Viêm gan siêu vi B hay viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số Việt Nam – được coi là một trong những loại bệnh lý phổ biến nhất. Viêm gan B hình thành và phát triển theo nhiều diễn tiến khác nhau. Nhưng dù ở trường hợp nào đi chăng nữa, đây cũng được coi là mối nguy hiểm tiềm tàng mà người bệnh nhất định không thể chủ quan.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan siêu vi B là gì?
Viêm gan B gây ra bởi siêu virus HBV (có tên đầy đủ là Hepatitis B Virus). Đây là một loại bệnh lý có khả năng lây truyền cao với 3 con đường chính: Đường máu; Đường lây từ mẹ sang con; Đường quan hệ tình dục khi không đảm bảo an toàn.
Viêm gan B mạn tính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về gan như suy gan, xơ gan, ung thư gan,… Chính vì vậy, không thể chủ quan với viêm gan B. Việc hiểu rõ về các giai đoạn diễn tiến của bệnh sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như cảnh giác nhận diện các dấu hiệu bất thường để kịp thời có phương án xử lý nhanh chóng.
2. Các trường hợp diễn tiến cụ thể của bệnh viêm gan B
Để biết chính xác diễn tiến của bệnh cũng như mức độ ảnh hưởng mà virus gây ra, người bệnh cần tiến hành các xét nghiệm cụ thể theo chỉ định từ bác sĩ.
2.1. Các chỉ số quan trọng trong xét nghiệm viêm gan siêu vi B
– HBV-DNA: Đây là chỉ số phản ánh phần virus HBV hoàn chỉnh (gồm nhân và vỏ). Như vậy, xét nghiệm HBV-DNA cho biết số lượng virus viêm gan B tồn tại trong máu cùng sự sao chép và nhân lên của virus trong cơ thể người bệnh.
– HBsAg: Đây là chỉ số kháng nguyên bề mặt virus HBV. Xét nghiệm HBsAg cho biết có bị nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu HBsAg (+) nghĩa là đã nhiễm virus viêm gan B, nếu HBsAg (-) là cơ thể không nhiễm virus viêm gan B.
– HBeAg: Đây là chỉ số kháng nguyên nội sinh của virus HBV. Xét nghiệm HBeAg cho biết mức độ hoạt động của virus. Cụ thể, HBeAg (+) chứng tỏ virus đang hoạt động và rất dễ lây truyền cho người khác; HBeAg (-) thì virus tạm thời không hoạt động, nguy cơ lây nhiễm cho người khác thấp.
– ALT, AST: Đây là các chỉ số men gan cho biết mức độ tổn thương gan do virus HBV gây ra.
2.2. Giai đoạn diễn tiến của viêm gan siêu vi B
Bệnh viêm gan B được phát triển theo 2 giai đoạn: Viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính. Cụ thể như sau:
Viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là bước đầu khởi phát bệnh. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể người, virus HBV sẽ có thời gian ủ bệnh từ 3 – 6 tháng (còn tùy vào thể trạng cụ thể của từng người). Sau đó, virus sẽ bắt đầu hoạt động và gây ra bệnh viêm gan B cấp tính. Nếu sau khoảng 6 tháng, cơ thể của người bệnh không thể tự hình thành miễn dịch với virus thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn viêm gan B mạn tính.
Viêm gan B mạn tính
Ở giai đoạn này đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ sống chung với virus viêm gan B suốt đời, chịu ảnh hưởng từ virus ở những mức độ khác nhau, trong từng giai đoạn và trường hợp bệnh cụ thể.
– Trường hợp 1: HBsAg (+); HBeAg(-) chứng tỏ có virus viêm gan B, virus không hoạt động và không có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Trường hợp này còn gọi là người lành mang mầm bệnh, chưa cần thực hiện điều trị.
– Trường hợp 2: HBsAg (+); HBeAg (-) chứng tỏ có virus viêm gan B, virus không hoạt động nhưng lại có những dấu hiệu lâm sàng (vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, chán ăn, enzym gan tăng cao). Đây là trường hợp người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn tính và virus từng hoạt động âm thầm nhưng sau đó thì ngừng lại (viêm gan B không hoạt tính). Trường hợp này chưa cần điều trị nhưng phải được theo dõi thường xuyên.
– Trường hợp 3: HBsAg (+); HBeAg(+) chứng tỏ có virus viêm gan B, virus đang hoạt động, nhưng không có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng. Đây là trường hợp người bệnh “dung nạp được miễn dịch”. Trường hợp này virus có thể tái kích hoạt bất cứ lúc nào nên cần chú trọng theo dõi định kỳ để kịp thời xử lý.
– Trường hợp 4: HBsAg (+); HBeAg (+) chứng tỏ có virus viêm gan B, virus đang hoạt động và có những dấu hiệu lâm sàng. Trường hợp này, cần được can thiệp điều trị càng sớm càng tốt để kịp thời ngăn chặn những nguy hiểm mà virus có thể gây ra.
3. Những điều người bệnh viêm gan B cần lưu ý
– Thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo an toàn: Sinh hoạt tình dục an toàn, cẩn trọng mỗi lần bị chảy máu và tuyệt đối không để người khác tiếp xúc vào máu hay các vết thương hở khác. Không dùng chung bàn chải đánh răng, bơm kim tiêm, dao cạo râu, bấm móng tay,… với người khác.
– Duy trì chế độ ăn lành mạnh: Ăn uống đủ chất, thực đơn khoa học. Tránh xa hoàn toàn các thức uống chứa cồn như bia, rượu; Nói không với thuốc lá để đảm bảo không làm tổn hại thêm nữa tới gan.
– Luyện tập điều độ: Tích cực luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Ưu tiên những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, chơi cầu lông, bơi lội,… tránh vận động quá sức, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
– Đảm bảo yêu cầu thăm khám sức khỏe định kỳ đều đặn 6-12 tháng/lần. Điều này là hết sức quan trọng và cần thiết vì sẽ giúp kiểm soát tốt nhất mức độ ảnh hưởng của virus gây ra, từ đó nhanh chóng có phương án xử lý kịp thời khi cần.
Viêm gan siêu vi B không hoàn toàn đáng sợ nếu chúng ta hiểu đúng và hiểu rõ về bệnh. Người bệnh viêm gan B cần thực hiện lối sống lành mạnh, tuân thủ chế độ tái khám định kỳ và thực hiện điều trị đúng cách khi có chỉ định từ bác sĩ.