháng, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi trong quá trình điều trị.

Nếu thấy trẻ không thuyên giảm hoặc xuất hiện những triệu chứng lạ sau khi điều trị thì cha mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử trí. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý chữa trị cho trẻ khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa bởi điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe, tính mạng của trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tái khám định kỳ theo đúng hẹn để kiểm soát tình trạng tiến triển của bệnh và có thể đổi các loại thuốc phù hợp hơn theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị viêm phế quản cấp cho trẻ cần có chỉ định của bác sĩ

Điều trị viêm phế quản cấp cho trẻ cần có chỉ định của bác sĩ

Mặc dù viêm phế quản cấp ở trẻ em là bệnh thường gặp, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, cha mẹ cần trang bị kiến thức khoa học về bệnh lý để chăm sóc và phòng ngừa hiệu quả cho trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital